Trong bối cảnh các chỉ số kinh tế quý I-2023 của TP.HCM giảm sâu, một bộ phận cán bộ tâm tư, sợ trách nhiệm... Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có những chia sẻ thẳng thắn, trách nhiệm với đoàn công tác của Chính phủ, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, đang làm việc với đầu tàu kinh tế của cả nước, trung tâm chính trị - xã hội phía Nam.
Buổi làm việc của Thủ tướng với TP.HCM sáng 16-4. Ảnh: VGP |
Bí thư Nên bày tỏ sự cảm ơn khi Thủ tướng và Thường trực Chính phủ trực tiếp vào TP.HCM làm việc, coi đây là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, là động lực để thành phố vượt khó.
Vào thẳng hai câu hỏi lớn trước tình hình tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố sụt giảm là TP.HCM có dự báo đúng tình hình không? Lý do vì sao lại sụt giảm sâu như thế? Ông Nên khẳng định thành phố có dự báo được nhưng chưa có giải pháp hiệu quả cả bên trong, bên ngoài để chặn đà suy giảm.
“Thành ủy và Thường vụ Thành ủy cũng đã kiểm điểm. Dù một quý chưa nói lên tất cả nhưng cũng là cảnh báo cho thành phố trong những quý sau. Khi chống dịch, dễ để nhìn thấy sự lăn xả, dũng cảm của toàn hệ thống. Khi phục hồi thì thấy sự nỗ lực, phấn đấu tạo nên kết quả rất rõ. Khi các chỉ số sụt giảm cũng nhìn rõ hơn sự chậm trễ, tồn đọng, những yếu kém, trì trệ. Vấn đề quan trọng là cần thấu rõ để đánh giá sát", ông nói.
Người đứng đầu Thành ủy cho biết sau cao điểm của đại dịch COVID-19, tổng kết phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 thì tăng trưởng kinh tế ở mức âm, nhưng sang năm 2022 đã bật trở lại, lên mức 9,02%. Lúc đó, Thủ tướng đã có những đánh giá tích cực, cho thấy TP.HCM là địa bàn chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng phục hồi kinh tế như vậy là rất đáng hoan nghênh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: THANH TUYỀN |
Nhưng rồi đến cuối năm 2022, nhất là quý I-2023 này, các chỉ số đều giảm sâu, cho thấy những dấu hiệu bất ổn.
Thực tế là không phải đến khi kinh tế suy giảm sâu mà trong quá trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, các cấp, các ngành của thành phố đã thấy đà tăng trưởng của đầu tàu kinh tế phía Nam đang giảm dần.
Và để chặn đà suy giảm ấy, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ TP.HCM tháng 10-2020 đã ban hành Nghị quyết 11, đề ra ba đột phá, nhưng cho tới giờ vẫn chưa cải thiện được. Những điểm nghẽn đã nhận diện được đến giờ vẫn tiếp tục là điểm nghẽn.
"TP.HCM ngay từ đầu đã nói rõ là không được đổ lỗi, và phải tự nhận diện mọi khó khăn, và phải nỗ lực vượt qua chính mình. Nhưng thật sự là rất đáng lo ngại. Mọi thứ dường như đang quá tải và đang có dấu hiệu thấm đòn. Khi vừa qua cơn bệnh, chúng ta có thể chạy nhưng giờ đang trở nên đuối dần" - Bí thư Nguyễn Văn Nên báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính..
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM khẳng định thời gian vừa qua, thành phố đã tăng cường kỉ cương, kỉ luật cán bộ. Bộ phận nào yếu kém, tư tưởng chưa ổn, e dè, thiếu trách nhiệm, cầu an… thì đã kiểm tra, giám sát, xử lý, nếu không phù hợp thì điều chuyển, cho nghỉ.
“Nguyên nhân chủ quan có phần nằm ở cán bộ. Thành phố đang khắc phục và phải khắc phục. Ai tránh né, ai trì trệ, ai sợ sệt, ai sợ trách nhiệm, ai sai phạm… thì phải báo cáo, thay đổi ngay cán bộ đó, thậm chí cả người đứng đầu”.
Bí thư Thành ủy chia sẻ: "Chúng tôi cũng hiểu thuyền to thì sóng lớn. Để khắc phục thì Thành ủy cũng tổ chức các đoàn của Thường vụ đi kiểm tra, uốn nắn, giám sát liên ngành để đôn đốc, gỡ ngay khi các đơn vị đuối sức, quá tải.
Những gì có thể làm được thì sẽ làm, còn thấy có chỗ nào, người nào, cơ quan nào yếu kém thì sẽ thay thế ngay và xử lý nghiêm với tinh thần là chuyển biến nhanh nhất có thể”.
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là một nội dung được người đứng đầu Thành ủy TP.HCM đề cập nhiều trong phần trình bày với đoàn công tác của Thường trực Chính phủ.
Ông cho biết đứng trước những thách thức với nhiều biến số cả trong nước và thế giới, tinh thần của TP.HCM là phải vừa thích ứng linh hoạt, vừa kiến tạo với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
"Trước hết, phải từ cấp cao dám nghĩ dám làm trước. Bộ Chính trị đã thể hiện điều đó khi ban hành Kết luận 14. Trong bối cảnh xã hội có nhiều nhu cầu bức xúc, pháp luật còn nhiều chồng chéo, những vấn đề mới xảy ra thì cho phép cán bộ tìm cách để thực hiện".
Tuy nhiên, đi vào triển khai thì sau hơn một năm qua, TP.HCM chỉ mới khuyến khích, động viên cán bộ. Còn bảo vệ thì vẫn đang chờ Chính phủ, Quốc hội thể chế hóa thành pháp luật.
Do đó, Bí thư Nên kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn chỉnh nghị định mà Bộ Nội vụ đang chủ trì dự thảo để góp phần hoàn thiện cơ chế pháp lý trong triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Có vậy cấp ủy địa phương cũng như từng người cán bộ mới yên tâm, hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Và trong nỗ lực ấy, nếu xuất hiện rủi ro thì cũng có người bảo vệ.
“TP.HCM vẫn đang vận động anh em làm với tinh thần cái nào của anh thì anh làm, không đề xuất kiến nghị lên cấp trên. Khi làm thấy vướng chỗ nào thì báo cáo. Việc nào thuộc thẩm quyền cấp trên cứ báo cáo lên. Còn cấp nào nhận đề xuất thì phải giải quyết trong thời gian nhất định” - Bí thư Nguyễn Văn Nên báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Để TP.HCM vượt qua khó khăn, sớm chặn đứng được đà suy giảm kinh tế thì càng cần phải sớm đưa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đi vào cuộc sống. Với tinh thần ấy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với địa phương.
Tất cả cần hành động, vì cái lo chung, vì việc chung mà vượt qua cái bình thường, cái nỗi lo riêng của chính mình. Tất cả cần nỗ lực trong phối hợp để thu hẹp cự ly, khoảng cách, quan điểm khác biệt, cho dù là trong nội tại của TP.HCM hay giữa TP.HCM với các cơ quan Trung ương.
Cuối cùng, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị Chính phủ ủng hộ TP.HCM là phòng thí nghiệm để tiếp tục thí điểm những cơ chế mới để đầu tàu kinh tế ở phía Nam của cả nước sớm vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng của chính mình, sớm lấy lại tốc độ như từng có.