Quốc hội nóng chuyện sai phạm y tế, loạn giá xét nghiệm

Ngày 10-11, Quốc hội (QH) vào phần chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn đầu tiên để trả lời những vấn đề rất nóng gần đây.

“Cán bộ lâm vào vòng lao lý, Bộ Y tế tính sao?”

Nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ là rất đau xót khi hàng loạt cán bộ y tế vướng vào vòng lao lý liên quan đến vi phạm đấu thầu, quản lý giá thuốc trong khi cả nước căng mình chống dịch. “Bộ trưởng nói rõ thêm về việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế trong việc để xảy ra những sai phạm như vậy...” - ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu.

Còn ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề: “Bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc quản trị tốt. Vậy đã đến lúc tách bạch quản lý với chuyên môn chưa? Bộ trưởng có suy nghĩ gì về việc này?”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: QH

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ những vi phạm của đội ngũ cán bộ y tế thời gian qua là rất đau lòng. “Đây là những trường hợp không ảnh hưởng lớn đến ngành. Toàn ngành tập trung chống dịch và những sai phạm phải bị xử lý. Tuy nhiên, trong vấn đề về quản lý đơn vị sự nghiệp công, chúng ta có quy định về giám đốc, phó giám đốc. Chúng ta cố gắng tách bạch công tác quản lý chuyên môn và tài chính riêng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với Bộ Nội vụ về thể chế để hạn chế các tiêu cực, sai phạm” - ông trả lời.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chưa đồng tình, chất vấn: Hằng năm, đơn vị chức năng của cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với vốn sử dụng ngân sách. Đối với hoạt động vốn của bệnh viện, đơn vị tự quyết định thì phải kiểm tra những hoạt động tài chính, báo cáo tài chính.

“Như vậy những cơ quan này có chuyên môn, chức năng về quản lý kinh tế mà không phát hiện ra sai phạm thì làm sao các bác sĩ, GS-TS chỉ biết đọc bệnh án, giáo án lại phát hiện ra việc làm như thế đúng hay sai để tránh. Nếu phát hiện trước sai phạm để cảnh báo thì làm sao xảy ra những hậu quả như vừa qua?” - ông Cường cho là các sai phạm có phần trách nhiệm của Bộ Y tế.

Bộ trưởng Long dẫn quy định của Đảng và pháp luật, phản hồi: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm trong đơn vị. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan liên quan. “Khi để đơn vị xảy ra các vụ việc, dù trực tiếp hay gián tiếp, người đứng đầu đều phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này” - ông Long nói.

Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH đã giao cho Kiểm toán Nhà nước trong năm 2022 sẽ thanh tra, kiểm toán sâu việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực trong công tác phòng chống dịch, để ngăn chặn các tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

Chủ tịch QH VƯƠNG ĐÌNH HUỆ 

Sai phạm rất phức tạp

Bộ trưởng Long còn cho rằng vấn đề về nhân lực, nhân sự, quản lý về tài chính, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, thành. Bộ cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về chuyên môn. Các thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về tài chính, kinh tế, quản lý đấu thầu, mua sắm do các địa phương triển khai thực hiện.

Từ đó, bộ trưởng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc này, khi có vi phạm phải xử lý theo đúng quy định.

“Dù rất đau đớn nhưng chúng ta vẫn phải làm theo các quy định của pháp luật để làm trong sạch, lành mạnh hóa vấn đề đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế, để bảo đảm phòng chống dịch và bảo đảm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân” - ông Long nói.

Được mời giải trình thêm về các sai phạm trong ngành y tế gần đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay: Vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế diễn ra rất phức tạp. Nhiều vụ xảy ra tại bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố, điều tra. Bộ Công an cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư là phát hiện một vụ cảnh tỉnh cả vùng.

Các vụ điển hình phải kể đến như CDC Hà Nội, BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội, các vụ việc tại Sở Y tế các tỉnh Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La… Qua đấu tranh, các đối tượng đều đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm kết luận, đưa ra truy tố các bị can trước pháp luật.

“Qua các vụ việc này, có dư luận cho rằng các vi phạm do cơ chế hoặc hệ thống, chúng tôi khẳng định không phải do các lỗi này, mà đều là lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để có những vi phạm. Những vi phạm về hình sự rất đáng xử lý” - Bộ trưởng Lâm nói.

Theo ông, cá thể hóa trách nhiệm hình sự trong mỗi vụ việc là yêu cầu tất yếu, phải chứng minh được yếu tố vụ lợi, tham ô, tham nhũng để xử lý.

“Ví dụ mua máy, cùng thông đồng với nhà thầu để đẩy giá, ăn chia nhau, có trích phần trăm trong việc đó, đây là yếu tố tư lợi, biểu hiện của tham ô, tham nhũng” - Bộ trưởng Lâm nói.

Sau khi kiến nghị tới QH, các bộ, ngành liên quan nhiều vấn đề, Bộ trưởng Lâm đề cập đến tình trạng buôn lậu, buôn bán trái phép thực phẩm, vật tư y tế, vật tư xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp. “Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng ngừa, xử lý vi phạm những loại thuốc, trang thiết bị y tế nhập lậu, thuốc điều trị…” - ông nói.

Phó Thủ tướng: Cấp đủ vaccine cho người lớn trong tháng 11

Tham gia trả lời chất vấn của ĐB về công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dù đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng cuộc chiến chống COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, gần đây số ca nhiễm tăng.

Ông đồng ý với ý kiến của các ĐBQH về những bất cập, hạn chế trong công tác phòng chống dịch. Trong đó có những bất cập mới nảy sinh khi chống dịch như hệ thống y tế quá tải, có những bất cập đã tồn tại lâu trong quản lý, điều hành xã hội nói chung.

Tất cả ý kiến đó, chúng ta phải nghiêm túc tiếp thu để khẩn trương khắc phục. Chúng ta không thể để một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa xảy ra.

Sau khi nêu khó khăn trong đại dịch, phó thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp cần phải làm để giữ vững thành quả phòng chống dịch COVID-19.

Đầu tiên là nhanh chóng phủ vaccine cho các tỉnh có tỉ lệ tiêm thấp nhằm hạn chế những ca nhiễm nặng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, để tiêm đủ hai mũi cho người lớn, khu vực miền Bắc còn thiếu 23 triệu liều. Tuần thứ tư của tháng 11 này sẽ phân đủ cho toàn bộ các tỉnh phía Bắc.

Các tỉnh miền Trung cần thêm 5 triệu liều, tuần thứ ba tháng 11 sẽ đủ hết. Các tỉnh Tây Nguyên cần 2,5 triệu liều, tuần thứ hai tháng 11 sẽ đủ hết. Các tỉnh ĐBSCL, miền Nam nói chung còn thiếu 4 triệu liều, trong tuần này cũng sẽ đủ hết.

“Bây giờ chúng ta tiêm, tiêm và tiêm. Tiêm cho thật an toàn. Trước đây chúng ta phải đắn đo là đối tượng nào, bây giờ tiêm gọn từng nơi, từng cụm một” - phó thủ tướng nói và nhấn mạnh tiếp tục phải thực hiện nghiêm quy định 5K, cũng như các quy định, biện pháp phòng chống dịch.

Cùng với đó là phải thực hiện giám sát y tế nghiêm ngặt, trong đó có câu chuyện xét nghiệm. Theo đó, Chính phủ sẽ mua tập trung kit với giá rẻ hơn, thực hiện cách ly theo phương thức mới, thực hiện trạng thái “bình thường mới” như các nước châu Âu đang làm.

Biện pháp tiếp theo là sẵn sàng thuốc điều trị COVID-19 để điều trị sớm, điều trị tại nhà; tiếp tục giám sát với người có bệnh nền, người cao tuổi và trẻ dưới 12 tuổi… Quán triệt, tập huấn, luyện tập năng lực chỉ huy, điều hành, phối hợp giữa tất cả lực lượng phòng chống dịch để không xảy ra lúng túng trong ứng phó với tình trạng dịch bùng phát, tránh được tổn thất, thiệt hại... “Một tháng tới đây là một tháng vô cùng quan trọng” - ông nói.

Loạn giá xét nghiệm...

ĐB Phan Văn Hòa (Đồng Tháp), ĐB Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về vấn đề loạn giá kit xét nghiệm nhanh, việc mua sắm trang thiết bị y tế. ĐB Hòa còn nêu cụ thể giá kit xét nghiệm nhanh ở sân bay Tân Sơn Nhất khi ông ra Hà Nội, ông thấy lên tới 440.000 đồng/lần. “Rất tội người dân” - ông Hòa nói.

Giải trình về vấn đề này, bộ trưởng Y tế cho hay nguyên nhân ban đầu của việc giá kit xét nghiệm nhanh khác nhau là tùy thuộc vào giá kit của các nhà cung cấp, các quốc gia. Sinh phẩm y tế giá cũng khác nhau tùy thời điểm và cung, cầu.

“Sau ngày 1-7, chúng tôi tiên lượng thị trường test nhanh nhiều hơn nên bộ yêu cầu phải “thực thanh thực chi”. Người dân đến tự xét nghiệm là phải thu đúng giá nên có sự chênh lệch” - Bộ trưởng Long giải thích.

Ông cũng phân trần rằng: Đến tháng 9-2021, các đơn vị quá bận phòng chống dịch nên yêu cầu “thực thanh thực chi” cũng có phần chưa được quan tâm. Vì vậy, từ tháng 5-2021, bộ cũng có nhiều văn bản nhắc nhở các địa phương không được có lợi ích nhóm, tiêu cực đối với xét nghiệm. Thủ tướng cũng đưa nội dung giá xét nghiệm vào chương trình thanh tra về vấn đề mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế. “Thông tư 16 về giá xét nghiệm, chúng tôi tính giá test nhanh 106.000 đồng. Nếu giá thấp hơn thì chỉ được thu ở mức thấp hơn” - ông Long nói.

ĐB Hòa tranh luận, trích báo chí ra cho rằng: Bộ Y tế không quản lý giá cho nên mỗi nơi mỗi kiểu, mỗi địa phương đều có giá khác nhau. ĐB Hòa đề nghị Bộ Y tế giám sát vì mặc dù giá xét nghiệm đề ra là 106.000 đồng là của Nhà nước nhưng của tư nhân thì như thế nào hay tư nhân muốn làm sao thì làm? “Bộ trưởng đã quy định giá mới như vậy rồi thì đề nghị bộ trưởng kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có xử lý nghiêm” - ông Hòa nói.

Tham gia giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: Theo Luật Giá năm 2012 thì giá thiết bị y tế thuộc Bộ Y tế. Trước tình hình loạn giá xét nghiệm, Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã bàn bạc và mới đây Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 98/2021 để quản lý xét nghiệm chặt chẽ hơn, khắc phục được lỗ hổng về vấn đề giá đối với thiết bị y tế.

Các bộ trưởng trả lời tốt, đưa ra được các giải pháp

ĐB NGUYỄN TRI THỨC, Đoàn ĐBQH TP.HCM:

Nâng cao y tế cơ sở, không chờ ngân sách

Với tư cách là bác sĩ, người quản lý bệnh viện (BV), tham gia xuyên suốt quá trình chống dịch trong thời gian qua, tôi thấy tất cả câu hỏi của các ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long rất tập trung, chi tiết, bám sát diễn tiến của đời sống xã hội, chuyển tải một cách trung thực nhất ý kiến của cử tri đến QH.

Về phía bộ trưởng, ông đã trả lời rất rõ, trong đó nói rõ về giá xét nghiệm không thống nhất trong thời gian qua, phương pháp cách ly F1 của các địa phương thực hiện không thống nhất theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng nói rõ về quy hoạch lại các BV trung ương trên các vùng trọng điểm như Tây Nguyên, Tây Bắc, giải pháp đột phá nâng cao tuyến năng lực y tế cơ sở và rà soát các cơ chế mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao. Từ đó đảm bảo kịp thời cho việc phục vụ người bệnh, kịp thời cấp cứu người bệnh nhưng phải đảm bảo việc bảo vệ cán bộ y tế.

Tôi rất đồng tình với việc sắp xếp lại BV quận, huyện và trung tâm y tế giao về quận, huyện quản lý, không để thuộc quyền quản lý của Sở Y tế như hiện nay. Theo tôi, địa phương quản lý về cơ sở vật chất, con người; còn Sở Y tế chỉ quản lý chuyên môn thôi, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên quận và đáp ứng yêu cầu chống dịch trong thời gian tới.

Sau phiên chất vấn này, tôi kỳ vọng sẽ có cơ chế cụ thể, chi tiết về hướng dẫn trong mua sắm trang thiết bị, đặc biệt kỳ vọng vào các giải pháp nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở và bắt tay vào làm ngay. Tôi ủng hộ quan điểm nên luân chuyển cán bộ y tế về cơ sở và ngược lại để nâng cao năng lực chuyên môn và hiểu được công việc của các đồng nghiệp tại xã, giảm khoảng cách chuyên môn để phục vụ nhân dân.

ĐB VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Đoàn ĐBQH TP.HCM:

Nội dung trả lời đủ, sát, rất trách nhiệm

Hai nhóm vấn đề chất vấn trong ngày đầu được ĐB và cử tri rất quan tâm. ĐB đã đặt câu hỏi rất thẳng thắn, trực diện, trên tinh thần xây dựng và nêu rõ quan điểm nếu chưa đồng tình với phần trả lời.

Dù có vài vấn đề các bộ trưởng trả lời chưa sâu, chưa sát nhưng nhìn chung là tốt, nêu được quan điểm, giải quyết vấn đề, kết quả, giải pháp cũng như nhìn nhận được hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Các câu trả lời thể hiện rõ trách nhiệm của bộ trong tham mưu, tổ chức thực hiện và phối hợp với các địa phương.

Mặc dù có nhiều vấn đề ĐB xoáy sâu không nằm trong nội dung của phiên chất vấn như việc nghệ sĩ làm thiện nguyện, bảo vệ trẻ em nhưng bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nắm được vấn đề và có trả lời sát với câu hỏi.

L.THOA ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm