Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách năm 2012 và kế hoạch năm 2013, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tỏ ra sốt ruột, lo lắng khi thấy các giải pháp mà Chính phủ đề ra còn chung chung, mang nặng tính khẩu hiệu, chưa có quyết sách đột phá để đưa nền kinh tế vượt lên.
Mừng nhưng chưa tin
Nhìn nhận về báo cáo của Chính phủ, phần lớn các ĐB đều ghi nhận sự xin lỗi của người đứng đầu Chính phủ được đề cập trong báo cáo, còn các nội dung khác thì không hài lòng, thậm chí nghi ngờ. “Tôi thấy báo cáo của Chính phủ chỉ khác ở phần xin lỗi của Thủ tướng, còn các phần khác đều thấy giống na ná như báo cáo của các kỳ họp trước” - ĐB Nguyễn Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu ý kiến.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì tâm tư: “Tôi rất bất ngờ khi Thủ tướng nhận lỗi trước dân nhưng đó cũng là tín hiệu tốt, đã thấy khiếm khuyết thì có thể sửa đổi. Nhưng tôi e ngại thông tin báo cáo từ dưới lên chưa đầy đủ, dường như Chính phủ thiếu thông tin. Ngay việc tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước là chuyện bình thường trong nhiều năm nay mà cũng xem đó là tín hiệu tốt”.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ về hiện tượng hoạt động của một số ngân hàng bị biến tướng thành các công ty tài chính huy động vốn cho các dự án sân sau. Ảnh: T.NHƯ
Theo ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM), cử tri vui mừng khi Chính phủ nhận ra thiếu sót trước toàn dân và xin lỗi dân. “Mừng nhưng chưa tin, dân còn kỳ vọng vào quyết tâm của Chính phủ trước toàn Đảng, toàn dân” - bà Dung nói. Sự chưa tin ấy cũng được ĐBQH Nguyễn Minh Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị Hà Nội dẫn chứng thêm: “Chính phủ nói tăng trưởng kinh tế đạt 4,7% nhưng tôi thấy rất quan ngại. Bởi chúng tôi là DN sống với nhịp thở của DN thì thấy đang chìm trong nợ nần, không có cả tiền để trả lương cho người lao động, nguy cơ phá sản cứ hiện hữu. Tình hình kinh tế trong chín tháng qua trầm trọng hơn rất nhiều so với báo cáo của Chính phủ”.
Nói rất hay nhưng làm chưa được
Đi sâu vào thảo luận những vấn đề của nền kinh tế hiện nay, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bức xúc: “Về câu chuyện quản lý vàng, đồng chí thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rất hay nhưng mà không làm được! Các đồng chí có nhớ không, (thống đốc) đã từng nói khi vàng trong nước chênh lệch vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là có đầu cơ, nay đã chênh 3 triệu đồng mà chẳng thấy có động thái gì để giải tỏa cả! Đồng chí thống đốc trả lời chất vấn trước QH về vấn đề này như thế nào đây?”.
Theo ĐB Nguyễn Thị Quốc Khánh, để tháo gỡ những khó khăn của nền kinh tế thì phải giải quyết vấn đề nợ xấu. “Chính phủ phải công khai rõ số nợ xấu của các ngân hàng là bao nhiêu và nằm ở chỗ nào, đơn vị nào để QH biết. Chứ cứ ù ù, cạc cạc với vấn đề nợ xấu như thế này thì biết thế nào mà giải quyết” - bà Khánh nói, đồng thời đề nghị phải xử lý nghiêm với những người có trách nhiệm sai phạm ở các tổ chức tín dụng.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng cho rằng nợ xấu phải công khai, minh bạch, ngân hàng phải trích lập dự phòng đúng chuẩn, quy định xử phạt nghiêm những ngân hàng giấu nợ xấu. Đối với DN nào làm ăn tốt, có đầu ra nhưng đang vướng nợ xấu thì có thể tiếp tục cho vay lấy nợ nuôi nợ để họ thoát khó khăn. “Về trung hạn, nên lập ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu, đứng ra giải quyết tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu ngân hàng… Sức chịu đựng của DN đã hết, nếu không có giải pháp lấy lại niềm tin thị trường mà cứ để DN phá sản, giải thể thì hệ quả rất lớn” - ông Lịch cảnh báo.
Tiền huy động đi đâu? Tính đến tháng 21-9-2012, huy động tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 12,7%, thậm chí có hiện tượng cạnh tranh chạy đua lãi suất huy động dưới nhiều hình thức khuyến mãi, thưởng. Điều này chứng tỏ ngân hàng cũng khát đầu vào dòng tiền. Thế nhưng dư nợ tín dụng (tức đầu ra của dòng tiền) chỉ tăng khoảng 2,52%. DN thì kêu khó khăn trong tiếp cận vốn. Vậy dòng tiền huy động được đi về đâu? Tôi cũng băn khoăn đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ về hiện tượng hoạt động của một số ngân hàng bị biến tướng thành các công ty tài chính huy động vốn cho các dự án sân sau của mình. ĐB NGUYỄN NGỌC HÒA (TP.HCM) |
T.VĂN - Q.NHƯ - T.NHƯ