“Tôi còn băn khoăn một số điểm về phong hàm tướng. Tôi cho rằng số lượng theo quy định như vậy là nhiều…”. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã nhận định như thế trong buổi thảo luận tại hội trường về Luật Công an nhân dân (sửa đổi) ngày 6-11.
“Có cần nhiều như thế không?”
ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng việc phong cấp hàm đối với lực lượng vũ trang là không bàn cãi nhưng phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện thời bình.
ĐB Hòa đặt câu hỏi: “Hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không?”. Theo ĐB này, người mang hàm cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số thì chẳng bao nhiêu”. Theo đó, ông Hòa cho rằng hàm trung tướng gắn với chức vụ cục trưởng và tương đương với số lượng 32 là nhiều, nên cần cân nhắc.
Về quy định cấp hàm cao nhất là thiếu tướng không quá 11 đối với giám đốc công an tỉnh, TP loại 1, vị ĐB đoàn Đồng Tháp cho rằng còn bất cập với các tỉnh, TP khác còn lại.
“Có TP đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi hay là điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11? Hơn nữa, người mang hàm thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm đại tá của tỉnh, thành khác” - ông Hòa nói và cho rằng quy định cứng như vậy là không hợp lý, vì cùng là giám đốc công an tỉnh, TP như nhau mà lại có người mang hàm cấp tướng, người mang hàm cấp tá do quy định trong luật.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được (Hà Nội) nói: “Quan điểm là phong tướng để chúng ta cầm gậy chỉ huy quân, không nhất thiết cứ tỉnh nào loại 1 phải phong tướng. Hiện nay có khoảng 11 khu đô thị loại 1, tương lai 10-15 năm sau thì bao nhiêu loại 1 nữa hay vẫn là con số 11, 12. Nên địa bàn nào trật tự trị an phức tạp, ma túy nhiều, phản động nhiều... thì đề nghị phong tướng cho các đồng chí để lãnh đạo, chỉ huy quân…”.
Nhận định cấp tướng là vị trí cao thượng, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng vị trí này phải đứng ở tầm chiến lược. “Một người ở vị trí cấp tướng đối với nhân dân vô cùng kính trọng. Cần giữ quỹ hàm cấp tướng cho chuẩn xác và xác định vị trí rõ ràng, xứng đáng để họ phấn đấu được vào chức vụ này cảm thấy tự hào và những người khác thấy kính nể...” - ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Phải có lộ trình đưa công an chính quy về xã
Cho rằng tình hình an ninh nông thôn hiện nay rất phức tạp, vai trò của công an xã hết sức quan trọng nên ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng nếu có lực lượng chính quy ở công an cấp này thì các vụ việc cơ sở sẽ được giải quyết dứt điểm, đảm bảo đúng pháp luật.
Tuy nhiên, theo vị ĐB này, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện tất cả tác động của quy định. Bởi thực tế hiện nay cả nước có hơn 9.330 xã, nếu mỗi xã có năm cán bộ công an chính quy, Bộ Công an phải bố trí trên bốn vạn cán bộ, điều này có ảnh hưởng gì đến đề án tinh giản biên chế và quỹ lương quốc gia không.
“Mặt khác, khi có lực lượng chính quy phải xây dựng thêm trụ sở làm việc, các điều kiện đảm bảo và chế độ, chính sách kèm theo, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì có cần thiết không. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã hiện nay thì phải giải quyết như thế nào cũng là vấn đề đặt ra. Đặc biệt phải đưa ra lộ trình giải quyết cho phù hợp…” - ĐB Thưởng ặt vấn đề.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cho rằng nếu không tính toán kỹ sẽ làm khổ lực lượng. “Tổ chức ra nhiều nhưng không bảo đảm tốt thì công an khá vất vả. Đề nghị bộ trưởng công an và các cơ quan chức năng tính toán kỹ vấn đề này…” - ĐB Được nhấn mạnh.
Giải trình những đóng góp trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết các ý kiến phản hồi gửi về, gần như 100% các ban thường vụ tỉnh ủy đều nhất trí với chủ trương này. “Khi QH thông qua luật này, ngành sẽ triển khai ở các địa phương. Một số địa phương đề nghị triển khai ngay” - Bộ trưởng Công an nói và cho biết đã có những địa phương triển khai được năm tháng lực lượng công an xã chính quy.
Người đứng đầu ngành công an cho hay hầu hết các địa phương đều mong muốn việc triển khai lực lượng công an xã chính quy, không có địa phương nào có ý kiến khác. Kết quả một số nơi cho thấy “số vụ án và vi phạm pháp luật trong địa phương giảm 50% từ khi triển khai lực lượng công an xã chính quy, thậm chí có ngày địa bàn không xảy ra những vụ phạm pháp và vi phạm pháp luật…” - Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Ngành công an có tối đa 201 tướng Theo dự thảo Luật Công an nhân dân trình QH lần này, hàm đại tướng chỉ có một là bộ trưởng Bộ Công an. Hàm thượng tướng là thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá sáu. Hàm trung tướng số lượng không quá 35 (lãnh đạo một số cục, giám đốc Công an TP Hà Nội và TP.HCM). Thiếu tướng số lượng không quá 159 (lãnh đạo một số cục; giám đốc công an 11 tỉnh, TP trực thuộc trung ương có đô thị loại 1; phó giám đốc công an Hà Nội và TP.HCM (mỗi nơi không quá ba người). Như vậy, lực lượng công an sẽ không có quá 201 tướng. Bộ Công an đã cam kết sẽ không tăng biên chế Khi trình dự án luật này với QH, Bộ Công an đã cam kết sẽ không tăng biên chế. Ông Tô Lâm nhấn mạnh cam kết này hoàn toàn có cơ sở, vì trên thực tế đây là việc đánh giá và bố trí lại lực lượng trong công an nhân dân. Theo Bộ trưởng Công an, hiện nay Chính phủ đã đồng ý từ nay tới năm 2021 Bộ Công an sẽ duy trì biên chế hiện có, không tăng nữa. |