Đó là nhận định của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), tại buổi thảo luận tại hội trường về Luật Công an nhân dân (sửa đổi), ngày 6-11.
ĐB Phạm Văn Hòa nhận định ở nước ta lực lượng vũ trang phải có cấp hàm, điều đó là không bàn cãi nhưng phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta đang ở thời bình, được các nước ca ngợi là ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bàn về cấp hàm của ngành công an.
“Hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không? Cấp tướng phải có quân số nhất định để chỉ huy chứ không thể mang hàm tướng mà quân số chẳng là bao nhiêu”, ông Phạm Văn Hòa đặt vấn đề và cho rằng hàm Trung tướng có chức vụ cục trưởng và tương đương với số lượng 32 là nhiều nên cần cân nhắc.
Về quy định cấp hàm Thiếu tướng, cao nhất là không quá 11 đối với Giám đốc công an tỉnh, thành phố loại 1, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng còn bất cập với các tỉnh, thành phố khác còn lại.
“Có thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm Thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi hay là điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11?. Hơn nữa, người mang hàm Thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá của tỉnh, thành khác...” - ông Hòa nói và băn khoăn việc quy định phó gám đốc Công an TP Hà Nội và TP.HCM không quá ba tướng là chưa phù hợp vì “cùng là phó nhưng người được phong tướng, người lại không”.
Theo dự thảo Luật Công an nhân dân, quy định giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng (trừ giám đốc Công an TP Hà Nội và TP.HCM là Trung tướng), song số lượng không quá 11.
Hàm đại tướng chỉ có một với chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Hàm thượng tướng, với chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6. Trung tướng số lượng không quá 35. Thiếu tướng số lượng không quá 159. Như vậy, lực lượng công an sẽ không có quá 201 người mang hàm tướng.