Hôm qua (16-7), Công an huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết đang xác minh làm rõ các nghi vấn đổ hóa chất xuống quốc lộ 1. Thông tin ban đầu cho biết các đối tượng liên quan trên xe không nhận đã đổ hóa chất mà chai nhựa chứa hóa chất đã vô tình rơi xuống đường. Ngoài ra, mẫu hóa chất này đã được công an huyện gửi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để giám định.
“Phá hoại kéo dài”
Ông Nguyễn Viết Hải, Tổng Giám đốc Công ty Sơn Hải, nhận định: “Tại gói thầu số 10 (qua huyện Bố Trạch, TP Đồng Hới) và 14 (qua huyện Lệ Thủy) của dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Bình do chúng tôi thi công đã nhiều lần bị phá hoại có chủ đích”.
Ông Hải cho biết theo thông lệ, nhà thầu thi công chỉ có nghĩa vụ bảo hành một năm song Công ty Song Hải cam kết bảo hành năm năm. Tuy nhiên, trong hai ngày 23 và 24-6, nhiều đoạn ở các gói thầu bị đổ hóa chất lạ khiến mặt đường bị rã ra khi có xe trọng tải lớn chạy qua.
Đến nay ở khu vực do Công ty Sơn Hải thi công đã liên tiếp xuất hiện nhiều khu vực bị rải hóa chất. Như đoạn trước UBND xã Đại Trạch với chiều dài mặt đường bị chất lỏng rải dài gần một cây số, chiều rộng vết rải hơn 2-3 cm. Tương tự, đoạn trước nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc thì vết rải khoảng 30 cm và khi có xe chạy qua làm hư hỏng mặt đường… Đoạn mặt đường hư hỏng dày đặc nhất là tại vòng xoay ngã ba Lý Trạch.
Gần đây nhất, ngày 13-7, công ty tiếp tục quay được cảnh đổ hóa chất phá đường. Theo đó, hình ảnh của clip cho thấy chiếc xe tải nhẹ biển số 73C-02... khi đi đến vòng xoay xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch thì người ngồi ghế phụ rải chất lỏng xuống. “Chúng tôi sẽ chi trả chi phí sửa chữa các hư hỏng. Tuy nhiên, đây là các dấu vết tố giác hành vi phá hoại tài sản kéo dài” - ông Hải nói.
Mặt đường bê tông nhựa với cam kết bảo hành năm năm từ đơn vị thi công nhanh chóng hư hỏng sau khi có hóa chất lạ đổ lên. Ảnh: MINH QUÊ
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiểm tra một vị trí nghi bị đổ hóa chất làm mặt đường hư hỏng. Ảnh: MINH QUÊ
Tạm giữ xe, triệu tập nghi can
Đại diện Công ty Sơn Hải cho biết hóa chất phá hoại mặt đường hư hỏng có mùi xăng cùng hóa chất khác. Đây là chất có khả năng phá hoại đường bê tông nhựa rất nhanh. Các mẫu thu được từ tháng 6-2015 đã được gửi đi giám định, đến nay chưa có kết quả phản hồi. Tuy vậy, hóa chất được dùng trong lần mới đây lại nặng mùi hơn trước. Ngay khi hóa chất đổ xuống đường thì dùng một thanh sắt nhỏ xoi xuống cũng lấy được các mẫu nhựa.
Công an huyện Bố Trạch đã tiếp nhận vụ việc, cả đoạn clip quay cảnh chiếc xe tải nghi đổ hóa chất phá hoại quốc lộ 1A do Công ty Sơn Hải cung cấp. Cơ quan công an đã đưa chiếc xe về trụ sở phục vụ điều tra, đồng thời công an huyện cũng làm việc với chủ xe, người lái… để xác minh làm rõ. Thông tin ban đầu cho thấy chủ xe là một người ở huyện Bố Trạch. Tuy vậy, người lái chiếc xe trên không nhận đã rải hóa chất mà chai nhựa chứa hóa chất vô tình rơi xuống đường.
Ông Trần Văn Luận, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, cho biết Sở đã khoanh vùng các nơi bị đổ hóa chất và khoan mẫu để phân tích các hóa chất này. “Bước đầu, chúng tôi xác định đây là hành vi phá hoại có chủ đích vì không phải ngẫu nhiên mà trong hai ngày có nhiều vị trí xuất hiện loại hóa chất lạ, có sức công phá bê tông nhựa nhanh như thế” - ông Luận nhận xét.
Cạnh tranh không lành mạnh?
"Chúng tôi đã cam kết bảo hành năm năm, thay vì một nămnhư thông lệ khi nhận thực hiện hai gói thầu này. Từ đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đi thị sát, nhận thấy côngty xây dựng quy trình làm việc rõ ràng, nghiêm ngặtnên đãyêu cầu các gói thầu trên toàn quốc lộ 1A phải ký bảo hành lên 4 năm thay vì 1 năm như trước đây. Việc kéo dài thời gian bảo hành sẽtiếtkiệm ngân sách cho nhà nước nên bị cạnh tranh không lành mạnh từ những ai đó có thái độ không tốt” - ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sơn Hải, nhận định.
Theo ông Nguyễn Viết Hải, tuổi thọ theo thiết kế của mặt đường bê tông nhựa hiện nay là 15 năm nên việc bảo hành năm năm là bình thường. Tuy vậy, năm 2014 khi công ty đưa ra cam kết bảo hành năm năm thì lãnh đạo công ty phải chịu nhiều áp lực từ các nhà thầu khác. “Nếu bảo hành một năm thì hết thời gian này mà xảy ra hằn lún mặt đường thì ngân sách nhà nước (từ tiền thuế của người dân) phải chi trả để xử lý, khắc phục. Nếu bảo hành 4-5 năm thì trong thời gian này đường bị lún thì nhà thầu phải bỏ tiền xử lý, sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hàng ngàn tỉ đồng. Do vậy, điều này dẫn đến việc một số doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính không thích” - một chuyên gia giao thông giấu tên phân tích.
Vị này khẳng định việc đổ hóa chất tại vòng xoay chứng tỏ được thực hiện bởi người có kiến thức kỹ thuật. Bởi xe chạy ở vòng xoay chậm, dẫn đến sức nặng dồn lên mặt đường lớn nên đổ ở đây dẫn đến tốc độ phá hoại càng nhanh. Ngoài ra, việc dùng hóa chất này không phải ai cũng biết mà phải có kiến thức pha chế để nó như loại chất thải nhìn bằng mắt thường nhưng đủ sức phá hoại mặt đường.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là hành vi phá hoại tài sản quốc gia nên ngày 2-7 đã yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình sớm làm rõ và xử lý nghiêm. Phá hủy với tốc độ rất nhanh Những lớp nhựa bị phá hủy với tốc độ rất nhanh. Đây có thể là acid sunfuric (40%) hòa với xăng hoặc tricloethylen - một loại hóa chất chuyên dùng để thí nghiệm tách chiết bê tông nhựa. Tôi nghi ngờ kẻ xấu đã rải các loại hóa chất chuyên dùng để tách chiết bê tông nhựa nên tốc độ phá hủy các lớp bê tông diễn ra mới nhanh như vậy. Tuy vậy, đây là nhận định ban đầu vì kết quả chính thức phải chờ kết luận của Viện Khoa học hình sự. Ông VŨ ANH MINH, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, Đề nghị điều tra hành vi phá hoại Sau khi nhận được báo cáo của Công ty Sơn Hải về việc nghi có người đã dùng hóa chất để phá hoại tuyến quốc lộ 1A do công ty này thi công, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo công an tỉnh điều tra làm rõ hành vi phá hoại. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra nên Bộ GTVT chưa thể đưa ra nhận định gì về động cơ phá hoại. Ông LÊ ĐÌNH THỌ, Thứ trưởng Bộ GTVT |