. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần lúc 13 giờ 38 phút ngày 19-7-2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
. Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26-7.
. Lễ viếng được tổ chức bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25-7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26-7. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26-7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
. Lễ viếng, lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
. Ban lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gồm 35 thành viên do Chủ tịch nước Tô Lâm làm trưởng ban. Ban Tổ chức lễ tang gồm 27 thành viên do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm trưởng ban.
. Lãnh đạo Trung Quốc, Cuba, Hàn Quốc, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Úc, Ủy ban Châu Âu… sẽ đến Việt Nam viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
+ Sau 18h hôm nay 25-7, Ban Tổ chức Lễ tang sẽ tạo điều kiện sắp xếp cho Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.
Tại Hà Nội, các tuyến đường cấm tất cả phương tiện (trừ xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Quốc tang) từ 6 giờ đến 23 giờ ngày 25-7 và 6 giờ đến 14 giờ 30 ngày 26-7, gồm: Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, đoạn Lò Đúc - Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Công Trứ đoạn Lò Đúc - Trần Thánh Tông; Yec-Xanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự; Lê Quý Đôn đoạn Nguyễn Cao - Yec-Xanh; Nguyễn Cao đoạn Lê Quý Đôn - Nguyễn Huy Tự, Hàng Chuối đoạn Hàn Thuyên - Nguyễn Công Trứ và đường Trần Khánh Dư đoạn Trần Hưng Đạo - Lê Quý Đôn.
Khung 14 giờ -18 giờ ngày 26-7, phương tiện không được lưu thông trên tuyến Hồ Tùng Mậu đoạn Lê Đức Thọ - Nguyễn Cơ Thạch.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tạm cấm xe chở hàng hóa trên 500 kg, ôtô trên 29 chỗ trừ xe buýt, xe thu gom rác, xe giải quyết sự cố, xe có phù hiệu bảo vệ, xe phục vụ Lễ Quốc tang trong các khung 6 giờ -23 giờ ngày 25-7 và 6 giờ -14 giờ 30 ngày 26-7 tại các tuyến: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tông, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ đoạn Lò Đúc - Phố Huế, Trần Khánh Dư, đê Nguyễn Khoái, Đê 401, Ngô Thì Nhậm, Lê Thánh Tông.
Ngày 26-7, khung 13 giờ30 - 15 giờ, cảnh sát cấm phương tiện trên tại các tuyến Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ đoạn Cửa Nam - Trần Phú, Trần Phú, Sơn Tây đoạn Trần Phú - Kim Mã, Kim Mã, Đào Tấn đoạn Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai đoạn Đào Tấn - Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, đường gom Đại lộ Thăng Long đoạn Phạm Hùng - Lê Quang Đạo, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu đoạn Trần Vỹ - Nguyễn Cơ Thạch.
Khung 15 giờ 30-20 giờ ngày 26-7, nhà chức trách hạn chế xe chở hàng hóa trên 500 kg, ôtô trên 29 chỗ trên các tuyến Hồ Tùng Mậu đoạn Nguyễn Cơ Thạch - Phạm Hùng, Xuân Thủy, Cầu Giấy đoạn Trần Thái Tông - Trần Đăng Ninh, Trần Đăng Ninh đoạn Cầu Giấy - Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Tấn, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn đoạn Nguyễn Thái Học - Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thượng Hiền, Yết Kiêu đoạn Nguyễn Thượng Hiền - Thiền Quang, Thiền Quang.
Tại TP.HCM, cơ quan chức năng hạn chế xe qua một số tuyến đường trung tâm trong hai ngày diễn ra Quốc tang. Các tuyến đường hạn chế xe, gồm: Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Nguyễn Du), Nguyễn Du (từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Huyền Trân Công Chúa), Huyền Trân Công Chúa (từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Nguyễn Du).
Các tuyến gần khu vực này cũng hạn chế xe trong thời gian trên, gồm: Nguyễn Thị Minh Khai (từ Trương Định đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và các tuyến Alexandre de Rhodes, Lê Duẩn, Hàn Thuyên (đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur).
Để chuẩn bị chu đáo nhất cho quốc tang Tổng Bí thư, ngày 24-7, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).
Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đã kiểm tra những phần công việc quan trọng chuẩn bị cho lễ viếng, truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chiều cùng ngày, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đến kiểm tra công tác chuẩn bị lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) và Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
Trước đó, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Tại TP.HCM, mọi công tác chuẩn bị lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, dinh Độc Lập (quận 1, TP.HCM), cũng được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.
Trong những ngày này, các cơ quan, đơn vị, địa phương, xí nghiệp… ở nhiều nơi trên cả nước đã treo cờ rủ, các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng cũng đã được tạm dừng.
Ngay từ hơn 5 giờ sáng, hàng nghìn người dân thôn Lại Đà và nhân dân thập phương đã về tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông An, TP Hà Nội, để chuẩn bị vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tất cả người dân đến địa điểm viếng (Nhà Văn hóa thôn Lại Đà) đều phải qua cửa an ninh, dùng căn cước gắn chip quét mã QR.
Ở phía bên ngoài, CSGT phân luồng từ hai đầu làng, duy trì an ninh trật tự tại khu vực tang lễ.
Người dân ai cũng xúc động, trật tự xếp hàng vào viếng.
NGUYỄN VỮNG
Gần 6 giờ sáng, nhiều người dân tại khu vực phố Lê Quý Đôn, Nguyễn Cao, Nguyễn Huy Tự… đã di chuyển đến Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông mong được viếng Tổng Bí thư. Tuy nhiên, tại ngã ba Nguyễn Cao - Lê Quý Đôn, cách nhà tang lễ 500 m bị chặn, người dân không thể ra vào, an ninh thắt chặt, dựng biển “Điểm quét QR vào viếng tang lễ”.
Theo chia sẻ của lực lượng chức năng, dự kiến trong sáng nay, người dân sẽ chưa thể vào viếng Tổng Bí thư.
Tay chống gậy, chân lê từng bước, đến từ sớm nhưng không được vào viếng, phải quay về, ông Nguyễn Bá Đệ (82 tuổi, Hai Bà Trưng) nói: “Biết tin Tổng Bí thư từ trần, tôi rất buồn. Sau đó được biết người dân có thể vào viếng Tổng Bí thư nên sáng nay tôi đã đến sớm nhưng vì lý do an toàn, trật tự nên buổi chiều tôi sẽ quay lại.
Tôi từng là bộ đội, chiến đấu 10 năm ròng rã ở chiến trường B5 miền Nam, đã đấu tranh vì tự do của đất nước, dân tộc. Do đó, tôi càng hiểu và biết ơn Tổng Bí thư vô cùng vì đã dành cả đời mình để cống hiến cho đất nước, dành cả đời để đấu tranh cho hạnh phúc nhân dân, trăn trở làm sao để nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Có mặt ở gần nhà tang lễ từ 4 giờ sáng, ông Nguyễn Chí Sỹ, 82 tuổi, quê ở Chương Mỹ, Hà Nội, cho biết rất mong được vào viếng và nhìn mặt Tổng Bí thư lần cuối.
Ông kể từng được gặp Tổng Bí thư vì cùng trang lứa. Cách đây không lâu, Tổng Bí thư có nói sẽ gặp bạn bè để ôn lại kỷ niệm xưa ở Hồ Tây nhưng không ngờ ngày đó không thể tới nữa….!
"Sự ra đi của Tổng Bí thư là mất mát rất lớn đối với dân tộc, một người đã dâng cả cuộc đời cho đất nước. Chúng tôi còn được nghỉ hưu nhưng Tồng Bí thư thì không" - ông Sỹ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thủy, lao động tự do cùng vợ giáo viên nghỉ hưu ở xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An quyết định bắt xe khách ra viếng Tổng Bí thư.
Ông nói nghe tin Tổng Bí thư mất nhiều người rất buồn nên khi nắm được ngày quốc tang hai vợ chồng liền đặt vé xe và ra tới Hà Nội vào 4 giờ sáng nay. Sau đó hai vợ chồng bắt xe ôm tới điểm viếng.
"Tổng Bí thư đã cống hiến cả cuộc đời cho nước cho dân. Vì vậy chúng tôi muốn gặp Tổng Bí thư lần cuối, để bày tỏ lòng biết ơn của một công dân đến ông" - ông Nguyễn Văn Thủy nói.
Nhiều người từ Phú Thọ, Bắc Giang, TP.HCM... đến Hà Nội để được viếng Tổng Bí thư
Tại Hà Nội: Chị Đào Thị Việt Anh (52 tuổi), đang công tác tại BHXH TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết TP.HCM cũng tổ chức viếng nhưng đọc tin thấy tại Hà Nội cho người dân vào viếng Tổng Bí thư nên chị vội vàng đặt vé máy bay ngay.
Có mặt ở sân bay Nội Bài từ 22 giờ tối, ngày 24-5, chị Anh thuê xe về nhà người thân. Cả đêm nằm chị vẫn không thể nào chợp mắt vì mong trời sáng thật nhanh để vào viếng Tổng Bí thư.
"Tôi chưa được gặp Tổng Bí thư nhưng rất ngưỡng mộ về những việc làm của ông đối với đất nước. Gần đây tôi có xem các phim và tư liệu về Tổng Bí thư mà không cầm được nước mắt, bởi cả cuộc đời ông đã dành trọn cho tổ quốc"- chị Việt anh nói và cho biết sẽ chờ đây đến khi nào lực lượng chức năng cho vào viếng.
Ở cách nhà tang lễ gần 15km, sáng nay ông Nguyễn Văn Kiệm, 85 tuổi, dậy từ 3 giờ sáng, 5 giờ sáng bắt đầu rời ngôi nhà trên phố Trần Cung để di chuyển đến nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông.
Trên ngực đeo đầy huy chương, đối với ông Kiệm đó là những ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với mình sau hơn 20 năm chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau.
“Tôi muốn mang theo những kỷ niệm, sự ghi nhận này đến đây để gặp Tổng Bí thư lần cuối, cũng là để báo cáo với Tổng Bí thư rằng tôi đã luôn sống trọn vẹn cuộc đời của một người lính, một Đảng viên. Cùng ở tuổi này, tôi có sự thấm thía và thấu hiểu vô cùng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mong Tổng Bí thư yên nghỉ, ông đã có một cuộc đời thật đẹp, thật đáng sống, với nhiều di sản để lại”.
+ Phía trước lối vào nhà tang lễ quốc gia, bà Nguyễn Thị Khuyên ở Thanh Oai, Hà Nội kể, bà dậy từ sớm đưa hàng vào chợ rồi tranh thủ đến viếng bác. Dọc đường đi, bà gặp hai bạn trẻ là sinh viên hai trường Đại học cũng hướng về phía nhà tang lễ.
"Ba cô cháu chúng tôi đi một đoạn đường dài đến đây. Dọc đường chúng tôi cũng bảo với nhau, bác là người vì nước vì dân nên phải đến viếng bằng được".
Đến nơi, khi được lực lượng bảo vệ thông báo phải 5 giờ chiều mới được vào viếng, bà Khuyên mặt sầu buồn bảo: "Tôi bỏ buổi chợ đến đây rồi, thôi thì chờ đến chiều cũng không sao, nhưng nên thông báo cho nhân dân được biết. Dọc đường tôi gặp một ông cũng chống gậy đến mà không được vào, phải quay về".
Cô Đoàn Thị Ngọc Lan (65 tuổi) - Hội cựu chiến binh Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) xúc động cho biết rất chờ mong đến giây phút được vào thăm viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Cô Ngọc Lan cho biết, đoàn cô có khoảng 10 người và xuống Thủ đô từ ngày hôm qua (24-7). Cô thuê trọ ở khu vực gần Nhà tang lễ Quốc gia và có mặt tại đây từ sáng sớm.
“Tôi rất thương bác, bác vẫn làm việc phục vụ Tổ quốc, nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Từ hôm biết tin bác Tổng Bí thư từ trần, ngày nào tôi cũng khóc, tôi không còn tâm trí làm việc gì khác”.
Trong ấn tượng của cô Ngọc Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo tài ba, đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.
“Tổng Bí thư có một tâm nguyện là nếu là hoa thì hãy là hoa hướng dương. Nếu là chim thì hãy là chim bồ câu trắng. Nếu là người hãy là người Cộng sản chân chính. Đó là những câu nói rất khắc cốt ghi tâm. Nhân dân chúng tôi hy vọng mọi người sẽ học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
+ Ông Đặng Trần Lưu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết rất buồn khi biết tin Tổng Bí thư từ trần. Bởi khi còn sống ông luôn quan tâm đến người dân và không màng đến lợi ích chung.
Tôi nhớ tại một cuộc tiếp xúc cử tri ở quận Ba Đình, Tổng Bí thư đã đến bắt tay từng người và bày tỏ những quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng. Những lời nói đó không phải để lấy phiếu cử tri cho chiếc ghế của mình mà đó là tâm huyết của ông và nó đã trở thành hành động được cả nước mến mộ.
"Là Tổng Bí thư nên nhiều người không biết bày tỏ lòng cảm phục và biết ơn như thế nào đến ông. Nên hôm nay tôi và một số cán bộ lão thành quận Cầu Giấy đến đây để tiễn bác như một lời cảm ơn của mọi người gửi đến ông" - ông Đặng Trần Lưu chia sẻ.
+ Ở lối vào nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông trên đường Lê Quý Đôn - Nguyễn Cảnh, bà Nguyễn Thị Xuyên, 54 tuổi (Dĩnh Trì, Bắc Giang) cùng đoàn 7 người khác đang ngồi đợi để được vào viếng Tổng Bí thư.
Sáng nay, đoàn đã dậy từ 3 giờ sáng, thuê chung một xe để kịp có mặt, đến nơi vào viếng Tổng Bí thư từ sớm để mong không phải xếp hàng quá lâu.
“Chúng tôi chỉ là những người dân bình thường, cùng chung một tình cảm, niềm tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư nên đã cùng nhau đến đây”, chị Xuyên nói.
Sau khi được biết người dân chưa thể vào ngay, đoàn của chị Xuyên vẫn quyết tâm đợi ở điểm quét mã QR đến khi nào có thể vào viếng Tổng Bí thư.
“Chúng tôi không có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với Tổng Bí thư, nhưng chúng tôi biết đó là một con người giản dị, gần gũi vô cùng. Ông giản dị còn hơn một cả một người dân bình thường, và liêm khiết, trong sạch suốt một đời. Đất nước đã mất đi một người như vậy, cứ nghĩ đến điều đó là tôi lại thấy thương tiếc”.
+ Ở lối vào nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông trên đường Lê Quý Đôn - Nguyễn Cảnh, ông Bùi Thông Minh, 78 tuổi, nguyên cán bộ Thành uỷ Đà Nẵng cho biết đã đến đây từ sớm để xin thông tin, cách thức, đăng ký làm thủ tục, để cùng đoàn lãnh đạo TP Đà Nẵng -hiện đang trên đường từ sân bay Nội Bài đến đây- vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Đây là một nhân cách lớn của dân tộc, dành trọn đời hi sinh cho nước, cho dân, vô cùng xứng đáng để chúng ta tôn vinh, ghi ơn. Tôi tin rằng hơn bao giờ hết, là lúc chúng ta cần đoàn kết lại để giữ gìn, phát huy được những thành quả của Tổng Bí thư”, ông Minh chia sẻ.
Ông Minh cho biết từng có thời gian công tác tại Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Đà Nẵng nên may mắn được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Ông còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Trong trí nhớ của ông Minh, Tổng Bí thư là một người vô cùng bình dị, chân thành, một nhà trí thức, lý luận xuất sắc, yêu văn chương và có khả năng dùng lời văn, tiếng thơ của mình để cảm hoá mọi người.
“Tôi biết là Tổng Bí thư có sức khoẻ yếu, nhưng sự ra đi của bác vẫn quá đột ngột, khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Những ngày này tôi đang ở Hà Nội, chưa bao giờ thấy Thủ đô buồn thế này”.
+ Tại TP.HCM, từ sáng 6h, rất đông người dân Bên ngoài hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, CSGT điều tiết giao thông, giữ an ninh tạo điều kiện tốt nhất cho lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân vào viếng. Tại khu vực kiểm tra an ninh, lực lượng chức năng tổ chức thắt chặt kiểm tra an ninh.
Ở quê nhà huyện Đông Anh, TP Hà Nội, ông Lê Tràng Sĩ, Hội trưởng Hội Thương binh nặng huyện Đông Anh dẫn đoàn 30 thương binh nặng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà. “Chúng tôi nêu cao tinh thần bộ đội cụ Hồ, học tập, lấy tấm gương bác Trọng để giáo dục con em, hàng xóm láng giềng, chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước xây dựng đất nước”.
Ông Vương Khắc Côn, bạn từ thủa nhỏ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thôn Lại Đà cho biết từ nhỏ đến lớn đi học cùng nhau, cùng sinh hoạt thiếu nhi với nhau, cùng chăn trâu, rồi tắm sông. Tình bạn từ nhỏ đến lớn rất thân thiết. “Tôi với anh Trọng có thời gian đi học xa nhà 7-8 cây số. Đi đâu cũng có nhau, quần nâu áo vá, củ khoai chia đôi những năm mới hòa bình lập lại sau 1954. Sau này anh giữ chức vụ cao nhưng về làng với bạn bè vẫn rất chân tình. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, thăm hỏi sức khỏe. Có lần còn tranh thủ đến gia đình thăm nhau”.
Ông Côn nhớ vui nhất là lần 70 tuổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, có bức ảnh chung. “Điều ấy khiến chúng tôi hết sức cảm động. Đấy là một người hết sức khiêm tốn. Luôn luôn nhường nhịn bạn bè, không bao giờ tranh cãi”.
Sau khi có tin báo người bạn thời chăn trâu cắt cỏ mất, ông Côn cùng bạn bè đồng lứa tập hợp. Có người ở gần, có người ở xa, có người trong TP.HCM cũng bay ra viếng bạn.
+ Cụ Trần Thị Hợp, người cùng thôn Lại Đà với gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang cùng bà con xóm 4 đến địa điểm viếng Tổng Bí thư tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
“Tôi kém bác Trọng 5 tuổi. Bác đã cống hiến cả cuộc đời liêm chính của mình cho đất nước. Chỉ mong các vị lãnh đạo học tập giúp ích cho nước, cho dân” - cụ Hợp nói.
Sau 18h hôm nay (25-7), Ban Tổ chức Lễ tang sẽ tạo điều kiện sắp xếp cho Nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khi đến viếng, người dân mang theo thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử hoặc điện thoại di động cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.
NHÓM PV
Tại TP.HCM, từ 6 giờ sáng, rất đông người dân Bên ngoài hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, CSGT điều tiết giao thông, giữ an ninh tạo điều kiện tốt nhất cho lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân vào viếng.
Tại khu vực kiểm tra an ninh, lực lượng chức năng tổ chức thắt chặt kiểm tra an ninh.
Đúng 7 giờ sáng 25-7, từ đầu cầu TP.HCM, đoàn đại biểu gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, lực lượng vũ trang, đại diện các tôn giáo trên địa bàn TP.HCM, do Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đã chuẩn bị cho nghi thức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bắt đầu lễ viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia, gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do bà Ngô Thị Mận, phu nhân ông dẫn đầu vào viếng. Vòng hoa của gia quyến mang dòng chữ "Vợ cùng các con cháu vô cùng thương tiếc".
Sau khi thắp hương, đoàn đi vòng qua linh cữu tưởng nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại Nhà tang lễ quốc gia Trần Thánh Tông, lễ viếng do Thường trực Ban bí thư Lương Cường,Trưởng ban Tổ chức Lễ tang điều hành.
Điểm lại tiểu sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lương Cường cho hay sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, y bác sĩ đầu ngành tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần hồi 13 giờ 38 phút ngày 19-7-2024 (tức ngày 14 tháng 6 năm Giáp Thìn) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 80 tuổi.
Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Tổng Bí thư đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 tuổi Đảng và nhiều huân huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn không thể bù đắp được đối với Đảng ta, Nhà nước ta, Nhân dân ta và gia quyến đồng chí”- Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Để tỏ lòng tiếc thương và tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày 25 và 26-7.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra. Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm trưởng đoàn, vào viếng.
Đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Đoàn Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Tại Đại sứ quán Việt Nam ở New York, Mỹ, công tác chuẩn bị cho lễ viếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được chuẩn bị chu đáo.
Đã có một số đoàn các nước và một số hội người Việt cũng như kiều bào Việt nam tại Mỹ đến viếng, trong đó có bà Sisavath Inphachanh - đại sứ Lào tại Mỹ đến thăm và viết sổ tang.
* Tại châu Phi, bàn thờ Tổng Bí thư cũng được lập, để các chiến sĩ, người dân thắp nén nhang, tưởng nhớ ông.
Đoàn Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư.
Đi cùng đoàn có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ; các chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cùng vào viếng.
Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn.
Đoàn Cộng hòa Cuba viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Đoàn Cộng hòa Cuba do đồng chí Esteban Lazo Hernández, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn, vào viếng Tổng Bí thư.
Đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng làm Trưởng đoàn, vào viếng Tổng Bí thư.
Ngay sau nghi thức lễ viếng các đoàn lãnh đạo của Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn đại biểu Thành uỷ-HĐND-UBND-Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã thực hiện nghi thức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.
Bộ trưởng Lương Tam Quang dẫn đầu đoàn Đảng ủy Công an Trung ương Bộ Công an vào viếng Tổng Bí thư.
Tham gia đoàn có các thứ trưởng, nguyên thứ trưởng Công an. Sau khi ông Quang thắp hương, đoàn đứng nghiêm, giơ tay chào trước linh cữu Tổng bí thư.
Đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam TP Hà Nội do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng đoàn.
Đoàn Thụy Sĩ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Liên bang Thuỵ Sĩ do Quốc vụ khanh Phụ trách Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) Alexandre Fasel làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Algeria viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân do Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh và Người có công Laid Rebiga làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn đại biểu CH Vanuatu viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Trưởng đoàn.
Đoàn Ban Tổ chức Trung ương viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn cựu sinh viên lớp Văn khóa 8 (1963-1967) Trường Đại học Tổng hợp viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng 25-7, thầy Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đến Nhà tang lễ Quốc gia tiễn đưa người học trò Nguyễn Phú Trọng.
Thầy Sơn thuộc lớp sinh viên khóa 1 khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là giảng viên được giao nhiệm vụ đi cùng lớp Văn khóa 8, khóa học có sinh viên Nguyễn Phú Trọng lên sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là Thái Nguyên) năm 1965.
Ông bồi hồi chia sẻ: “Mấy đêm nay tôi không ngủ. Đêm qua cũng thức trắng vì thương học trò Nguyễn Phú Trọng. Từ nhiều tháng trước, tôi đã luôn hỏi các học trò cũ về tình hình sức khỏe của anh Trọng. Khi nghe tin học trò qua đời, tôi rất bàng hoàng. Hôm nay, tôi đi cùng các học trò lớp văn khóa 8 để tiễn đưa anh Trọng. Chúng tôi đã mất đi một người bạn thân yêu nhất của thầy và trò”.
Trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi:
“Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Xin chia buồn sâu sắc với phu nhân Tổng Bí thư và các cháu trong gia đình về sự mất mát to lớn mà không thể có gì bù đắp nổi!
Xin vĩnh biệt đồng chí Nguyễn Phú Trọng".
Trương Tấn Sang
Trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng - Người có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Công lao của đồng chí với Đảng, với đất nước và Nhân dân thật là to lớn.
Noi gương đồng chí, chúng tôi là một cán bộ hưu trí ra sức rèn luyện và tiếp tục đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp mà Đảng ta - Bác Hồ đã vạch ra.
Mong ở suối vàng và yên giấc ngàn thu
Xin chia sẻ nỗi mất mát này đến gia đình chị Mận và tang quyến.
Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Ban Nội chính Trung ương viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn, kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong sổ tang, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi: Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam, Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, Người đảng viên cộng sản kiên trung, một tấm gương sáng ngời không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, người bạn lớn của nhân dân thế giới, người đã dành trọn cuộc đời, tận tâm, tận lực, tận hiến cho đất nước, cho Đảng, cho Nhân dân, có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cho phong trào cộng sản quốc tế và duy trì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Kính cẩn nghiêng mình trước Anh linh của Đồng chí, chúng tôi nguyện học tập, noi gương Đồng chí, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà Đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.
Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng.
Hà Nội, ngày 25-7-2024 Tô Lâm Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn xúc động viết: “Vô cùng tiếc thương đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, trọn đời vì Đảng, vì nước, vì dân.
Đồng chí đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ đối với vấn đề đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; có định hướng quan trọng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và kỳ vọng, tin tưởng của cử tri, Nhân dân cả nước.
Đồng chí mất đi là tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào, gia quyến và bạn bè quốc tế.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí; nguyện tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, các thế hệ đi trước và Đồng chí đã lựa chọn. Trước nỗi đau thương mất mát vô cùng to lớn này, xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.
Xin vĩnh biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến!”.
Trong sổ tang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến ghi: “… Trong giờ phút xúc động, ly biệt này, bầu trời như không có nắng, gió ngừng thổi, mây ngừng trôi, thời gian như dừng lại, lòng người tê tái… Tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với Bác Hồ, các bậc cách mạng tiền bối và với thế giới người hiền.
Cầu cho linh hồn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng siêu thoát, phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, mọi nhà, mọi người hạnh phúc.
Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến phu nhân của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và toàn thể gia đình, thân tộc.
Mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau thương mất mát lớn lao này”.
Sáng 25-7-2024, tại Quần đảo Trường Sa và tại Nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân treo cờ rủ để tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Trước anh linh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thành kính tôn vinh và biết ơn sâu sắc công lao to lớn và cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, của dân tộc, cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời đại mới. Chúng tôi nguyện noi gương, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hết mình để bảo vệ và xây dựng thành Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Xin kính cẩn nghiêng mình biết ơn, học tập, noi gương và vĩnh biệt đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường (Phó Trưởng ban Chỉ đạo) ghi sổ tang:
“Vô cùng thương tiếc đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Nhà lãnh đạo có uy tín, đặc biệt xuất sắc, tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng, trọn đời vì Nước, vì Dân.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bài bản, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nghiêm minh nhưng rất nhân văn của của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mạnh, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống của đồng chí mãi là “kim chỉ nam”, tấm gương cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta học tập, noi theo, kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Phấn đấu xây dựng TP.HCM “rực rỡ tên vàng”
Tại Hội trường Thống nhất, TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ghi trong sổ tang: Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bí thư Thành ủy TP.HCM ghi: Đồng chí mất đi là một tổn thất rất lớn lao đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Một mất mát không gì bù đắp được với gia đình, người thân.
Trong sổ tang, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định sẽ luôn nhớ mãi hình ảnh một con người giản dị, khiêm nhường, nghị lực phi thường, một nhân cách lớn, một cán bộ, đảng viên mẫu mực, kiên trung, bất khuất, một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, quả cảm; một tấm gương tiêu biểu trong học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ kính yêu, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, suốt đời vì nước, vì dân, tận tụy, tận tâm, tận lực, tận hiến.
Ông Nguyễn Văn Nên cho hay sẽ nguyện học tập, noi gương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các bậc tiền nhân, tiếp nối truyền thống một cách xứng đáng, đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết tâm nhiều hơn nữa, phấn đấu xây dựng TP.HCM “rực rỡ tên vàng”, góp phần cùng cả nước, vì cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam ngày càng văn minh, hạnh phúc, cường thịnh.
"Xin kính cẩn nghiêng mình, tri ân những công lao to lớn mà đồng chí đã cống hiến và để lại cho đời.
Xin gửi tới gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng lời chia buồn sâu sắc nhất"- Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên Viết
*****
Còn Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi viết: “Vô cùng thương tiếc, tiễn biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi nhưng đã để lại tình cảm và di sản to lớn, trong đó có những định hướng chiến lược cho sự phát triển TP.HCM, những gợi ý về cơ chế vượt trội để Thành phố khơi dậy tiềm năng, lợi thế để tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò, vị thế là trung tâm lớn về nhiều mặt, là đầu tàu kinh tế của cả nước”.
UBND TP.HCM tiếp tục tổ chức, huy động mọi nguồn lực để triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, định hướng của đồng chí Tổng bí thư, xây dựng TP.HCM phát triển, thịnh vượng mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân thành phố. Kính mong đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng an lòng yên nghỉ”.
Đoàn Bộ Y tế viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Tạp chí Cộng sản viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Tạp chí Cộng sản do đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn, kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Bộ Nội vụ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà dẫn đầu, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh dẫn đầu, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Văn phòng Chủ tịch nước viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Văn phòng Chủ tịch nước do đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Bộ Tư pháp viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Bộ Tư pháp do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dẫn đầu, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Bộ Ngoại giao viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Bộ Ngoại giao do đồng chí Bùi Thanh Sơn Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Campuchia viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Vương quốc Campuchia do Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Tòa án Nhân dân tối cao viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Tòa án Nhân dân tối cao do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Văn phòng Trung ương Đảng kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Văn phòng Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương làm Trưởng đoàn vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Văn phòng Tổng Bí thư viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Văn phòng Tổng Bí thư do đồng chí Đào Đức Toàn, Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư làm Trưởng đoàn vào kính viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Ban Đối ngoại Trung ương viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Ban Đối ngoại Trung ương do đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Thư ký LHQ, Đại sứ các nước tại LHQ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Các Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc và Đại sứ các nước tại Liên hợp quốc đã tới viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).
Đoàn Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Thông tấn xã Việt Nam viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Thông tấn xã Việt Nam do đồng chí Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc làm Trưởng đoàn, kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viếng và chia buồn với gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Các đoàn khách quốc tế tiếp tục đến viếng Tổng Bí thư
Đoàn CHDCND Triều Tiên do Đại biện lâm thời Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Việt Nam Ri Ho Jun làm Trưởng đoàn vào kính viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn Nhật Bản do Nguyên Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, đặc phái viên của Thủ tướng Kishida Fumio viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đoàn New Zealand do ông Donald Charles McKinnon, Đặc phái viên của Thủ tướng New Zealand làm Trưởng đoàn viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các đoàn của Bộ KH&ĐT, Liên minh HTX Việt Nam, Tổng cục II - Bộ Quốc phòng, BHXH Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ TT&TT, Thanh tra Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam... cùng nhiều cơ quan, tổ chức đã đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hôm nay, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã đến viếng Tổng Bí thư.
Đoàn Trung Quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ông Vương Hộ Ninh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, đại diện đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dẫn đầu đoàn lãnh đạo Trung Quốc vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Trước đó, chiều 20-7, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc; ông Lưu Kiến Siêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và các lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh viếng, chia buồn sâu sắc và ghi sổ tang khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Trong sổ tang, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viết: "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc".
Đoàn Đảng, Nhà nước Lào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trước đó, Chính phủ Lào thông báo sẽ tổ chức quốc tang ngày 25 đến 26-7 để tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn quốc treo cờ rủ và dừng tất cả các hoạt động vui chơi.
Lãnh đạo Lào ngày 19-7 đã gửi điện chia buồn, bày tỏ "lòng tiếc thương vô hạn" khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.
Mặc dù còn khá lâu mới đến 18 giờ để người dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại khu vực lối vào nhà tang lễ ở ngã tư Nguyễn Cảnh - Lê Quý Đôn, hàng trăm người dân đã có mặt để xếp hàng, nhiều người trên tay đã cầm sẵn thẻ CCCD.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (35 tuổi, Hải Dương) cho biết đã có mặt từ 6 giờ sáng. Trưa nay, anh chỉ ăn tạm cơm bụi rồi nghỉ dưới mái hiên gần đường.
“Tôi đến một mình thôi, chứ cũng không rủ ai đi cùng vì thôi thúc muốn đến tiễn biệt bác Trọng khiến tôi vội vã quá, chỉ muốn đến càng sớm càng tốt để có thể tiễn bác đoạn đường cuối cùng. Qua những tư liệu về bác Trọng, tôi thấy nhà lãnh đạo này thật gần dân, quan tâm đến dân”.
Tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, rất nhiều người dân tập trung chờ vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân được hướng dẫn các bước để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do thời tiết tại Hà Nội đang khá oi nóng, nên đội tình nguyện viên đã phát thêm quạt giấy cho người dân
Bà Nguyễn Thị Lan, 69 tuổi, ngụ tại Tây Tựu (Hà Nội) cho biết, từ 5 giờ sáng bà đã đi chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày để đến khu vực Nhà tang lễ Quốc gia sớm với hy vọng sẽ được vào viếng Tổng Bí thư. Tuy nhiên, đến đây bà mới biết, 18h người dân mới được vào viếng, vì thế, bà đã ăn cơm bụi ở khu vực gần Nhà tang lễ Quốc gia để chiều còn kịp xếp hàng vào viếng cố Tổng Bí thư.
Còn tại làng quê thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, từng đoàn nhân dân mọi miền Tổ quốc tiếp tục xếp hàng dài vào viếng viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Rất nhiều phụ nữ đã không cầm được nước mắt, bày tỏ tiếc thương với vị lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Một số hình ảnh khác:
Chiều 25-7, dù trời đổ cơn mưa lớn nhưng hàng ngàn người vẫn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM).
Theo ghi nhận của PLO, từ đầu giờ chiều, rất đông người dân, cán bộ, lãnh đạo từ nhiều đơn vị, địa phương tập trung về Hội trường Thống Nhất để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lúc này, một cơn mưa lớn đổ xuống nhưng vẫn không ngăn được dòng người đến viếng.
Đoàn đại biểu LB Nga do Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Pyotr Tolstoy dẫn đầu, Đoàn Đảng Cộng sản LB Nga do Phó Chủ tịch Đảng Leonist Kalashnikov dẫn đầu viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ chiều tối 25-7, dòng người vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và Nhà Tang lễ Quốc gia vẫn rất đông. Người dân nghiêm chỉnh xếp hàng để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người nghẹn ngào bật khóc.