Quốc tế tài trợ 7 triệu USD phát triển công nghệ tài chính và tài chính khí hậu Việt Nam

(PLO)- Ngân hàng Phát triển Châu Á, Chính phủ Thụy Sĩ và Nhật vừa cam kết khoản tài trợ tổng cộng 7 triệu USD phát triển công nghệ tài chính và tài chính khí hậu ở Việt Nam. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Thụy Sĩ vừa ký một thỏa thuận đồng tài trợ giá trị 5 triệu USD để phát triển các công nghệ tài chính (fintech) ở Việt Nam, trong đó hướng nhiều tới khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Cùng với khoản đóng góp 2 triệu USD khác từ Quỹ Nhật Bản vì châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng và thích ứng do Chính phủ Nhật tài trợ, các khoản tài trợ này sẽ đổ vào dự án hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu mở rộng tài chính khí hậu và bao trùm ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, công nghệ tài chính là trung tâm trong các kế hoạch của Chính phủ nhằm mở rộng các dịch vụ tài chính tới người tiêu dùng và DNNVV. Để như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, ngân hàng số.

Tại thời điểm này, gần 80% dân số Việt Nam không có hoặc chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Doanh nghiệp siêu nhỏ và DNNVV đặc biệt bị ảnh hưởng, với nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng lên tới 500.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 21 tỷ USD.

Ngoài ra, ngân hàng xanh cũng là giải pháp để Việt Nam tiếp cận các nguồn tài trợ từ các kênh tài chính khí hậu, với quy mô hàng năm có thể tới 11 tỉ USD trên lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Dominique Paravicini - Trưởng ban Hợp tác kinh tế và phát triển, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Thống đốc Thụy Sĩ tại ADB cho biết, Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính bằng cách tăng cường môi trường pháp lý cho các giải pháp fintech sáng tạo.

Từ đó, sẽ xây dựng năng lực của các bên tham gia thị trường trong lĩnh vực tài chính số. Cuối cùng, điều này sẽ giúp các DNNVV ở Việt Nam tiếp cận tài chính tốt hơn và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm