45 nước chỉ trích Nga tại LHQ vụ bắt giam ông Navalny

Hàng chục quốc gia lên án Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 12-3 xoay quanh việc Moscow bắt giam nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny cũng như bắt giữ tùy tiện nhiều người ủng hộ ông, theo báo The Moscow Times.

Tuyên bố mang tính lịch sử

Trong một tuyên bố chung mang tính lịch sử được đưa ra trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, 45 quốc gia lên tiếng báo động về tình hình nhân quyền và các quyền tự do cơ bản đang xấu đi tại Nga, biểu hiện cụ thể là việc bắt giữ và bỏ tù ông Navalny.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny. Ảnh: Vladimir Gerdo/TASS

45 quốc gia chủ yếu là các quốc gia châu Âu, bên cạnh đó còn có Úc, Canada và Nhật Bản, theo hãng tin Reuters.

Những quốc gia trên kêu gọi trả tự do cho ông Navalny và tất cả những người bị bắt một cách tùy tiện và trái phép ngay lập tức và vô điều kiện.

Tháng trước, ông Navalny bị tuyên án hai năm rưỡi vì vi phạm điều khoản án treo trong thời gian ông chữa trị tại Đức do trúng độc.

Tuyên bố chung nói rằng vụ đầu độc ông Navalny vẫn chưa được điều tra xác đáng và được giải thích một cách đáng tin cậy. Các quốc gia nói rằng hành động của chính quyền và cơ quan tư pháp Nga trong trường hợp này là không thể chấp nhận được và mang động cơ chính trị.

 “Những hành động này đi ngược lại những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Nga, trong đó có quyền tự do và an ninh của con người và quyền được xét xử công bằng” – Đại sứ Ba Lan tại LHQ, ông Zbigniew Czech đại diện đọc tuyên bố.

Ông Czech nói rằng các quốc gia trên lo ngại về số lượng lớn các vụ bắt giữ tùy tiện những người biểu tình bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Navalny tại nhiều thành phố của Nga.

“Những diễn biến tổng thể liên quan tới vụ bắt giam, bỏ tù ông Navalny và đàn áp các đồng minh của ông cùng những người ủng hộ ông là bằng chứng rõ ràng cho thấy không gian xã hội dân sự tại Liên bang Nga đang bị thu hẹp” – ông Czech cảnh báo.

Những hành động như vậy là công cụ của nhà nước để tấn công truyền thông độc lập và xã hội dân sự, cũng như bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến, nhà ngoại giao Ba Lan nói.

“Chúng tôi bày tỏ quan ngại đặc biệt liên quan tới các sửa đổi lập pháp gần đây và các thay đổi hiến pháp, vốn hạn chế hơn nữa quyền và tự do” – ông Czech nói.

Các nhóm nhân quyền đã hoan nghênh tuyên bố “mang tính bước ngoặt” trên. Tuyên bố đánh dấu sự can thiệp chung đầu tiên trước khi Hội đồng nhân quyền LHQ nhắm vào Nga.

“Tuyên bố được phát đi hôm nay từ 45 quốc gia mang tính lịch sử khi các cuộc trấn áp đang xảy ra tại Nga” – người đứng đầu văn phòng Tổ chức giám sát nhân quyền John Fisher nói trong một tuyên bố.

“Nhà chức trách Nga đã bỏ tù nhân vật đối lập nổi tiếng nhất của nước này và thông qua một loạt các luật đàn áp mới để bịt miệng và trừng phạt những người cất lên tiếng nói chỉ trích” – ông Fisher nói.

Ông kêu gọi Hội đồng Nhân quyền LHQ giám sát và hành động để chấm dứt cuộc đàn áp.

Ông Navalny được chuyển tới nhà tù hình sự để thụ án

Theo hãng tin TASS, ông Navalny đã được chuyển khỏi một nhà tù nơi ông bị cách ly trong vài tuần qua. Ông được đưa tới một nhà tù hình sự để thụ án hai năm rưỡi.

Hàng chục quốc gia kêu gọi trả tự do cho ông Navalny ngay lập tức và vô điều kiện. Ảnh: Babushkinsky District Court Press Service/The Moscow Times

Một trong những luật sư của ông Navalny tiết lộ với Reuters rằng nhân vật đối lập Nga không còn bị giam trong nhà tù Kolchugino thuộc vùng Vladimir (đông bắc Moscow, Nga) nữa. Vị luật sư này cho biết đội ngũ pháp lý của ông Navalny không được thông báo ông được đưa đi đâu.

Một phát ngôn viên của Cục Cải huấn Liên bang Nga cho hay bà không thể tiết lộ thông tin về nơi ở của ông Navalny vì luật bảo vệ thông tin cá nhân.

Trong khi đó, TASS dẫn lời một quan chức thực thi pháp luật giấu tên cho biết ông Navalny được đưa tới nhà tù hình sự Số 2 ở vùng Pokrov.

Những người ủng hộ ông Navalny cho rằng động thái này nhằm ngăn luật sư của ông và gia đình ông tiếp cận ông.

Theo Bộ Luật hình sự Nga, tất cả những người mới bị kết án đều phải trải qua thời gian cách ly. Họ được lấy mẫu y tế và các đặc điểm cơ thể của họ như vết sẹo, hình xăm, chấn thương được ghi lại. Luật quy định thời gian cách ly có thể kéo dài 15 ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm