Nhật báo The Times (Anh) ngày 8-2 cho biết gần 200 học giả tại hơn 12 trường đại học ở Anh đang bị điều tra vì bị nghi ngờ đã vô tình chuyển giao công nghệ quân sự giúp chính phủ Trung Quốc chế tạo vũ khí.
Các học giả Anh bị nghi ngờ vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu năm 2008 nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ nhạy cảm không bị chuyển giao cho các quốc gia khác, tờ báo trích dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết.
Theo nguồn tin, chính phủ Anh chuẩn bị gửi thông báo tới các học giả nghi ngờ đã chuyển giao các nghiên cứu về công nghệ quân sự tiên tiến như máy bay, thiết kế tên lửa và vũ khí không gian mạng cho Trung Quốc.
Anh điều tra hàng trăm học giả nghi giúp quân đội Trung Quốc phát triển vũ khí. Ảnh: AP
Các cơ quan an ninh Anh lo ngại rằng các nghiên cứu này có thể giúp Bắc Kinh phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt hay sử dụng trong việc giám sát người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
"Không lâu nữa, chúng ta có thể phải thấy hàng chục học giả hầu tòa. Nếu ít nhất 10% trong số các vụ án bị truy tố, khoảng 20 nhà khoa học sẽ phải vào tù vì đã giúp người Trung Quốc tạo ra siêu vũ khí" - nguồn tin cho biết.
Một người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết: “Theo luật kiểm soát xuất khẩu năm 2008, trường đại học và học viện phải xin giấy phép nếu muốn xuất khẩu hoặc chuyển giao công nghệ phục vụ mục đích quân sự. Họ phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định”.
Những người vi phạm luật này có thể phải đối mặt với án tù tối đa mười năm.
Một báo cáo của tổ chức Civitas (Anh) tiết lộ rằng 20 trường đại học của Anh có mối quan hệ với 29 trường đại học Trung Quốc và chín công ty liên quan đến quân đội nước này, bao gồm các tập đoàn sản xuất vũ khí của Bắc Kinh.
Cựu quan chức Bộ Tài chính Anh Radomir Tylecote, người thực hiện báo cáo trên, bày tỏ lo ngại rằng những nghiên cứu của các trường đại học Anh có nguy rơi vào tay Trung Quốc, giúp nước này tăng cường năng lực quân sự.
Ông nhấn mạnh nguy cơ trên trong bối cảnh Bắc Kinh đang thúc đẩy các chương trình phát triển tên lửa siêu thanh, hệ thống gây nhiễu radar, robot, tàu vũ trụ và máy bay tàng hình.
Trước đó, Đại học Manchester đã hủy bỏ thỏa thuận với Công ty Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) sau khi nhận được cảnh báo từ chính phủ rằng công ty này cung cấp những nền tảng và ứng dụng công nghệ cho lực lượng an ninh Trung Quốc để giám sát người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat cảnh báo Anh đang mắc sai lầm khi để các trường đại học quá cởi mở trong việc xuất khẩu công nghệ.
"Chúng ta đang chuyển giao những bí mật giúp một đất nước thiếu thân thiện trở thành cường quốc quân sự mạnh nhất thế kỷ 21" - ông Tugendhat lo ngại.
Vào năm 2019, quân đội Trung Quốc đã công khai tên lửa Đông Phong-17 (DF-17) tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc 2019. Loại vũ khí này được cho là có khả năng chọc thủng mọi lá chắn chống tên lửa hiện có của Mỹ và các đồng minh.