Áp lực chọn bên của Đông Nam Á và 'thế trận khu vực' của Mỹ

Theo tờ South China Morning Post, áp lực phải "chọn bên" của các quốc gia Đông Nam Á ngày càng gia tăng khi Mỹ tăng cường các chuyến thăm đến khu vực để thu hút thêm đối tác và đồng minh.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan thể hiện rõ nhất trong tuần qua, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bắt đầu chuyến đến thăm khu vực. Trong cuộc gặp, ông Austin vừa nhấn mạnh Washington "không yêu cầu các nước trong khu vực lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc", vừa thẳng thắn chỉ trích Bắc Kinh.

"Thật không may, việc Bắc Kinh không sẵn sàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng pháp quyền không chỉ diễn ra trên biển" - ông Austin nói, đề cập các tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong chuyến thăm Singapore ngày 27-7. Ảnh: OBJETIVOFAMOSOS.COM 

Ông cho biết Mỹ đã chứng kiến hành động của Trung Quốc đối với Ấn Độ, các động thái gây sức ép lên Đài Loan cũng như các hoạt động của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương.

Hiện vẫn chưa biết được những cam kết của Austin có làm giảm bớt lo ngại của các nước trong khu vực về việc phải chọn bên hay không. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng mục đích chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rõ ràng là để tăng cường quan hệ đối tác giữa Mỹ với khu vực, giúp Washington có được ưu thế trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh.

Theo ông Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc có thể khiến các nước Đông Nam Á khó chịu. Thủ tướng Lý Hiển Long từng nhiều lần bày tỏ sự do dự khi bị ép phải chọn bên.

"Giọng điệu trong toàn bộ bài phát biểu cho thấy ông Austin hy vọng các nước trong khu vực sẽ tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, cùng như ông đang cố gắng thuyết phục các nước trong khu vực chọn bên" - chuyên gia Li nói.

Trong sáu tháng đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden, Washington đang sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh - vốn đã rạn nứt trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Donald Trump.

Vào tháng 6, ông Biden chọn châu Âu làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông. Tại đây, ông tập hợp các đồng minh châu  u để cung cấp hàng trăm tỉ khoản vay cho các nước đang phát triển để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cũng theo chuyên gia này, chuyến thăm mới nhất của các quan chức cấp cao Mỹ đến châu Á là bằng chứng cho thấy chính quyền ông Biden đang tái củng cố các liên minh phía đông để đối phó các thách thức từ Trung Quốc.

Để củng cố lập luận, ông Li đề cập chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ấn Độ - diễn ra chỉ một ngày sau chuyến công du của ông Austin đến Singapore. Tại đây, ông Blinken đã gặp Thủ tướng Narendra Modi và cùng Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar nhắc lại cam kết mở rộng nhóm bộ tứ - nhóm an ninh không chính thức giữa Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật.

"Mỹ đã tăng cường hợp tác trong khu vực và củng cố các nỗ lực ngoại giao và an ninh. Xét trên bình diện rộng hơn, họ muốn tạo ra một 'thế trận khu vực' ở Đông Nam Á để gây áp lực lên Trung Quốc" - ông Li nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm