Chính sách Biển Đông của ông Biden liệu sẽ khác ông Trump?

Tờ South China Morning Post ngày 8-12 đăng bài phân tích của ông Ding Duo – phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật và chính sách biển của Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam (Trung Quốc) và là thành viên Viện nghiên cứu Trung – Mỹ (ICAS) ở Washington (Mỹ) – dự đoán về chính sách của Tổng thống đắc cử Joe Biden trong vấn đề Biển Đông.

Theo đó, ông Biden có thể sẽ theo chủ nghĩa đa phương hơn so với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, song ông vẫn bị ràng buộc với lập trường mà ông từng thể hiện khi phục vụ trong chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Biden cũng thừa hưởng di sản “đối đầu” của ông Trump trong vấn đề Biển Đông và có khả năng sẽ tiếp tục điều tàu chiến đến khu vực này.

Cách tiếp cận đối lập

Khi chúc mừng ông Biden trở thành tổng thống đắc cử Mỹ hồi tháng 11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng những vấn đề an ninh giữ vị trí hàng đầu trong lập trường của ông.

"Chúng tôi hy vọng cả hai quốc gia sẽ giữ vững tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi" – ông Tập nói.

Tuyên bố của ông Tập không phải là điều gì gây bất ngờ, nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đứng trước những thách thức dưới thời chính quyền của ông Trump.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Thời gian qua, quan hệ Mỹ - Trung ngày càng lao dốc trong loạt các vấn đề từ thương mại, công nghệ đến đại dịch COVID-19.

Mặc dù không phải là quốc gia có yêu sách ở Biển Đông, song chính sách của Mỹ tại vùng biển này cũng đã thay đổi. Mỹ coi trọng vấn đề Biển Đông hơn trong bối cảnh các xung đột giữa nước này và Bắc Kinh ngày càng gay gắt.

Việc ông Biden lựa chọn các nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm cho các vị trí hàng đầu về đối ngoại và quốc phòng trong nội các – như ông Anthony Blinken làm ngoại trưởng, ông Jack Sullivan làm cố vấn an ninh quốc gia và ông John Kerry làm đặc phái viên của tổng thống về các vấn đề khí hậu – thực sự báo hiệu việc Mỹ quay về với triết lý ngoại giao tự do truyền thống.

Các lựa chọn nhân sự nội các trên cũng cho thấy ông Biden nhận thức được các vấn đề ngoại giao Mỹ phải đối mặt trong bốn năm qua.

Khi tranh cử, ông Biden đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của nước này. Giờ đây, ông Biden đang tìm cách tập hợp sự phản đối đa phương trước các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Động thái này được coi là đối lập hoàn toàn với cách tiếp cận của ông Trump – người thường xa cách đồng minh và muốn “một tay” chống Bắc Kinh. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Biden cũng có thể sẽ phức tạp hóa các xung đột liên quan Biển Đông nếu xét đến các bên và lợi ích liên quan.

Ông Biden sẽ kế thừa di sản của ông Trump?

Thực tế, ông Biden từng là phó tổng thống Mỹ ở thời điểm Philippines khởi kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông lên Tòa trọng tài thường trực tại La Haye năm 2013. Ông cũng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài và là người lên tiếng chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tại Biển Đông hồi tháng 7. Ảnh: EPA

Ngoài các quan điểm trước đây về vấn đề này, ông Biden giờ đây phải đối mặt với di sản “đối đầu” của chính quyền ông Trump - với việc Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Mike Pompeo hồi tháng 7 cam kết ủng hộ mạnh mẽ phán quyết năm 2016 bác bỏ hầu hết các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Nếu tiếp tục chính sách công nhận phán quyết trọng tài, Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng cường tương tác ngoại giao và quân sự hơn với Philippines.

Tuy nhiên, việc chính quyền ông Biden dự kiến trở lại cách tiếp cận đa phương hơn và dựa trên “luật lệ” ở Biển Đông sẽ không phủ nhận sự cạnh tranh quân sự liên tục và ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Biden có thể thực hiện các biện pháp cải thiện cơ chế liên lạc giữa hai bên để sự hiểu lầm không trở thành chất xúc tác cho leo thang quân sự.

Tuy nhiên, Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách điều tàu chiến, tăng cường phối hợp quân sự với các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và tham gia các cơ chế diễn đàn an ninh khu vực.

Điều này có nghĩa là mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ không trở lại như xưa. Tiền đề "cạnh tranh toàn diện" giữa hai bên đồng nghĩa Washington sẽ duy trì giọng điệu “cứng rắn” trong vấn đề Biển Đông. Việc phân bổ các nguồn lực quốc phòng và ngoại giao cũng sẽ tập trung vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm