Giải mã dự luật nguy hiểm của Trung Quốc - Bài cuối:
Trung Quốc ‘quân sự hoá’ hải cảnh, các nước cần làm gì?
Với việc ban hành dự luật hải cảnh, các chuyên gia nhận định Trung Quốc (TQ) muốn thực hiện bốn mưu đồ: Tăng cường kiểm soát Biển Đông; bành trướng trên biển dưới chiêu bài “thực thi pháp luật”; tạo đà gia tăng bắt nạt các nước láng giềng và áp đặt luật nội địa lên các quốc gia khác. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia nhận định cần phải thúc đẩy nhiều giải pháp khác nhau để có thể chống lại việc Bắc Kinh “quân sự hóa” lực lượng hải cảnh.
. Phóng viên: Có ý kiến cho rằng TQ nếu thông qua dự luật hải cảnh sẽ có thêm một chiến thắng quan trọng ở Biển Đông, đẩy các nước vào tình thế khó khăn hơn. Phải chăng TQ đang “chiến thắng”?
+ Chuyên gia Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - CSIS: Bắc Kinh đã chiếm ưu thế ở Biển Đông từ trước khi dự luật này ra mắt. Luật hải cảnh TQ không thay đổi được nhiều cục diện hiện tại ở Biển Đông. TQ đang từng bước kiểm soát Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn và điều đó diễn ra suốt kể từ giai đoạn 2013-2014.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trong cuộc tập trận chung với hải quân Úc, Nhật trên Biển Đông hồi tháng 10. Ảnh: AP
Quá trình kiểm soát ấy được TQ tăng tốc kể từ năm 2016, sau khi ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines và ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Cả hai đều lờ đi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực vụ kiện của Philippines và ngừng nỗ lực vận động sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế để gây áp lực với Bắc Kinh.
. Theo ông, giải pháp của các quốc gia ở Biển Đông cần làm trong trung và dài hạn là gì?
+ Trước những thách thức mà luật hải cảnh TQ đặt ra, các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở khu vực cần nâng cao “nhận thức về hải vực” (MDA), đồng thời tăng cường năng lực tuần tra hàng hải và sự răn đe của họ đối với TQ. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa đủ. Sau cùng thì điều duy nhất có thể thay đổi cách hành xử (phi pháp) của TQ đó chính là việc cộng đồng quốc tế cùng vào cuộc, gia tăng đầy đủ sức ép ngoại giao và kinh tế lên TQ. Việc này phải được thực hiện cho đến khi TQ nhận ra rằng sức ép từ cộng đồng quốc tế đang làm suy yếu mục tiêu trở thành một lãnh đạo toàn cầu của TQ (tức TQ thấy rằng họ đã phải trả giá đắt vì làm sai).
Để làm được điều đó thì các quốc gia có tranh chấp cần tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phối hợp chuyển tải thông điệp ngoại giao. Cạnh đó, các nước cần vận động hành lang để có thêm sự ủng hộ từ châu Âu, Ấn Độ và các nước khác, bổ sung cho sự ủng hộ hiện có của các quốc gia như Mỹ và Nhật Bản.
. Vai trò của Mỹ ở khu vực cũng cần được cải thiện?
+ Tôi nghĩ khi đối xử với TQ, Mỹ nên đóng vai trò “cảnh sát cứng rắn” (sử dụng các biện pháp răn đe và sức mạnh), trong khi các nước Đông Nam Á nên đóng vai “cảnh sát mềm dẻo” (bằng việc thực hiện các giải pháp linh hoạt và khéo léo. Cả hai đều có chung mục tiêu là ngăn chặn sự bành trướng phi pháp của Bắc Kinh - PV). Mỹ cần công khai chỉ trích các hành vi của TQ, theo đuổi các biện pháp trừng phạt tài chính chống lại các doanh nghiệp của TQ có những hoạt động bất hợp pháp. Mỹ cũng cần phải nâng cao hơn nữa khả năng răn đe của họ trước TQ. Tất cả giải pháp ấy đều nhắm vào kỳ vọng là sẽ buộc TQ phải theo đuổi một thỏa hiệp công bằng và đúng đắn hơn đối với các quốc gia láng giềng.
Không để bị can thiệp đàm phán COC
. Về phần mình, ông có đề xuất giải pháp nào để các nước chống lại thách thức từ TQ?
+ Giáo sư James Kraska, Trung tâm luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ: Mỹ và các nước, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cùng các quốc gia Biển Đông nên xây dựng một thỏa thuận hợp tác hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau chống lại các hành vi bành trướng của TQ.
Đặc biệt, các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nên từ chối bất kỳ sự can thiệp không cần thiết nào đối với Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) từ các nước ASAEN không có yêu sách. Việt Nam, Malaysia, Philippines nên tiến hành các phiên đàm phán ba bên về COC và có thể mời TQ tham dự.
+ Chuyên gia Hoàng Việt, ĐH Luật TP.HCM: Tôi cho rằng các quốc gia nên tập trung vào ba nhóm giải pháp quan trọng. Thứ nhất, phải lên tiếng về mặt ngoại giao, cảnh báo các rủi ro và nguy cơ, đồng thời phản đối các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của nước khác mà hải cảnh TQ gây ra. Các nước thu hút được dư luận quốc tế càng đông thì sẽ tạo ra áp lực càng lớn nhắm vào TQ.
Song song đó, các quốc gia phải chủ động nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển nói riêng và các lực lượng trên biển nói chung để có thể đối trọng với hải cảnh TQ. Chúng ta không chỉ phải mạnh lên, mà phải hiểu rõ về hải cảnh TQ để có nhiều kịch bản ứng phó. Quan trọng không kém, các quốc gia cũng nên tìm kiếm các giải pháp pháp lý khi xung đột hay va chạm với hải cảnh TQ. Ví dụ như kiện TQ ra tòa án quốc tế các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, hành động, phạm vi hoạt động của hải cảnh TQ có phù hợp với luật pháp quốc tế hay không.
Thống nhất quy chế giải quyết đối đầu
. Các quốc gia khu vực Biển Đông cũng có quy định pháp lý về cảnh sát biển. Theo ông, khả năng xảy ra va chạm với hải cảnh TQ sau khi luật hải cảnh được thông qua sẽ như thế nào? Giải pháp nào để giảm thiểu các rủi ro xung đột?
+ ThS Nguyễn Thế Phương,Khoa quan hệ quốc tế, ĐH Kinh tế Tài chính: Bản thân Việt Nam và các quốc gia ở Biển Đông cũng có những quy định pháp lý để quản lý hoạt động của cảnh sát biển. Trong đó, như trường hợp Việt Nam, luật quy định cảnh sát biển Việt Nam có thể sử dụng vũ lực trong một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, cần phải phân biệt cho rõ rằng luật pháp Việt Nam phù hợp với cách giải thích của luật pháp quốc tế và yêu sách của Việt Nam cũng phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trong khi đó, dự luật hải cảnh TQ nếu chiếu theo yêu sách đường chín đoạn phi pháp của họ thì bao trùm cả Biển Đông, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác. Như vậy, việc va chạm là điều hoàn toàn có thể đoán được. Tuy nhiên, các sự việc đối đầu trên biển giữa hải cảnh TQ và tàu thuyền các nước thường xuyên diễn ra trước khi có dự luật này. Thế nên việc đối đầu trên biển có gia tăng nhiều hay ít thì phải chờ thêm thời gian.
Để tránh xung đột leo thang, các bên cần phải thống nhất các quy chế giải quyết chung khi đối đầu giữa các lực lượng chấp pháp trên biển và đảm bảo khả năng hữu hiệu của các cơ chế tiếp xúc trực tiếp, ví dụ như đường dây nóng. Ngoài ra, với sức mạnh áp đảo của lực lượng hải cảnh TQ, các quốc gia khác, ngay cả Mỹ cũng phải cùng nhau hợp sức, không thể một mình đối đầu TQ.
“Nhận thức về hải vực” (MDA) là gì?
Hiểu nôm na, MDA theo đề xuất của chuyên gia Poling là sự nhận thức một cách hiệu quả đối với tất cả lĩnh vực liên quan tới tất cả không gian biển và kề cận biển, vốn có thể tạo ảnh hưởng đối với an ninh, an toàn, môi trường và kinh tế.
Việc nhận thức tình hình hàng hải rõ ràng hơn sẽ giúp các nước ra quyết định tốt hơn trước các vấn đề cụ thể, trái lại sẽ dễ gặp rủi ro. Ví dụ, một số chuyên gia cho rằng việc Philippines để mất bãi cạn Scarborough vào tay TQ năm 2012 xuất phát từ việc Manila thiếu thông tin và hình ảnh thực địa, từ đó đánh giá chưa đúng tình hình, thế nên đã có quyết định sai lầm. Nếu có MDA tốt thì có thể họ đã không để mất Scarborough vào tay Bắc Kinh.
Mỹ đưa cảnh sát biển đến Thái Bình Dương đối trọng TQ?
Theo tạp chí The Economist, Mỹ ngày càng lo lắng về vai trò ngày một gia tăng của hải cảnh TQ. Năm ngoái, một đô đốc Mỹ có ý rằng nếu xảy ra đụng độ với tàu hải cảnh TQ, lực lượng hải quân Mỹ sẽ ứng xử với lực lượng hải cảnh TQ như ứng xử với tàu hải quân của họ. Có chuyên gia nhận định tàu hải cảnh TQ bản chất là “tàu hải quân được sơn màu trắng”.
Hồi tháng 10-2020, phía Mỹ cho biết họ tìm kiếm các khả năng triển khai tàu cảnh sát biển của Mỹ đến lãnh thổ Samoa và nếu thuận lợi, họ sẽ mở rộng sự hiện diện ra nam Thái Bình Dương. Mục tiêu của Mỹ là chống lại các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát, cũng như các hoạt động quấy rối các tàu thuyền nước ngoài mà TQ thực hiện.
(PLO)- Dự luật Hải cảnh của Trung Quốc là một bước đi trong kế hoạch, nhằm củng cố sức mạnh và khả năng kiểm soát của nước này ở Biển Đông, nhất là đe dọa ngư dân các nước khác.