Chiều 26-8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chủ trì cuộc họp báo ở thủ đô Hà Nội nhằm tổng kết chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài ba ngày của bà.
Một chương mới cho quan hệ Việt - Mỹ
Phát biểu tại sự kiện, bà Harris cho biết bà cảm thấy rất được chào đón trong thời gian ở Việt Nam, đây là một điều hết sức tích cực bởi bà là phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam từ khi hai nước bình thường hoá ngoại giao vào năm 1995.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại cuộc họp báo ở thủ đô Hà Nội chiều 26-8. Ảnh: WHITE HOUSE
Bà cũng kỳ vọng chuyến thăm lần này sẽ mở ra một chương mới cho quan hệ Việt - Mỹ, nhất là khi lãnh đạo hai bên thời gian qua đã có những nỗ lực nhằm củng cố mối quan hệ này.
“Một mối quan hệ Việt - Mỹ lành mạnh sẽ có lợi cho an ninh và thịnh vượng cho người dân cả hai nước. Trên thực tế, việc chúng ta có thể hợp tác được trên rất nhiều vấn đề như hiện nay đối với tôi là rất tuyệt vời. Nhìn lại những gì hai nước đã trải qua, đang trải qua và sẽ trải qua thì chúng ta càng phải siết chặt quan hệ hơn nữa và cùng nhau đối với mặt với mọi thách thức trong tương lai” - bà Harris khẳng định.
Sẽ luôn sát cánh hỗ trợ Việt Nam chống dịch
Chia sẻ thêm về các kết quả đạt được trong chuyến thăm, bà Harris điểm lại những động thái của Mỹ nhằm hỗ trợ chiến dịch đẩy lùi COVID-19 của Việt Nam như khai trương văn phòng Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và trao tặng một triệu liều vaccine COVID-19 cùng tủ đông bảo quản. 500.000 liều trong số này đã được gửi cho TP.HCM vào ngày 25-8, số còn lại đã tới Hà Nội vào ngày 26-8.
Bà cho biết rất chia sẻ những khó khăn của Việt Nam trong nỗ lực chống dịch hiện nay và khẳng định Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc chiến lần này. Việt Nam đã từng hỗ trợ Mỹ rất nhiều khẩu trang và vật tư y tế cho Mỹ vào đợt dịch năm ngoái nên lần này Mỹ sẽ đáp nghĩa bằng vaccine. Dù vậy, phó tổng thống nhấn mạnh là mục tiêu cuối cùng của hợp tác Việt - Mỹ trong vấn đề COVID-19 vẫn là làm sao để hai nước có thể chuẩn bị tốt nhất để đương đầu với một cơn đại dịch trong tương lai.
“Tôi những ngày qua cũng có dịp trò chuyện với các nhân viên Việt Nam làm việc ở Đại sứ quán Mỹ và họ là một trong những nhân viên can đảm nhất tôi từng thấy. Tôi muốn mọi người hãy công nhận sự hy sinh của họ khi nhiều người vẫn tiếp tục làm việc giữa đại dịch dù được tin người thân ở nhà đã qua đời” - bà Harris cho hay.
Tính toán tăng cường chuỗi cung ứng
Về vấn đề kinh tế, bà Harris cho biết thương mại song phương Việt - Mỹ thời gian qua dù bị dịch bệnh ảnh hưởng nhưng vẫn tiếp tục phát triển mạnh và vẫn còn dư địa để hợp tác thêm.
Bà đã đề xuất giảm thuế quan đánh vào hàng nông sản Mỹ vào thị trường Việt Nam, đồng thời triển khai một số sáng kiến nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số; bà cho rằng việc chuyển đổi như vậy sẽ có lợi hơn cho quan hệ thương mại Việt - Mỹ cũng như giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho các nhóm xã hội thiểu số ở Việt Nam.
Bà cũng cho hay đã có trao đổi với lãnh đạo Việt Nam thêm một số vấn đề liên quan tới tăng cường chuỗi cung ứng Việt - Mỹ, đảm bảo sức lao động của nhân công Việt Nam trong thời gian tới nhưng không giải thích chi tiết.
Phó Tổng thống Kamala Harris đến thăm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Hà Nội và được Viện trưởng-Giáo sư Đặng Đức Anh đưa đi tham quan kho lạnh âm sâu nơi bảo quản vaccine của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AP/ĐSQ MỸ
Tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải
Về vấn đề Biển Đông và Trung Quốc - vốn là trọng tâm chuyến thăm Việt Nam của bà Harris theo giới quan sát, Phó Tổng thống Harris nhấn mạnh Việt Nam là một trong những mắt xích quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ.
“Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam đẩy lùi mọi ý đồ xâm phạm quyền tự do hàng hải và thay đổi trật tự khu vực dựa trên luật pháp và hỗ trợ Việt Nam phát triển độc lập, vững mạnh. Đây là những mục tiêu rất quan trọng, liên quan tới những giá trị mà tôi nghĩ cả Mỹ và Việt Nam đều cùng theo đuổi. Dĩ nhiên, không chỉ Việt Nam mà Mỹ cũng sẽ tăng cường với tất cả đồng minh, đối tác trong khu vực để các bên có thể cùng nhau đương đầu với mọi thách thức hiện tại và tương lai” - bà Kamala Harris nêu rõ.
Bà Harris cũng thẳng thừng gửi lời nhắn tới Trung Quốc là dù Mỹ rất hoan nghênh cạnh tranh và không muốn nổ ra xung đột bất kỳ nước nào, song trong vấn đề Biển Đông thì Mỹ sẽ tiếp tục lên tiếng nếu những hành vi của Trung Quốc trên biển tiếp tục làm ảnh hưởng tới trật tự khu vực dựa trên luật pháp và xâm phạm quyền tự do hàng hải của tàu bè quốc tế. Đây là những cam kết mà Mỹ đã đưa ra cho các nước Đông Nam Á và sẽ nỗ lực giữ vững chúng.
Hợp tác chống biến đổi khí hậu
Một nội dung được bà Harris nhắc đến và đánh giá là một lĩnh vực đầy tiềm năng cho hợp tác Việt - Mỹ là hợp tác chống biến đổi khí hậu.
Bà đã có dịp trò chuyện với những người trẻ Việt Nam trong các dự án hoạt động vì môi trường và đã triển khai được một số sáng kiến nhằm hỗ trợ số hoá nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng năng suất hơn nhưng vẫn thân thiện với môi trường.
Vấn đề xói mòn đất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và bảo vệ hệ sinh thái xung quanh sông Mekong đoạn chảy qua Việt Nam cũng được bà quan tâm và thúc đẩy sáng kiến nâng tầm.