Bắc Kinh lo Nobel Hòa bình trao cho người biểu tình Hong Kong

Theo tờ South China Morning Post, hôm 28-8, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Na Uy Eriksen Søreide, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Hội đồng Nobel có trụ sở ở Oslo (Na Uy) không trao giải Nobel Hòa bình cho người biểu tình Hong Kong.

Việc ông Vương đến thăm Oslo nằm trong chuyến công du đến năm quốc gia châu Âu - một phần của chiến lược thúc đẩy hợp tác Trung - Âu.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc gặp, ông Vương và bà Ine Eriksen Søreide khẳng định hai nước tập trung vào chủ nghĩa đa phương, trong bối cảnh Na Uy chuẩn bị đảm nhận vị trí luân phiên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - một tổ chức mà Trung Quốc là thành viên thường trực.

Hai quan chức đều nhấn mạnh đây là chuyến thăm Na Uy đầu tiên của một ngoại trưởng Trung Quốc sau 15 năm - một ám chỉ tinh tế về mối quan hệ ngoại giao vốn bị đóng băng giữa hai nước trong giai đoạn 2010-2016.

Trước đó vào năm 2010, ủy ban trao giải Nobel có trụ sở tại Oslo đã bất ngờ trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba - người bị tòa án Trung Quốc kết án 11 năm tù vì kích động lật đổ chính phủ. Chính quyền Bắc Kinh đã coi việc trao giải cho người này là một hành động xúc phạm đến hệ thống pháp luật của mình. 

Khi các phóng viên hỏi về phản ứng của Trung Quốc nếu giải thưởng này được trao cho những người biểu tình ở Hong Kong, ông Vương nói: “Tôi chỉ nói một điều rằng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm sử dụng giải thưởng này để can thiệp vào công việc nội bộ của mình”.

“Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ ai chính trị hóa giải Nobel Hòa bình” - ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông cũng kêu gọi Na Uy trân trọng mối quan hệ hiện tại. Ông nói: “Nếu chúng ta tiếp tục tôn trọng và đối xử bình đẳng với nhau thì mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển một cách bền vững và lành mạnh. Đồng thời, đây cũng sẽ là nền tảng chính trị cho mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực khác”.

Không giống như hai người đồng cấp của Ý và Hà Lan - hai người mà ông Vương đã gặp trước đó, bà Søreide không đề cập tình hình Hồng Kông, mặc dù bà cho biết hai bên đã thảo luận về vấn đề nhân quyền.

Bà nói thêm rằng tình hình thế giới đã trở nên "khó đoán" hơn. Và khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nó đã cho thấy tầm quan trọng của một sự "hợp tác chặt chẽ hơn", chứ không phải là "chia rẽ hơn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm