Báo cáo của WHO: Số ca chết vì COVID-19 thực tế cao gấp 3 lần

Hãng tin AFP đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21-5 cho biết số ca tử vong vì đại dịch COVID-19 trên thực tế cao gấp ba lần so với số liệu được báo cáo chính thức.

Đến nay, số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới được báo cáo chính thức là hơn 3,4 triệu ca kể từ khi đại dịch xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, theo một báo cáo thống kê y tế toàn cầu của WHO, có rất nhiều người đã tử vong mà lẽ ra không phải chết nếu không phải do đại dịch, vốn sau đó có thể do COVID-19 hoặc vì họ không có điều kiện được điều trị liên quan các căn bệnh khác.

Báo cáo của WHO: Số ca chết vì COVID-19 thực tế cao gấp 3 lần. Ảnh: AFP

"Tổng số ca tử vong cao hơn ít nhất 2-3 lần so với báo cáo chính thức" – bà Samira Asma, trợ lý tổng giám đốc WHO phụ trách dữ liệu, trao đổi với các phóng viên.

Vào năm 2020, báo cáo cho thấy đã có ít nhất ba triệu ca tử vong do COVID-19 trực tiếp hoặc gián tiếp, trong khi số ca tử vong được báo cáo chính thức do COVID-19 là 1,8 triệu vào cuối năm.

Ở cấp độ khu vực, ước tính mức vượt đối với số ca tử vong ở châu Mỹ lên tới 1,46 triệu người và ở khu vực châu Âu là 1,21 triệu người vào năm 2020, cao hơn 60% và 50% so với số ca tử vong do COVID được báo cáo chính thức tại các khu vực này.

Liên quan mức vượt số ca tử vong vì COVID-19 đến nay, bà Asma cho biết: "Tôi nghĩ một cách an toàn, ước tính có khoảng sáu đến tám triệu ca tử vong".

Theo bà Asma, WHO đã làm việc với các quốc gia "để nắm con số tử vong thực sự vì đại dịch để có thể chuẩn bị tốt hơn cho trường hợp khẩn cấp tiếp theo".

Theo AFP, sự khác biệt này là do một số yếu tố, bao gồm việc báo cáo chậm trễ về số ca tử vong do COVID ở một số quốc gia và thực tế là nhiều người đã chết vì COVID-19 từ rất sớm khi vẫn chưa được xét nghiệm.

Nhà phân tích dữ liệu William Msemburi của WHO cho biết: "Điều này dẫn đến nhiều số liệu thống kê chính thức về COVID-19 là một con số thấp".

Ngoài ra, ông cho rằng "có những ca tử vong có thể được cho là do điều kiện sống khó khăn trong bối cảnh đại dịch".

Nhiều người mắc các bệnh mãn tính hoặc bệnh cấp tính, mà không phải là COVID-19, đã không được điều trị hay tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do các biện pháp đều tập trung vào việc ngăn chặn đại dịch trên khắp thế giới.

Yếu tố kinh tế xã hội trong bối cảnh bị phong tỏa cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể vấn đề trầm cảm, khi WHO cho biết có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tự tử đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới.

Ông Msemburi cho biết: “Thừa nhận rằng con số COVID-19 được báo cáo chỉ là một phần nhỏ của những tác động này, chúng tôi đã xem xét mức vượt tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cho năm 2020”.

Về cơ bản, đây là sự khác biệt giữa tổng số người chết xảy ra trong năm đó và những ca tử vong mà lẽ ra sẽ xảy ra nếu không có đại dịch.

 “Mức vượt tỷ lệ tử vong cho chúng ta một bức tranh tốt hơn, vì nó ghi lại cả hai tác động trực tiếp và gián tiếp này” – ông Msemburi nói thêm. 

WHO cho biết việc xác định mức vượt số ca tử vong dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu nếu có thể, song cũng có thể dựa trên mô hình thống kê, trên cơ sở "khoảng cách dữ liệu quan trọng" ở nhiều quốc gia, đặc biệt là về dữ liệu báo tử.

Theo bà Asma, trong khi hầu hết các quốc gia làm tốt việc đăng ký khai sinh, chỉ có 40% các quốc gia trên thế giới báo cáo ít nhất 90% các trường hợp tử vong.

Ngoài ra, sự khác biệt giữa các khu vực cũng rất lớn. Theo báo cáo của WHO, trong khi 98% số ca tử vong được báo cáo ở châu Âu, chỉ 10% số ca tử vong ở châu Phi được đăng kí mỗi năm.

Bà Asma kêu gọi các quốc gia đầu tư vào việc mở rộng dữ liệu và hệ thống thông tin của họ, nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ có thể chuẩn bị tốt hơn với dữ liệu tốt hơn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm