'Bạo loạn ở Điện Capitol tồi tệ hơn cả vụ tấn công ở Libya'

Năm người đã thiệt mạng liên quan tới vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội Mỹ (Điện Capitol) hôm 6-1 và tổng chưởng lý của Washington, D.C đã cam kết mang lại công lý cho những người liên quan. Những người theo chủ nghĩa tự do so sánh những diễn biến tại Điện Capitol với thảm họa tại TP Benghazi (Libya) năm 2012, theo đài RT.

Số người Mỹ thiệt mạng trong vụ bạo loạn ở Điện Capitol nhiều hơn trong vụ tấn công ở TP Benghazi của Libya

Sĩ quan cảnh sát Điện Capitol Brian D. Sicknick đã qua đời tối 7-1 (giờ Mỹ) sau khi bị thương trong vụ đụng độ với những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump vào ngày trước đó. Cái chết của ông Sicknick là cái chết thứ năm liên quan tới vụ bạo loạn này.

Một người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump bưng bục phát biểu của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sau khi xông vào Điện Capitol hôm 6-1. Ảnh: Win McNamee/GETTY IMAGES

Người biểu tình không vũ trang Ashli Babbitt bị cảnh sát bắn chết trong tòa nhà Điện Capitol, trong khi ba người khác tử vong trong tình trạng “y tế khẩn cấp”.

“Số người thiệt mạng tại Điện Capitol của Mỹ nhiều hơn (vụ tấn công) ở Benghazi” – Tổng chưởng lý Washington, D.C – ông Karl Racine tuyên bố, nhắc tới vụ bốn người Mỹ bị các tay súng Hồi giáo cực đoan sát hại tại TP của Libya năm 2012.

Khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của bà Hillary Clinton bị chỉ trích gay gắt vì không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ cho họ giữa lúc Benghazi rơi vào tình trạng vô chính phủ.

Sự việc này đã ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà và là chủ đề của 10 cuộc điều tra do Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Quốc hội tiến hành. Với những nhà bình luận theo chủ nghĩa tự do, họ gọi vụ bạo loạn ở Điện Capitol là một “cuộc nổi dậy” và “khủng bố trong nước”, và còn “tệ hơn cả Benghazi”.

Theo một cuộc điều tra năm 2013, viện trợ quân sự có thể được triển khai tới Benghazi, có khả năng kịp thời cứu được bốn nạn nhân trên, song Lầu Năm Góc không phát lệnh. Tương tự như vậy, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có lực lượng đồn trú gần đó đã không gửi quân tiếp viện kịp thời. Các thành viên Cộng hòa điều tra vụ việc đã chĩa mùi dùi vào bà Clinton, chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đó cùng các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ vì những thất bại này.

Một người Libya kiểm tra hiện trường bên trong lãnh sự quán Mỹ sau vụ tấn công giết chết bốn người Mỹ hôm 13-9-2012. Ảnh: Mohammad Hannon/AP

Và giờ, sau vụ bạo loạn hôm 6-1, đảng Dân chủ cũng thực hiện điều tương tự. Lầu Năm Góc bị chỉ trích vì không triển khai vệ binh quốc gia ở Washington, D.C trước khi bạo loạn xảy ra và đã do dự triển khai họ trước khi Điện Capitol bị những người biểu tình tràn vào.

Một số người ủng hộ ông Trump chỉ trích những người đối lập đã đánh đồng hai sự kiện này. Một người bình luận gọi sự so sánh của ông Racine là “hoàn toàn đáng xấu hổ”.

Trong video tối 7-1, Tổng thống Trump lên án vụ bạo loạn và yêu cầu những người ủng hộ ông chấp nhận quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền ông Joe Biden một cách có trật tự và liền mạch. Dù vậy, khi còn 11 ngày nữa là diễn ra lễ nhậm chức của ông Biden, đảng Dân chủ đã soạn thảo các điều khoản luận tội nhằm vào Tổng thống Trump, với một cuộc bỏ phiếu của Hạ viện có thể diễn ra vào tuần tới.

FBI treo thưởng 50.000 USD giúp tìm bắt những kẻ bạo loạn

Cảnh sát đã bắt giữ khoảng 80 kẻ bạo loạn. Tổng chưởng lý Washington, D.C – ông Karl Racine nói với đài ABC hôm 8-1 rằng văn phòng của ông sẽ tìm kiếm trên mạng và điều tra thêm để tìm ra thêm hàng trăm người, những người theo cách nói của ông là “về cơ bản đã tìm cách đảo lộn một cuộc bầu cử dân chủ và xâm phạm Điện Capitol”.

Theo trang tin Sky News, FBI đã công bố ảnh của họ, nhiều người xuất hiện trong video do những kẻ bạo loạn đăng tải và yêu cầu người dân giúp nhận diện họ.

Người đàn ông có tên Richard Barnett đặt chân lên bàn làm việc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi trong cuộc bạo loạn hôm 6-1 bị truy tố tội xâm nhập và ở lại khu vực bị cấm, xâm nhập bạo lực, hành vi mất trật tự và ăn trộm tài sản công cộng. AFP/GETTY IMAGES

FBI đã treo thưởng 50.000 USD cho những ai cung cấp thông tin giúp tìm ra vị trí của họ, bắt giữ và kết tội những ai chịu trách nhiệm cho việc đặt hai quả bom ống gần tòa nhà Điện Capitol. Một quả bom được đặt tại trụ sở của Ủy ban Quốc gia Cộng hòa và quả còn lại đặt tại trụ sở Ủy ban Quốc gia Dân chủ.

Theo báo Financial Times, trả lời báo giới hôm 8-1, các công tố viên thuộc văn phòng luật sư Mỹ ở quận Columbia và các đại diện của FBI cho biết đến nay có 13 người bị truy tố tại tòa án liên bang. Những người này cho biết thêm hàng trăm công tố viên và đặc vụ FBI đang làm việc 24/7.

Các bản cáo trạng, bao gồm các tội danh mang vũ khí trái phép và chai cháy – một loại vũ khí gây cháy có cấu tạo cực kỳ đơn giản, nhấn mạnh tới tính chất bạo lực của một cuộc bạo loạn chính trị đã khiến năm người thiệt mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm