Bệnh viện chữa người đồng tính bất hợp pháp ở Ecuador

Những cơ sở chăm sóc y tế dạng này mở những đợt tập trung mà họ gọi là “khóa chữa trị bệnh đồng tính”, hoàn toàn không phải là một hiện tượng mới tại Ecuador bởi đã được nhiều người biết đến từ 13 năm nay. Chính các bậc cha mẹ đã đích thân gửi con mình vào đây.

Một khoảng sân nhỏ xuất hiện sau khe cửa gỗ. Những sợi cáp và đồ đạc, bàn ghế đầy bụi bặm chất đống ngoài hành lang. Khu nhà có ba tầng và tất cả khung kính cửa sổ đều được dán sậm màu. “Cơ sở y tế” này nằm cách Tena 2,5 km, tại tỉnh Napo, cách thủ đô Quito 118 km về phía đông-nam. Chính từ nơi này, Zulema đã trốn thoát. Chính tại nơi này, trong suốt 21 ngày, cô đã “được” chữa trị “bệnh” đồng tính.

Năm 2001, María Auxiliadora bị bố mẹ bắt ép đưa vào một “cơ sở y tế” tại Guayaquil (thủ đô kinh tế của Ecuador). Sau này, những lời chứng của cô đã ghi lại trong một bản phúc trình của tòa án về quyền phụ nữ tại Ecuador. Theo lời María kể lại, ngày 28-5-2001, các nhân viên của cơ sở y tế này đã xông vào phòng ngủ của cô và bắt lôi cô đi. Cô nhớ lại một phương pháp chữa trị của cơ sở này có tên là “rạng đông”, bởi vì nó được tiến hành sau nửa đêm về sáng. Khi đó, María bị ném ra khoảng sân trống, hai cánh tay bị trói quặp ra sau lưng, đầu bị gí nằm sát đất. Người ta hành xử với cô như đang tra tấn một người đàn ông, họ xối nước đá lạnh vào người cô.

Susana cũng đã trải qua tình huống như thế. Năm 2000, cô đã quyết định thú nhận với bố mẹ rằng cô bị “les” (đồng tính nữ). Thế là gia đình cô phản ứng bằng cách gửi cô vào một “cơ sở điều trị” tại Montecristi, nằm trong một tỉnh ven biển là Manabí. Cô sống ở đó bốn tháng liền.

Sau khi thoát ra được, Zulema đã quay lại Guayaquil và ngay lập tức, cô kể lại những gì đã xảy ra đối với cô. Bà Lía Burbano đã đi theo cô trong suốt quá trình cô tố cáo các cơ sở loại này. Là chủ tịch một hội đoàn có tên là “Asociación Lésbica Mujer y Mujer” (Hội Đồng tính nữ Phụ nữ và Phụ nữ), bà Lía Burbano chỉ rõ rằng “cuộc đấu tranh này không phải là nhằm chống lại quyết định của các bậc làm cha mẹ (bởi họ chính là những người đã bắt buộc con cái mình phải thay đổi định hướng giới tính) mà là để chống lại các cơ sở chữa trị luôn tuyên truyền cho mọi người tin rằng đồng tính là một căn bệnh và phải chữa trị cho dứt căn bệnh đó”.

Theo Jorge Luis Escobar, Chủ tịch Hội các chuyên gia tâm lý Ecuador, việc định nghĩa hiện tượng đồng tính là một bệnh lý là một sai lầm mang tính lịch sử của khoa học. Ông chứng minh sai lầm này bằng việc đưa ra bằng chứng rằng năm 1974, Hiệp hội về tâm thần của Mỹ đã xóa hiện tượng đồng tính khỏi danh sách các căn bệnh về tinh thần.

Và đã phải đợi đến 16 năm sau đó, vào tháng 5-1990, thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới chấm dứt việc xem đồng tính là một bệnh lý.

Tại Ecuador, trước năm 1997, đồng tính được xem là một tội phạm. Bộ luật Hình sự của nước này đã quy định mức phạt từ bốn đến tám năm tù đối với tất cả đối tượng “phạm tội” đồng tính nam, nữ hoặc chuyển giới tính.

Trong vòng bốn tháng, Susana đã bị đày đọa thân xác, thậm chí bị gông cùm trong nhiều ngày liền, cô nhớ lại: “Thật là nhục nhã cho tôi quá. Tôi bước đi, tôi ăn uống, tôi leo lên cầu thang mà đôi chân luôn bị gông cùm như thế. Họ bảo tôi phải biết cách tự giải thoát mình khỏi gông cùm mà tôi đang mang trong đầu. Thật là kinh khủng”.

María Auxiliadora thì đã sống qua những hai “cơ sở”. Tại “cơ sở” đầu tiên, sau một thời gian điều trị, họ báo là cô đã hết “bệnh” và cô được trở về nhà, khi đó bố mẹ cô đón cô trở về như thể cô vừa mới được sinh ra một lần nữa, María nhớ lại: “Bố mẹ tôi đã thay đổi hẳn phòng ngủ của tôi, đã sơn phết lại căn phòng tôi bằng lớp sơn màu hồng”. Nhưng vài tháng sau đó, gia đình María nhận thấy rằng định hướng giới tính của cô vẫn không có gì thay đổi. Vào tháng 4-2002, María đã bị hai người lạ mặt bắt đi vì thiếu nợ, họ còng tay cô lại và đưa cô đến một “cơ sở” tại Guayaquil.

CAO DIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm