'Biện bạch' về Luật hải cảnh, ông Vương Nghị cố xoa dịu Nhật

Tờ South China Morning Post đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 7-3 đã cố gắng đưa ra một hướng đi tích cực trong quan hệ với Nhật và Ấn Độ, tìm cách xoa dịu hai nước này về các tranh chấp lãnh thổ trong bối cảnh Mỹ tiếp tục quan tâm đến khu vực này.

Ông Vương Nghị xoa dịu Nhật

Để đáp lại mối quan tâm từ Nhật về luật hải cảnh mới của Trung Quốc, ông Vương cho biết luật này “không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào”.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 7-3, ông Vương cho biết: “Luật hải cảnh của Trung Quốc chỉ là luật lệ quốc gia thông thường không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào và luật này hoàn toàn phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: KYODO

Ông Vương cũng nói rằng để mối quan hệ Trung - Nhật phát triển và ổn định hơn, hai nước cần phải tập trung và không bị phân tâm bởi bất kỳ sự kiện nào.

“Trung Quốc hy vọng xã hội Nhật sẽ có nhận thức khách quan và hợp lý hơn về Trung Quốc để củng cố sự ủng hộ của công chúng đối với sự tiến triển lâu dài và ổn định trong quan hệ Trung-Nhật” – ông Vương nói thêm.

Theo ông Vương, hai nước có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc đăng cai các kỳ Thế vận hội, trong bối cảnh Tokyo đang chịu áp lực về quyết định tổ chức Thế vận hội Mùa hè bất chấp đại dịch và Bắc Kinh đối mặt lời kêu gọi tẩy chay kế hoạch đăng cai Thế vận hội Mùa đông vào năm 2022 với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Hong Kong và Tân Cương.

SCMP dẫn lời giới phân tích Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang mong đợi sự xáo trộn trong quan hệ giữa Mỹ với Nhật trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường củng cố mối quan hệ với Tokyo.

Chuyên gia Lian Degui tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nhận định Mỹ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Nhật trong các vấn đề như Hong Kong và Đài Loan, điều sẽ “tạo ra những khó khăn trong quan hệ Trung - Nhật với rất nhiều thách thức đi kèm”.

Theo SCMP, phát ngôn của ông Vương được đưa ra sau khi ông Biden cho thấy Washington sẽ củng cố an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và làm mới quan hệ đồng minh với các cường quốc châu Á, một động thái được coi là nhằm chống lại Trung Quốc.

Một trong những lo ngại lớn của Nhật là luật hải cảnh mới của Trung Quốc, vốn cho phép các tàu hải cảnh nước này bắn vào tàu nước ngoài và phá dỡ các công trình được xây dựng trong vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc tuyên bố là của mình.

Trung Quốc muốn “xuống nước” với Ấn Độ?

Ông Vương cùng ngày cũng bày tỏ hy vọng giải quyết căng thẳng với Ấn Độ trong bối cảnh hai nước đang cố gắng thương lượng để tháo gỡ căng thẳng dọc biên giới Himalaya.

Ông Vương cũng kêu gọi hợp tác với Ấn Độ sau chín tháng diễn ra xung đột biên giới khiến binh lính cả hai bên thiệt mạng.

“Trung Quốc và Ấn Độ nên là bạn bè và đối tác thay vì các mối đe dọa và đối thủ cạnh tranh. Chúng ta nên giúp xây dựng lẫn nhau” – ông Vương nói.

Theo nhà nghiên cứu địa chiến lược Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi (Ấn Độ), phát ngôn của ông Vương cho thấy Trung Quốc muốn giảm thiểu đối đầu trực tiếp với Ấn Độ.

“Trung Quốc đang cố ý tìm cách xoa dịu cuộc đối đầu quân sự với Ấn Độ tại nhiều điểm biên giới vì họ đã khơi dậy quá nhiều mặt trận trong khu vực qua các hành động gây hấn của mình”.

Tuy nhiên, ông Madhav Das Nalapat – chuyên gia nghiên cứu địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Manipal - cho rằng sẽ không có bất kỳ tiến triển đáng kể nào giữa hai nước nếu các vấn đề biên giới chưa thể được giải quyết.

“Ngay từ đầu, Trung Quốc đã ủng hộ chính sách tách biên giới khỏi các vấn đề như thương mại hoặc hợp tác trong Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc liên quan đến các vấn đề toàn cầu khác. Ấn Độ đã đi theo cách tiếp cận này, nhưng vẫn hiểu rằng chỉ có một giải pháp được hai bên chấp nhận về vấn đề biên giới mới có thể dẫn đến quan hệ hữu nghị thực sự” - ông Das Nalapat nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm