Chuyên gia: Mỹ phải dè chừng chi tiêu quốc phòng Trung Quốc

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 8-3 dẫn lời các chuyên gia Mỹ nhận định việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng với tham vọng ngày càng lớn cùng sự phối hợp của công nghệ và năng lực dân - quân sự là mối đe dọa tiềm tàng đối với lợi ích và hoạt động của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ông Larry Wortzel - thành viên cấp cao tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ - cho biết: “Mỹ không thể xa rời mục tiêu duy trì vị thế ngang hàng hoặc dẫn đầu đối với Trung Quốc. Mỹ phải làm việc cùng các đồng minh nhằm đảm bảo khả năng đối phó những thách thức và mối đe dọa tiềm tàng từ các chương trình quân sự và quốc phòng của Trung Quốc”.

Xoay quanh việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng 

Trong khi vẫn còn nhiều điều về chi tiêu quân sự của Trung Quốc chưa sáng tỏ, con số ngân sách quốc phòng Trung Quốc đưa ra hôm 5-3 đã cho thấy các ưu tiên của Bắc Kinh đối với quân đội nước này.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trong khi chi tiêu tổng thể của chính quyền trung ương Trung Quốc đang trên đà giảm, mặc dù chỉ ở mức khiêm tốn 0,2%, song ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh lại tăng từ mức 5,1% năm 2020 lên 5,4% năm 2021, mức cao nhất trong những năm gần đây.

“Số liệu này khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục ưu tiên hiện đại hóa quân đội” – báo cáo của CSIS nhấn mạnh.

Ông Larry Wortzel - thành viên cấp cao tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ . Ảnh: AFP

Theo SCMP, nhiều chuyên gia khác cho rằng sự quyết đoán, tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc không chỉ tác động đến riêng Mỹ.

“Việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng và chi tiêu cho khoa học và công nghệ liên quan cần được các nhà hoạch định chính sách ở Washington, cũng như ở Nhật, Hàn Quốc, Úc và các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lưu ý” – Giáo sư Rockford Weitz tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts nói.

“Các khoản đầu tư cho quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng trong bối cảnh căng thẳng trên biển và trên không tại Biển Đông và biển Hoa Đông ngày càng phức tạp. Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ cần phải bắt kịp với những khoản đầu tư đó” – ông Weitz nói thêm.

Theo ông Weitz, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu tiên đội ngũ chuyên gia về công nghệ quân sự và cân nhắc những đề xuất của họ về các mục tiêu quân sự quốc gia, nhiều khả năng ngân sách quốc phòng sẽ được phân bổ cho các cơ sở như ĐH Khoa học và Công nghệ quân sự ở thành phố Nam Kinh hay các chương trình kỹ thuật và tên lửa hải quân.

“Trung Quốc đang tập trung phát triển vũ khí siêu thanh và có thể đi trước chúng ta. Bắc Kinh cũng đang triển khai rất tốt các chương trình phát triển phương tiện không người lái trên biển, mặt đất và trên không cũng như nghiên cứu về khả năng định hướng thông minh cho chúng. Trí tuệ nhân tạo và lượng tử sẽ góp phần vào điều này” - ông Weitz nói.

Báo cáo của CSIS cho biết Trung Quốc cũng đang bắt kịp Mỹ về khả năng chiến tranh thông thường, điều sẽ “làm tăng nguy cơ xung đột, bao gồm cả khả năng Trung Quốc tự tin và khiêu khích hơn trong việc đơn phương thay đổi hiện trạng thông qua đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Đáng chú ý, điều còn thiếu trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được công bố hôm 5-3 là các chi tiết về các ưu tiên chi tiêu cụ thể. 

Theo CSIS, các khoản này bao gồm chi tiêu cho cảnh sát vũ trang bán quân sự và lực lượng tuần duyên, các chương trình không gian và doanh thu từ các doanh nghiệp thương mại thuộc sở hữu của quân đội, quỹ huy động quốc phòng và bán đất, cũng như phụ cấp cho sinh viên đại học và chi phí vận hành căn cứ quân sự cấp tỉnh.

Mỹ cần tăng tốc?

SCMP dẫn lời Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, thành viên Ủy ban quân chủng thượng viện, đã kêu gọi Mỹ tăng cường chi tiêu quân sự, nói rằng trong khi Lầu Năm Góc giảm 400 tỉ USD “sức mua” kể từ năm 2011, quân đội Trung Quốc đã bổ sung thêm 200 tỉ USD.

Quân đội Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

“Loại hình đầu tư bền vững này đã giúp Trung Quốc vượt lên trước chúng ta về các công nghệ quan trọng. Nếu muốn đối phó Trung Quốc, Mỹ không chỉ cần phải làm việc với các đồng minh và đối tác, mà còn phải thực sự đầu tư vào các năng lực đổi mới và thế trận cấp tiến nhằm gửi đi một thông điệp răn đe mạnh mẽ" – ông Inhofe nói.

Ông Wortzel cho rằng một phần chi tiêu của Mỹ trong năm nay có khả năng phục vụ giảm thiểu tác động từ việc các sinh viên quân sự Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học Mỹ.

“Điều đó có nghĩa là quân đội Trung Quốc và các ngành công nghiệp quốc phòng nước này không thể sở hữu những công nghệ có được từ hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc gián điệp” - ông Wortzel nói.

“Điều này sẽ tước đi quyền tiếp cận của các ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của Trung Quốc đối với công nghệ quốc phòng hoặc công nghệ lưỡng dụng của Mỹ, cũng như một số chương trình liên danh hoặc đầu tư ở Mỹ” – ông Wortzel nói thêm.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra quan ngại về thực trạng công nghệ Mỹ bị chuyển giao cho quân đội Trung Quốc.

“Chúng ta phải phòng thủ tốt hơn, bao gồm việc đảm bảo rằng các công nghệ của Mỹ không tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng quân đội hoặc vi phạm nhân quyền. Sự phát triển nhanh chóng và trọng tâm hoạt động của quân đội Trung Quốc đặt ra thách thức an ninh lâu dài và đáng kể cho Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ” - một đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ  cho biết.

Theo SCMP, nhiều tổ chức khác nhau đã đưa ra các ước tính chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc. 

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ước tính rằng trong năm 2019, Bắc Kinh đã chi nhiều hơn gần 40% so với con số chính thức, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo rằng chi tiêu thực tế của Trung Quốc có thể vượt quá 200 tỉ USD.

“So với nhiều quốc gia, Trung Quốc kém minh bạch hơn nhiều về cách họ phân bổ chi tiêu quốc phòng. Tuy các ước tính khác nhau, song chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ” - CSIS cho biết.

Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Trung Quốc vượt xa các nước láng giềng và lớn hơn tổng chi tiêu của Ấn Độ, Nga, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan vào năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm