Biển Đông: Indonesia thúc Trung Quốc tôn trọng luật quốc tế

Hãng thông tấn Antara ngày 1-8 đưa tin lời thúc giục của Jakarta đối với Bắc Kinh về việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông được đưa ra tại cuộc họp song phương trực tuyến giữa Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Tại cuộc họp được tổ chức ngày 30-7, bà Marsudi nhấn mạnh, với vai trò là một bên ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Trung Quốc cần tuân thủ quy tắc ứng xử trong khi cố gắng giải quyết tranh chấp liên quan đến Biển Đông với các nước Đông Nam Á.

Hai ngoại trưởng của Trung Quốc và Indonesia trong cuộc họp trực tuyến. Ảnh: ANTARA

“Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) đã được nhiều nước gia nhập, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nghĩa vụ của những quốc gia đã gia nhập TAC là tuân thủ các nguyên tắc của nó” – bà Marsudi nói trong một cuộc họp báo.

Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh, đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết xung đột và nêu bật nguyên tắc nhất quán được Indonesia đề cao trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là tôn trọng luật pháp quốc tế.

Bà nhấn mạnh Indonesia tin rằng hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông chỉ có thể được duy trì nếu tất cả các quốc gia tôn trọng và thực thi tất cả các luật pháp quốc tế có liên quan, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

“Tôi mời gọi tất cả các bên tiếp tục ưu tiên hợp tác và phối hợp, thay vì cạnh tranh bất lợi” – bà nói.

Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Indonesia và Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông.

Bắc Kinh hồi tháng trước đã tiến hành nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông khiến nhiều nước lên tiếng phản đối. Gần đây nhất, tờ South China Morning Post đưa tin hôm 30-7, các máy bay ném bom Trung Quốc đã tiến hành tập trận với cường độ cao trên Biển Đông. Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi hai nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ tiến hành diễn tập trên vùng biển này.

Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng vào năm 2016 và cuối năm 2019, căng thẳng đã bùng lên giữa nước này và Trung Quốc sau khi hàng loạt tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia ở phía Nam Biển Đông.

Indonesia đã từ chối lời mời của Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai bên về cái mà Bắc Kinh gọi là “yêu sách về quyền lợi và lợi ích hàng hải chồng lấn ở vùng biển ngoài khơi Natuna”. Bắc Kinh tuyên bố quyền lịch sử và đánh bắt ở các vùng biển chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ) nhưng Jakarta đã bác bỏ điều này.

Tuần qua, Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia đã tổ chức một cuộc tập trận lớn ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna. Indonesia đang cân nhắc mua chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon đã qua sử dụng của Không quân Áo để ngăn Trung Quốc lấn chiếm ở Biển Đông, theo tờ Asia Times.

Đầu tháng 7, Mỹ ra tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Ngoại trưởng Mike Pompeo ngay sau đó khẳng định Mỹ sẵn sàng sát cánh với các nước bị Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền ở vùng biển chiến lược này.

Hôm 21-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Washington sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để ngăn cản các hành vi cưỡng ép nước nhỏ của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ biến vùng biển này thành “đế chế hàng hải” của Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm