Indonesia đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trang tin BenarNews cho hay.
Indonesia phản đối yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc
Ngày 26-5, Phái đoàn thường trực của Indonesia tại LHQ đã gửi một công hàm số 126/POL-703/V/20 lên Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres để phản đối một loạt công hàm có liên quan tới yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
Loạt tài liệu này bao gồm các công hàm của Bắc Kinh phản đối đơn yêu cầu xác định vùng thềm lục địa mở rộng (bao gồm vùng biển ở nam Biển Đông) của Malaysia, phản đối các tuyên bố chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và phản đối tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.
Đại sứ Dian Triansyah Djani (trước) - Trưởng Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: PHÁI ĐOÀN INDONESIA TẠI LHQ
Đầu tiên, Indonesia tái khẳng định nước này không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông.
Indonesia chỉ trích yêu sách "đường chín đoạn" phi pháp của Bắc Kinh và nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (ICJ) trong vụ Philippines kiện đòi bác bỏ yêu sách trên.
"Indonesia nhắc lại rằng bản đồ đường chín đoạn gián tiếp thể hiện yêu sách quyền lịch sử (của Trung Quốc - PV) thiếu cơ sở pháp lý quốc tế một cách rõ ràng, đồng nghĩa với việc đi ngược (Công ước của LHQ về Luật biển) UNCLOS 1982".
Lập trường này của Jakarta "cũng được khẳng định trong phán quyết của ICJ ngày 12-7-2016 rằng bất kỳ quyền lịch sử nào mà Trung Quốc có thể có đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật đều đã bị bác bỏ bằng các giới hạn vùng biển được quy định trong UNCLOS 1982" - công hàm viết.
Công hàm nêu rõ: "Là một quốc gia tham gia UNCLOS 1982, Indonesia luôn kêu gọi tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982".
Chuyên gia: Đây là hành động đột phá của Indonesia
Nội dung công hàm ngày 26-5 đã nhắc lại quan điểm của Jakarta nêu trong công hàm số 480/POL-703/VII/10 ngày 8-7-2010 của Phái đoàn thường trực của Indonesia tại LHQ phản đối bản đồ "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế. Ảnh: CSIS
Ông Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho rằng đây là hành động đột phá của Indonesia.
Ông lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Indonesia đã "vượt qua nỗi sợ chính trị" trước Bắc Kinh để viện dẫn cụ thể phán quyết của ICJ trong một công hàm.
Theo ông Poling, trong "bốn năm qua" Jakarta luôn dè dặt và tránh nhắc đến phán quyết này trong các phát ngôn phản đối Trung Quốc.
Ông Poling đánh giá chính phủ Philippines sẽ rất mong chờ Indonesia tiếp tục tuyên bố thẳng thắn như vậy và sự ủng hộ của Jakarta có thể "một phần quan trọng trong việc hình thành một liên minh" giữa các quốc gia Đông Nam Á để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.