Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đang xem xét khả năng mua chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon đã qua sử dụng của Áo nhằm tăng cường kiểm soát hành vi xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển thuộc chủ quyền Indonesia trên Biển Đông.
Chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon của Không quân Áo. Ảnh: ASIA TIMES
Tờ Asia Times ngày 28-7 đưa tin giá cả dường như là lý do chính khiến cựu tướng quân đội quan tâm đến việc mua 15 chiếc Typhoon hai động cơ, vốn được Áo mua vào năm 2002 trong bối cảnh tranh cãi kéo dài về hiệu quả chi phí và cáo buộc tham nhũng.
Nước châu Á đầu tiên sở hữu Eurofighter Typhoon
Tuy nhiên, không giống như những người tiền nhiệm của mình, ông Prabowo có cái nhìn chiến lược hơn về những thiết bị mà Indonesia cần để tăng cường sức mạnh không quân tiền tuyến, cũng như bổ sung thêm tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cho Hải quân Indonesia trước những thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Được chuyển đến Sumatra vào năm 2014 để rút ngắn phạm vi triển khai tác chiến, các chiến đấu cơ của Không quân Indonesia gần đây đã tham gia một số cuộc diễn tập hải quân lớn nhất của Indonesia trong nhiều năm ở phía Tây biển Java và vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Cách đây ba năm, Bộ Quốc phòng Áo cho biết đã lên kế hoạch thay chiến đấu cơ của lực lượng không quân vào năm 2020. Khi đó, cơ quan này nói rằng việc tiếp tục sử dụng các chiến đấu cơ Typhoon trong vòng đời 30 năm của chúng sẽ tiêu tốn 5 tỉ USD, phần lớn dành cho việc bảo dưỡng.
Các chiến đấu cơ Typhoon sẽ bổ sung một lực lượng hậu cần thứ ba cho Không quân Indonesia, vốn đang có một phi đội tiền tuyến gồm 16 chiến đấu cơ Su-27/30 đa chức năng do Nga sản xuất và ba phi đội Lockheed Martin F-16 do Mỹ sản xuất. Những chiến đấu cơ này gần đây đã được sử dụng cho các cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông.
Việc trang bị thêm một phi đội Sukhoi tiên tiến dường như không còn khả thi do lo ngại các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với việc mua máy bay và tên lửa Nga liên quan đến cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016.
Ông Prabowo đã tiếp cận Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner về đề xuất mua số chiến đấu cơ nói trên. Nếu việc mua bán diễn ra suôn sẻ, dự kiến những chiếc Typhoon sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn Tranche 3A để đảm nhận cả vai trò phòng không và tấn công mặt đất.
Indonesia sẽ là quốc gia châu Á đầu tiên vận hành chiến đấu cơ Typhoon. Hơn 500 máy bay hiện đang phục vụ với chín lực lượng không quân ở châu Âu và Trung Đông. Đơn giá của một chiếc Typhoon mới là 100 triệu USD.
Từ chối đàm phán song phương với Trung Quốc
Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng vào năm 2016 và cuối năm 2019, căng thẳng đã bùng lên giữa nước này và Trung Quốc sau khi hàng loạt tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia ở phía Nam Biển Đông.
Indonesia đã từ chối lời mời của Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai bên về cái mà Bắc Kinh gọi là “yêu sách về quyền lợi và lợi ích hàng hải chồng lấn ở vùng biển ngoài khơi Natuna”.
Bắc Kinh tuyên bố quyền lịch sử và đánh bắt ở các vùng biển chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ) nhưng Jakarta đã bác bỏ điều này, theo trang tin Benar News.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto trong một chuyến thăm căn cứ không quân ở Natuna. Ảnh: ASIA TIMES
Tuần qua, Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia đã tổ chức một cuộc tập trận lớn ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna.
Đầu tháng này, Mỹ ra tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Ngoại trưởng Mike Pompeo ngay sau đó khẳng định Mỹ sẵn sàng sát cánh với các nước bị Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền ở vùng biển này.
Hôm 21-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Washington sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để ngăn cản các hành vi cưỡng ép nước nhỏ của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ biến vùng biển này thành “đế chế hàng hải” của Bắc Kinh.
Ông Subianto, người được dự đoán sẽ nỗ lực tranh cử tổng thống Indonesia lần hai vào năm 2024, có mối quan hệ thân ái với Bộ trưởng Esper, người mà ông đã gặp tại một hội nghị an ninh khu vực ở Bangkok (Thái Lan) hồi năm ngoái.
Chủ nhân Lầu Năm Góc gần đây cho biết ông đã lên kế hoạch thăm Jakarta, một động thái có thể một kích hoạt chuyến thăm “đáp lễ” của người đồng cấp Indonesia.