Hãng tin Reuters ngày 28-11 cho biết biến thể Omicron đang tiếp tục lây lan nhanh khắp thế giới với các ca nhiễm mới được phát hiện ở nhiều nước châu Âu, lan tới cả châu Mỹ, Úc... Thực tế này cho thấy ngay cả khi nhiều quốc gia đã áp dụng quy định hạn chế đi lại đối với các nước ở châu Phi vẫn không ngăn chặn được sự lây lan của biến thể Omicron.
Châu Âu: Thêm Hà Lan, Đan Mạch, Pháp nghi nhiễm
Ngày 28-11, Cơ quan y tế Hà Lan cho biết đã phát hiện 13 trường hợp nhiễm COVID-19 mang biến thể Omicron trong số hành khách nhập cảnh trở về từ Nam Phi ngày 27-11.
Hơn 600 hành khách trên hai chuyến bay được kiểm tra và có 61 trường hợp nhiễm COVID-19. Hiện Hà Lan đang tiến hành kiểm tra kỹ hơn những trường hợp này.
"Không ngoại trừ khả năng Hà Lan sẽ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm nữa. Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm” - Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Rotterdam.
Cơ quan y tế Hà Lan cũng đang tìm cách liên lạc và xét nghiệm khoảng 5.000 hành khách khác từ Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe nhập cảnh kể từ hôm 22-11.
Cùng ngày 28-11 Đan Mạch cũng cho biết đã phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Omicron, là du khách đến từ Nam Phi.
Bộ Y tế Pháp hôm 28-11 cho biết đã phát hiện tám trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron.
Người dân cẩn trọng di chuyển bên trong sân bay Schiphol sau khi cơ quan y tế Hà Lan cho biết 61 người đến Amsterdam trên chuyến bay từ Nam Phi có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể mới. Ảnh: REUTERS
Châu Mỹ gọi tên Canada
Hôm 28-11, Canada cho biết họ đã phát hiện hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron, là hai công dân đã đi du lịch đến Nigeria gần đây.
Các quan chức liên bang và tỉnh Ontario cho biết cả hai bệnh nhân đều được cách ly trong khi các cơ quan y tế công cộng theo dõi những ai đã tiếp xúc với hai người này.
Úc: Sydney có 2 ca
Các nhà chức trách Úc cho biết hai du khách đến Sydney từ châu Phi đã trở thành những người đầu tiên ở nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron. Những khách đến từ các quốc gia châu Phi hiện được yêu cầu cách ly trong khách sạn khi đến.
Lực lượng cảnh sát tuần tra tại trung tâm thành phố Sydney, Úc, ngày 19-11. Ảnh: REUTERS
Botswana thêm 15 ca
Ngày 28-11, Bộ trưởng Y tế Botswana - ông Edwin Dikoloti cho biết nước này đã phát hiện thêm 15 trường hợp mắc biến thể Omicron, bổ sung vào bốn trường hợp được xác nhận trước đó hôm 27-11.
Botswana nằm trong số 11 quốc gia châu Phi bị các nước khác trên thế giới áp đặt lệnh hạn chế hoặc cấm đi lại sau khi ghi nhận những ca nhiễm biến thể mới đầu tiên. Động thái này đã bị Nam Phi và Botswana lên án.
“Chúng tôi rất lo ngại trước việc nơi biến thể mới được phát hiện bị cho là xuất xứ của nó. Bốn ca nhiễm đầu tiên đều có lịch sử du lịch từ nơi khác về cho thấy biến thể này không có nguồn gốc từ Botswana” - ông Dikoloti nhấn mạnh.
Ông cũng bày tỏ sự lo lắng rằng đất nước của ông thậm chí sẽ rơi vào tình trạng thiếu vaccine để tiêm cho công dân trước những hạn chế đi lại mới này có thể ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển.
Du khách rời khỏi khu vực xét nghiệm COVID-19 tại Sân bay Quốc tế Ben Gurion khi Israel áp đặt các hạn chế mới hôm 28-11. Ảnh: REUTERS
Nam Phi: Bác sĩ nói người mắc biến thể Omicron chỉ bị rất nhẹ
Một bác sĩ ở Nam Phi cho hay những bệnh nhân nhiễm COVID-19 mang biến thể Omicron cho đến nay có triệu chứng rất nhẹ và có thể được điều trị tại nhà.
Tiến sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, nói rằng không giống như biến thể Delta, các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron không bị mất khứu giác hoặc vị giác và không có sự sụt giảm nghiêm trọng về nồng độ oxy.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Omicron là một biến chủng "đáng lo ngại" vào tuần trước. Hiện biến thể này đã được phát hiện ở Úc, Bỉ, Botswana, Anh, Đan Mạch, Đức, Hong Kong, Israel, Ý, Hà Lan và Nam Phi.
WHO cho biết vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây nhiễm nhanh hơn các biến thể khác hoặc có thể dẫn đến các triệu chứng nặng hơn hay không.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra báo động toàn cầu khi các chính phủ trên khắp thế giới áp đặt lệnh hạn chế đi lại với các quốc gia ở châu Phi để cố gắng ngăn chặn sự lây lan.