Cải cách chính trị Trung Quốc vào bước ngoặt

Tại cuộc họp báo dài 3 tiếng với các phóng viên trong và ngoài nước tại Đại lễ đường nhân dân ở quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) ngày 14-3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi khẩn cấp phải cải cách chính trị. Ông khẳng định nếu không cải cách chính trị, cải cách kinh tế sẽ không thành công và cải cách chính trị trước tiên phải nhắm vào hệ thống cầm quyền của đảng và nhà nước.

Ủng hộ dân làng Ô Khảm

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh hai vấn đề xã hội then chốt cần giải quyết là tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và tham nhũng.

Hãng tin AFP cho biết trong họp báo, trả lời câu hỏi về dân làng Ô Khảm, thị trấn Đông Hải, TP Lục Phong (tỉnh Quảng Đông) đi bầu chủ nhiệm ủy ban thôn sau khi biểu tình tố cáo cán bộ tham nhũng, ông Ôn Gia Bảo nhận xét: “Nếu nhân dân có khả năng làm chủ một thôn thì cũng có thể làm chủ một xã, một huyện, vậy chúng ta phải khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện táo bạo con đường này”.

Cây bút bình luận chính trị Dmitri Kosyrev của hãng tin RIA Novosti (Nga) nhận định ai không theo dõi diễn biến chính trị Trung Quốc trong 10 năm nay hẳn ngạc nhiên với thông điệp cải cách chính trị của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Thực ra, nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã từng đề cập đến vấn đề cải cách chính trị.

Trong thập niên qua, dưới thời lãnh đạo của Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ, cải cách vẫn tiếp diễn, chỉ khác là lần này như phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, cải cách vừa bước vào giai đoạn quyết định. Theo Dmitri Kosyrev, trong phát biểu của ông Ôn Gia Bảo, các từ “công bằng xã hội” (hay “bất bình đẳng thu nhập”) có lẽ là các từ ngữ then chốt nhất.

Cải cách chính trị Trung Quốc vào bước ngoặt ảnh 1

Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại cuộc họp báo ở Đại lễ đường nhân dân ngày 14-3. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Như báoLe Figaro (Pháp) ghi nhận, nhiều năm nay ông Ôn Gia Bảo đã nói phải cải cách chính trị, tuy nhiên hiện nay vấn đề này có trọng lượng hơn bởi ông phát biểu trong bối cảnh long trọng và vào lúc ông chuẩn bị hoàn tất 10 năm làm thủ tướng.

Theo báoChristian Science Monitor (Mỹ), lý do để Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi cấp thiết cải cách chính trị bởi 30 năm qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không đồng đều.

Báo Telegraph (Anh) cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ cải cách đang bước vào thời điểm bước ngoặt, do đó phải cải cách chính trị để cải cách kinh tế, tái cân bằng kinh tế để ít phụ thuộc hơn vào đầu tư (bất động sản và hạ tầng), thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết căng thẳng xã hội, khủng hoảng môi trường và dân số.

Chính trị đi đôi với giàu có

Theo báo Telegraph, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức sâu sắc rằng ngày càng có nhiều người dân mất niềm tin vào hệ thống chính trị Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và hiện tượng khó làm ngơ là chính trị đi đôi với giàu có.

Dù vậy, báo Telegraph nghi ngờ Trung Quốc đạt được mục tiêu cải cách chính trị như lời kêu gọi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo vì trong thực tế có rất nhiều cán bộ lãnh đạo giàu lên nhờ quyền lực, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Theo báo, với đối tượng này, bất kỳ cải cách nào cũng mang lại rủi ro.

Báo ghi nhận hy vọng cải cách chính trị đã xuất hiện ở Trung Quốc cách đây một thập niên khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo mới nhậm chức nhưng đến nay không có thay đổi nào thực sự.

BáoNew York Times (Mỹ) khẳng định đó là thông điệp gửi đến thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc. Hãng tin Reuters (Mỹ) cho rằng lời kêu gọi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể xem như động lực để dàn lãnh đạo mới thực hiện và sẽ không có thay đổi lớn nào về chính trị trước thời điểm ông Ôn Gia Bảo và ông Hồ Cẩm Đào rời chức vụ.

BáoLe Figaro cũng như báo chí quốc tế ghi nhận, lần này ông Ôn Gia Bảo kêu gọi nhưng cũng không giải thích cụ thể vấn đề cải cách chính trị tương tự như những lần kêu gọi trước.

Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cam kết trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ thủ tướng, chính phủ do ông đứng đầu sẽ:

- Soạn thảo kế hoạch tổng thể về cải cách hệ thống phân phối thu nhập.

- Chuẩn bị và thực hiện quy định về bồi thường liên quan đến tịch thu đất tập thể ở nông thôn.

- Bảo đảm thực hiện chế độ bảo hiểm nhân thọ ở thành thị cũng như nông thôn.

- Nỗ lực thực hiện mục tiêu dành 4% GDP cho ngân sách giáo dục và sử dụng tốt ngân sách này.

Trong bài viết dưới nhan đề Đa số ý kiến công luận kêu gọi cải cách sâu hơn, báo Thời Báo Hoàn cầu (Trung Quốc) đã nêu kết quả thăm dò ý kiến 1.010 người như sau:

- 80,9% số người được hỏi đánh giá các chính sách cải cách thành công, tuy nhiên 93,9% kêu gọi cần phải cải cách sâu về chính trị, kinh tế, xã hội.

- 2,5% cho rằng các nhóm lợi ích là trở ngại chính cho công cuộc cải cách, đặc biệt là những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước.

- 79% ủng hộ cải cách theo từng giai đoạn.

- 29% bác bỏ mô hình dân chủ kiểu phương Tây, 63,6% chán ghét ý tưởng này, 47,9% không phản đối nhưng nhận định ý tưởng này không thực tế và 15,7% ủng hộ. 

ĐĂNG KHOA - HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm