Về chính biến Myanmar, bên cạnh các diễn biến khủng hoảng chính trị nước này, phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng rất được quan tâm, đặc biệt từ Mỹ và Trung Quốc (TQ). Ngoài giải mã các phản ứng từ Mỹ và TQ với Myanmar, các nhà quan sát cũng đưa ra nhận định về tác động mà cuộc chính biến Myanmar mang lại với thế so kè ảnh hưởng của Mỹ và TQ ở khu vực.
Mỹ gặp khó
Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích cho rằng bất ổn chính trị ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính quyền dân sự còn non trẻ của Myanmar sẽ là một phép thử với chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Không giống chính phủ tiền nhiệm vốn ít có phản ứng về các diễn biến liên quan vấn đề dân chủ ở Malaysia hay Thái Lan thời gian qua, chính phủ Tổng thống Joe Biden đã phản ứng rất nhanh trước sự việc xảy ra ở Myanmar. Chính biến xảy ra ở Myanmar vào đầu giờ sáng 1-2 châu Á, tức tối 31-1 ở Washington và Mỹ là nước đầu tiên lên tiếng. Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều tuyên bố “quan ngại và báo động nghiêm trọng” trước sự việc, yêu cầu quân đội Myanmar thả ngay cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự.
Tiêu điểm Chính biến ở Myanmar là một khủng hoảng sớm với chính quyền ông Biden và thật sự làm nổi bật sự trái ngược giữa hai giá trị Mỹ và TQ ủng hộ, hãng tin AP dẫn lời ông Danny Russel, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương và hiện là phó chủ tịch chương trình Ngoại giao và an ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách xã hội châu Á. |
Sang ngày 1-2, Tổng thống Biden ra tuyên bố gọi chính biến ở Myanmar là “cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ và pháp quyền” ở nước này. Chẳng những cảnh báo tái áp đặt trừng phạt lên Myanmar, ông Biden còn kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng gây áp lực buộc quân đội Myanmar đảo ngược bước đi. Theo các nhà phân tích, chính phủ ông Biden sẽ còn có nhiều động thái hơn nữa với Myanmar.
Tuy thế, theo chuyên gia Murray Hiebert chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (ISCS, Mỹ), chuyện trừng phạt Myanmar không dễ. Với thực tế các quan chức quân đội hàng đầu của Myanmar, trong đó có Tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tướng Mint Aung Hlaing - đều đã ở trong danh sách trừng phạt của Mỹ thì không biết thời gian tới Washington sẽ còn đi bước cụ thể nào. Thêm nữa, việc thiết kế trừng phạt sao cho không làm tổn thương phần đông dân chúng Myanmar không đơn giản với ông Biden.
Xe chở quân cảnh trên đường phố Yangon (Myanmar) sau cuộc chính biến ngày 1-2. Ảnh: EPA
Một cách nhìn khác, hãng tin Bloomberg cho rằng đây là “phép thử sớm” để xem ông Biden làm thế nào thúc đẩy các giá trị Mỹ ở “sân sau” của TQ. Theo chuyên gia về chính trị quốc tế Sebastian Strangio, dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã thua ở các mặt trận dân chủ tại Malaysia, Thái Lan. Chính biến ở Myanmar là một sự thất thế nữa của Mỹ trong việc huy động các nền dân chủ ở châu Á hợp tác đối phó TQ và ủng hộ một khu vực “tự do và rộng mở”.
Ý thức được độ nghiêm trọng cuộc chính biến ở Myanmar, Nhà Trắng cảnh báo rằng tuyên bố rắn của Tổng thống Biden cũng là nhắm đến tất cả các nước trong khu vực.
Trung Quốc quan sát
TQ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Myanmar. Đến cuối năm 2020, TQ là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Myanmar (sau Singapore) với 21,5 tỉ USD. Thương mại với TQ chiếm tới 1/3 tổng giá trị thương mại của Myanmar, lớn gấp 10 lần so với Mỹ. Tháng 1-2020, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình từng thăm Myanmar, chứng kiến lễ ký 33 thỏa thuận, đầu tư cơ sở hạ tầng trong dự án Hành lang kinh tế TQ-Myanmar, thuộc Sáng kiến vành đai và con đường.
Có thể thấy điều lợi ích của TQ ở Myanmar rất lớn. Một nguồn tin quân sự TQ nói với SCMP rằng chính biến ở Myanmar đặt TQ vào thế khó vì nước này có quan hệ thân thiết với cả liên minh chính trị do bà Suu Kyi dẫn đầu và cả với quân đội Myanmar. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã gặp bà Suu Kyi và gặp cả tướng Mint Aung Hlaing khi sang Myanmar đầu năm nay.
Trước mắt, ngày 1-2, Bộ Ngoại giao TQ nói đã biết về chuyện xảy ra ở Myanmar và đang tìm hiểu thêm thông tin về tình hình, kêu gọi tất cả các bên Myanmar “giải quyết những khác biệt theo khuôn khổ hiến pháp và luật pháp để bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội”. SCMP dẫn ý kiến một nhà quan sát rằng “lúc này TQ chỉ có thể quan sát tình hình, sẽ không làm bất cứ điều gì”. Nhà phân tích cấp cao Dereck Aw tại công ty tư vấn kiểm soát rủi ro (Singapore) cho rằng Bắc Kinh sẽ theo dõi các dấu hiệu có thể dẫn tới biểu tình lớn ở Myanmar, vì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến TQ - nước đầu tư rất nhiều ở Myanmar.
Một điều nữa, theo ông Aw, so với quân đội thì chính phủ dân sự “có thể là một đối tác dễ đoán hơn” với TQ. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Peng Nian tại Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông (TQ), về ngắn hạn cuộc chính biến Myanmar sẽ không có hậu quả nghiêm trọng với Sáng kiến vành đai và con đường vì nhiều dự án thuộc sáng kiến này vốn đã bị ngưng vì đại dịch COVID-19, theo nguồn tin quân đội TQ. Theo ông Peng, thậm chí nếu quân đội nắm quyền và lập chính phủ mới thì chính phủ này sẽ tiếp tục các dự án vành đai-con đường, vì họ sẽ vẫn cần sự hỗ trợ kinh tế, chính trị và ngoại giao từ TQ. Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng TQ có thể chờ và xem với dự đoán tình hình sẽ ổn định hơn về dài hạn. Tuy nhiên, TQ sẽ phải cẩn trọng để không làm người ủng hộ bà Suu Kyi xa lánh, theo Bloomberg.•
Theo PGS Nehginpao Kipgen, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trường Các vấn đề quốc tế Jindal (Ấn Độ), cuộc chính biến này cũng có nghĩa tướng Min Aung hlaing khả năng sẽ không về hưu vào tháng 7 như dự kiến. Cũng có khả năng khác là quân đội và đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ đạt thỏa thuận để ủy ban bầu cử điều tra các cáo buộc gian lận. Theo ông Kipgen, khả năng sẽ có biểu tình lớn ở Myanmar nếu người dân không tin là quân đội sẽ giữ lời hứa tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự được bầu một cách dân chủ, sau khi thời hạn một năm tình trạng khẩn cấp kết thúc. Phản ứng của người dân một phần lớn cũng sẽ tùy vào điều bà Suu Kyi kêu gọi người ủng hộ làm gì. Trước mắt, ngày 1-2, bà Suu Kyi đã kêu gọi người dân biểu tình phản đối hành động của quân đội. Ông Kipgen đặc biệt lo ngại nguy cơ xảy ra bạo lực chết người ở Myanmar, vì theo ông, “lịch sử cho chúng ta thấy quân đội khả năng sẽ không bỏ qua cho hoạt động biểu tình quy mô lớn và sẽ không chần chừ đáp trả bằng vũ lực”. Bên cạnh đó, ông Kipgen dự đoán thời gian tới, quân đội sẽ bãi bỏ hoặc sửa đổi hiến pháp, đặc biệt những điều khoản liên quan đến bầu cử, trong đó có thẩm quyền của tổng thống trong việc bổ nhiệm các thành viên Ủy ban Liên đoàn bầu cử cũng như quy định quyền hạn của ủy ban này. |