Giữa căng thẳng tại Myanmar, hôm 1-2, Brunei - nước Chủ tịch ASEAN 2021 đã kêu gọi đối thoại, hòa giải giữa các bên, kênh Channel News Asia đưa tin.
ASEAN đã lên tiếng sau khi lực lượng quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác, tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và bổ nhiệm một vị tướng lên nắm quyền tổng thống.
Trong thông cáo của nước Chủ tịch ASEAN, Brunei nói rằng ASEAN “khuyến khích theo đuổi đối thoại, hòa giải và khuyến khích việc trở lại tình trạng bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar”.
Bên cạnh đó, nước Chủ tịch ASEAN cũng cho biết các quốc gia thành viên đã theo sát tình hình ở Myanmar và cùng kêu gọi Myanmar thực hiện các mục đích và nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN.
Nước Chủ tịch ASEAN nhấn mạnh rằng “sự ổn định chính trị ở các quốc gia Thành viên ASEAN là điều cần thiết để xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng."
Brunei tổ chức cuộc họp ASEAN đầu tiên trong năm 2021. Ảnh: THE SCOOP
Trước đó, các nước Đông Nam Á cũng đã lên tiếng về tình hình ở Myanmar.
Bộ Ngoại giao Indonesia kêu gọi Myanmar tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương ASEAN, bao gồm việc tuân thủ luật quốc tế, các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến. Đồng thời, Indonesia kêu gọi các bên kiềm chế và tiến hành đối thoại.
Phía Malaysia nói rằng các bên ở Myanmar nên giải quyết mọi vấn đề bầu cử một cách hòa bình và ủng hộ đối thoại giữa các bên để tránh những hậu quả cho người dân và nhà nước Myanmar, đặc biệt là trong tình hình đại dịch COVID-19.
Bộ Ngoại giao Singapore hôm 1-2 cũng bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về tình hình ở Myanmar và cho biết họ đang theo dõi sát sao tình hình ở đây. Bên cạnh đó, Singapore cũng hy vọng các bên sẽ kiềm chế, duy trì đối thoại và tình hình sẽ trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng cuộc chính biến là "công việc nội bộ" của Myanmar và từ chối bình luận thêm.
Cùng quan điểm với Campuchia còn có Philippines, Thái Lan.