Từ ngày 1-9, luật an toàn hàng hải mới của Trung Quốc (TQ) chính thức có hiệu lực.
Động thái này được cho là sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng đối với việc qua lại của tàu thuyền và các hoạt động thương mại và quân sự ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan đang tranh chấp. Đồng thời, nó có khả năng làm leo thang căng thẳng hiện có của TQ với Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực, theo tờ The Indian Express.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận hải quân được tổ chức ở Biển Đông vào tháng 4-2018. Ảnh: WEIBO
Nội dung luật mới
Theo luật mới, các tàu nước ngoài, kể cả tàu quân sự và tàu thương mại khi đi vào "lãnh hải" của TQ - một khái niệm mơ hồ do nước này tự ý đặt ra, đều phải tuân theo sự giám sát của Bắc Kinh.
Tờ Thời báo Hoàn cầu - một trong những cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản TQ dẫn lời Cơ quan An toàn Hàng hải nước này cho biết "các nhà điều hành tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu rời, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác được yêu cầu báo cáo thông tin chi tiết khi muốn tiến vào lãnh hải TQ".
Báo cáo tiếp tục bổ sung rằng các tàu "gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của TQ" cũng phải báo cáo tên, biển báo, vị trí hiện tại, tên cảng sẽ đến cũng như thời gian cập cảng. Tên của hàng hóa nguy hiểm trên tàu và trọng lượng hàng hóa cũng phải được khai báo.
"Mơ hồ có chủ đích"
Ngày 6-9 - năm ngày kể từ khi áp dụng luật mới, Bắc Kinh vẫn mơ hồ về khu vực mà nước này sẽ áp dụng luật mới.
Nhà nghiên cứu luật quốc tế Aristyo Rizka Darmawan của Đại học Indonesia nói "sự mơ hồ như vậy có thể là do cố ý" nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền của mình, theo trang tin news.com.au.
Thông qua yêu sách "đường chín đoạn", TQ ngang nhiên tuyên bố phần lớn Biển Đông đều thuộc chủ quyền của mình. Đồng thời, Bắc Kinh cũng bổ sung đảo Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật ở biển Hoa Đông vào "giỏ" của mình.
"Vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ tìm cách thực thi các quy định mới của mình ở đâu và phần còn lại của cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào" - ông Darmawan nói.
"Điều quan trọng nhất là TQ phải đảm bảo quyền đi lại vô hại và không gây thêm căng thẳng trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông" - ông nhấn mạnh.
Tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông
Tiến sĩ Monika Chansoria - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Các vấn đề Quốc tế của Nhật Bản (JIIA) và chuyên gia về an ninh châu Á đương đại và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gọi đây là sự tiếp nối của một loạt động thái làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông từ năm 2020.
Đề cập luật hải cảnh được đưa ra hồi tháng 2, trong đó cho phép Cảnh sát biển TQ tấn công tàu nước ngoài và phá hủy các công trình kinh tế ở các khu vực tranh chấp, Tiến sĩ Chansoria cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này hiện là một "tổ chức bán quân sự trực thuộc quân đội TQ".
"Tất cả những tuyên bố này đều rất đáng báo động, vì chúng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm, có thể đe dọa sự ổn định và an ninh tổng thể ở Biển Đông, biển Hoa Đông và qua eo biển Đài Loan" - Tiến sĩ Chansoria nói với The Indian Express trong một cuộc phỏng vấn qua email.
Biển Đông - nằm giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia có tầm quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Gần một phần ba lượng hàng hóa vận chuyển của thế giới đi qua khu vực. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động đánh bắt quan trọng.
Đây cũng là một tuyến đường quan trọng đối với Ấn Độ, cả về mặt quân sự và thương mại. Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong kết nối thương mại của Ấn Độ với Nhật, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, đồng thời hỗ trợ việc mua bán hiệu quả các nguồn năng lượng.
Các vùng biển xung quanh TQ đang bị tranh chấp gay gắt. Với bản đồ "đường chín đoạn", Bắc Kinh tuyên bố phần lớn Biển Đông là một phần thuộc chủ quyền của mình. Yêu sách này đã bị các nước láng giềng trong khu vực phản đối mạnh mẽ.
Mỹ dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng ủng hộ các quốc gia nhỏ hơn chống lại sự bành trướng của TQ.
Tại một cuộc họp của Liên Hợp Quốc về an ninh hàng hải, Mỹ nói rằng họ đã thấy được "các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải trái pháp luật" của TQ.
"Phần nổi của tảng băng trôi" và lỗ hổng trong luật mới của TQ
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc đưa luật an toàn hàng hải vào áp dụng không cản trở được các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực.
Trong khi nhiều quân đội trực tiếp thách thức Bắc Kinh bằng cách gửi tàu chiến đến Biển Đông, một số lực lượng khác lại chọn cách cử tàu ngầm đến vùng biển giàu tài nguyên, theo news.com.au.
Tất nhiên họ không cho Bắc Kinh biết chính xác vị trí các tàu ngầm này, cũng như việc chúng chạy bằng năng lượng gì hay chúng có được trang bị vũ khí hạt nhân hay không.
Chính vì thế, những hoạt động trên mặt biển có thể chỉ là phần nổi của băng trôi.
Đầu năm nay, Pháp tiết lộ tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân SNA Emeraude của họ đã đi qua Biển Đông, nhưng không cho biết vị trí chính xác.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly, cuộc tuần tra bất thường này là "một bằng chứng nổi bật về năng lực của Hải quân Pháp trong việc triển khai ở xa và trong thời gian dài cùng với các đối tác chiến lược như Úc, Mỹ và Nhật".
Kể từ đó, Mỹ đã gửi cả ba tàu ngầm tiên tiến nhất của mình - do USS Seawolf dẫn đầu - vào Thái Bình Dương. Nó vượt xa các cuộc tuần tra thông thường của các tàu ngầm lớp USS Los Angeles và Virginia.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân HMS Artful của Vương quốc Anh cũng đã có mặt tại khu vực trong những tuần gần đây. Nó đã hỗ trợ việc di chuyển của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth.
Úc, Nhật, Đài Loan, Indonesia, Singapore và Hàn Quốc chỉ là một trong số những nước đang vận hành tàu ngầm ở khu vực.