Công nhận hộ chiếu vaccine của nhau, rất cần thiết

Trong bối cảnh các nước đang lần lượt mở cửa trở lại sau đại dịch, nhiều chuyên gia y tế cho rằng hộ chiếu vaccine - cụm từ dùng để chỉ tình trạng tiêm ngừa COVID-19 của một người - là cách rõ ràng nhất để không làm gián đoạn tiến trình này cũng như hỗ trợ việc mở cửa diễn ra nhanh hơn.

Các bài viết về chủ đề này sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau như hộ chiếu vaccine, thẻ thông hành COVID-19. Cần phân biệt hộ chiếu vaccine là tài liệu hoặc ứng dụng chỉ hiển thị bằng chứng về tình trạng tiêm chủng, còn thẻ thông hành COVID-19 là tài liệu hoặc ứng dụng hiển thị bằng chứng một người hoặc có nguy cơ thấp với COVID-19 hơn dựa trên hồ sơ tiêm chủng của họ, hoặc xét nghiệm PCR âm tính gần đây, hoặc xét nghiệm kháng thể dương tính (cho thấy họ đã bị nhiễm COVID-19 trước đây và có một mức độ miễn dịch).

Hộ chiếu vaccine giúp đảm bảo tự do đi lại của người dân nhiều nước.
Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Ngày càng nhiều nước công nhận hộ chiếu vaccine của nhau

Từ cuối tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đồng ý chấp nhận hộ chiếu vaccine của công dân hai bên. Ngoài ra, EU cũng chấp nhận hộ chiếu vaccine của công dân 16 nước và vùng lãnh thổ ngoài khối như Na Uy, Thụy Sĩ, Israel, Iceland, Morocco, Panama, New Zealand. Ngược lại, New Zealand cũng chấp nhận dân EU có hộ chiếu vaccine.

Người có hộ chiếu vaccine của Úc được đi lại tự do ở phần lớn các nước châu Âu. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước châu Âu - Pháp, Ý, Hy Lạp, Bỉ, Áo, Hà Lan - chưa chấp nhận hộ chiếu vaccine của Úc.

Theo hãng tin Reuters, ngày 25-11, Ủy ban EU có động thái đề xuất mở rộng việc công nhận hộ chiếu vaccine. Cụ thể, Ủy ban EU đề nghị chính quyền các nước trong khối cho phép người của các nước ngoài khối đã tiêm chủng các loại vaccine mà WHO cấp phép khẩn cấp hay EU công nhận được nhập cảnh. EU tới thời điểm này công nhận các loại vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca (sản xuất tại châu Âu). Các loại vaccine được WHO cấp phép khẩn cấp ngoài bốn loại trên còn có của Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc), Bharat Biotech (Ấn Độ) và AstraZeneca sản xuất tại Ấn Độ nhưng chưa được EU công nhận.

Úc và Singapore từ đầu tháng 11 bỏ quy định cách ly với người từ nước này sang nước kia khi họ có hộ chiếu vaccine. Úc đang thuyết phục Indonesia đồng ý cho dân Úc có hộ chiếu vaccine được du lịch sang đảo Bali. Trước đó Úc đã mở cửa và bỏ quy định cách ly với dân New Zealand có hộ chiếu vaccine. Đảo Phuket (Thái Lan) từ đầu tháng 7 nhận du khách từ các nước dịch nhẹ và đã được tiêm ngừa đầy đủ.

Với một số nước khác thì hộ chiếu vaccine là chưa đủ mà phải là thẻ thông hành COVID-19. Chẳng hạn người nước ngoài muốn vào Mỹ phải có thẻ thông hành COVID-19 (hộ chiếu vaccine và giấy xét nghiệm âm tính). Người từ các nước dịch nặng nếu muốn vào Morocco phải có thẻ thông hành COVID-19 để được miễn cách ly, còn chưa được tiêm ngừa thì phải chịu cách ly 10 ngày.

Cần đẩy nhanh hơn

Việc công nhận nhanh hay chậm tùy từng khu vực, từng nước nhưng có thể thấy hiện từ Âu sang Á và cả châu Phi, các nước đang khẩn trương xúc tiến việc cấp hộ chiếu vaccine cho dân, hoặc bản giấy hoặc qua ứng dụng trên điện thoại, để họ sử dụng khi di chuyển.

Nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ các nước nên xem việc tiến tới công nhận hộ chiếu vaccine hay thẻ thông hành COVID-19 của nhau là một ưu tiên hàng đầu, chẳng những tạo điều kiện phục hồi kinh tế mà còn như một phần trong chiến lược tiến tới đánh bại đại dịch.

Tập san y khoa BMJ (British Medical Journal - Anh) dẫn ý kiến của hai chuyên gia Daniel Sleat và Kirsty Innes tại tổ chức phi lợi nhuận Tony Blair Institute for Global Change (Anh) cho rằng hữu ích nhất là hộ chiếu vaccine hay thẻ thông hành COVID-19 phải có được khả năng tương tác quốc tế. Có thể hình dung như thẻ mà một công dân sử dụng để vào sân vận động thể thao hoặc rạp chiếu phim ở nước họ cũng có thể được sử dụng để lên máy bay hoặc qua được hàng rào kiểm soát nhập cảnh vào nước khác.

Giải thích về chuyện tại sao các nước đòi hỏi phải có hộ chiếu vaccine khi làm thủ tục nhập cảnh, trang tin Traveler cho rằng lý do nằm ở thực tế người được tiêm đủ liều vaccine dù không miễn dịch hoàn toàn với virus nhưng nguy cơ bị nhiễm và lây cho người khác ít hơn nhiều, so với người chưa được tiêm chủng.

Trong trường hợp ca nhiễm tăng, hay tệ hơn là xuất hiện một biến thể mới và nguy hiểm hơn, hộ chiếu vaccine hay thẻ thông hành COVID-19 là cơ chế tốt nhất để từ đó xác định các mục tiêu áp đặt các hạn chế phòng dịch, tránh phải áp dụng hình thức phong tỏa rắn một lần nữa. Nói cách khác, trong trường hợp này chúng ta có thể chọn lựa hoặc buộc tất cả mọi người phải ở trong nhà hay chỉ những người có virus phải làm vậy và cơ chế để phân biệt họ là thẻ thông hành COVID-19.•

Có khả năng hộ chiếu vaccine cuối cùng sẽ thay thế cho chứng chỉ quốc tế về tiêm chủng hoặc dự phòng (ICVP) - cuốn sách nhỏ màu vàng do Tổ chức Y tế Thế giới tạo ra trong nhiều thập niên qua cung cấp bằng chứng về việc tiêm phòng viêm gan, sốt vàng da, dịch tả, bệnh dại và một số bệnh do virus khác.

Trang tin TRAVELER (Úc)

Việt Nam đang xúc tiến công nhận hộ chiếu vaccine với các nước

Có thể nói việc công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước rất cần thiết khi ngày càng nhiều nước sử dụng hình thức này để mở cửa, khôi phục hoạt động kinh tế.

Hiện đã có một số nước - Mỹ, Nhật, Anh, Belarus công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về loại vaccine. Ấn Độ đã đồng ý về mặt nguyên tắc. Nhiều quốc gia và khu vực - Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN, Liên minh châu Âu đang tích cực xem xét.

Theo phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, Việt Nam đang tạm thời công nhận hộ chiếu vaccine của 72 nước và vùng lãnh thổ, đồng thời đang làm việc với 80 đối tác để thúc đẩy công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau. Loại vaccine được công nhận phải là loại được Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ hoặc Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu, Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm