Đại cử tri đã bỏ phiếu, nước Mỹ sẽ thôi chia rẽ?

Theo kết quả (chưa được Quốc hội chính thức xác nhận) bỏ phiếu đại cử tri ở 50 bang và thủ đô Washington, D.C. ngày 14-12, ứng viên Dân chủ Joe Biden được 306 phiếu đại cử tri và sẽ là tân chủ nhân Nhà Trắng, đài CNN đưa tin. Ứng viên Cộng hòa, đương kim Tổng thống Donald Trump dừng lại ở 232 phiếu. Không có bất kỳ lá phiếu “bất tín” nào trong kỳ bỏ phiếu đại cử tri này.
Bước tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 6-1-2021, khi Phó Tổng thống Mike Pence - Chủ tịch Thượng viện sẽ chủ trì phiên họp của Quốc hội chứng nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri.
Trong những lần bầu cử trước đó, cuộc bỏ phiếu của đại cử tri đoàn thường chỉ mang tính tượng trưng và ít được chú ý. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu năm nay lại có ý nghĩa chính trị quan trọng, khi nước Mỹ đang trong bối cảnh chia rẽ mà theo lời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama là “hết sức sâu sắc và cay đắng” (ông viết trong thư chúc mừng chiến thắng gửi ông Biden hồi tháng 11).
Bước khởi đầu cho sự hàn gắn?
Theo CNN, việc ông Trump vẫn từ chối nhận thua đã đi vào lịch sử bầu cử Mỹ khi chưa có ứng viên tổng thống nào sau ngày bầu cử một khoảng thời gian dài thế này vẫn chưa chấp nhận chiến thắng của đối thủ.
Nhớ lại năm 2000, cuộc đua giữa ứng viên Cộng hòa George W. Bush và ứng viên Dân chủ Al Gore cũng rất sít sao và cũng diễn ra tình trạng kiểm phiếu lại ở bang Florida. Tình trạng thắng thua chưa phân định kéo dài 36 ngày sau ngày bầu cử. Tuy nhiên, đến ngày đại cử tri đoàn bỏ phiếu thì ông Gore đã thừa nhận thất bại sau khi ông Bush giành được phiếu đại cử tri ở bang Florida. Thời điểm đó, ông Gore nhiều hơn về tổng số phiếu bầu phổ thông với khoảng cách hơn 500.000 phiếu, song lại thất bại ở bang Florida, dẫn đến việc thua suýt soát ông Bush về số phiếu đại cử tri (ông Bush được 271 phiếu, ông Gore được 266 phiếu).

Ông Joe Biden (trái) và ông Donald Trump. Ảnh: AP

“Tôi chấp nhận kết quả chung cuộc này. Và tối nay, vì lợi ích của sự đoàn kết nhân dân và sức mạnh nền dân chủ của chúng ta, tôi xin nhận thua… Đây là nước Mỹ và chúng ta đặt đất nước trên đảng phái. Chúng ta sẽ sát cánh cùng nhau đứng sau tổng thống kế đến của chúng ta” - ông Gore phát biểu trong bài diễn văn nhận thua hồi tháng 11-2000.

Trả lời phỏng vấn CNN hôm 13-12, ông Gore hy vọng cuộc bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 14-12 sẽ là “bước khởi đầu cho sự hàn gắn”. Ông gọi các vụ kiện của đội ngũ ông Trump, vốn bị tòa các cấp, kể cả Tòa án Tối cao bác bỏ, là “phi lý và khó hiểu”. Ông Gore chỉ trích những thành viên đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục ủng hộ ông Trump sau loạt “vụ kiện thất bại”, đồng thời hy vọng sau thời điểm đại cử tri đoàn bỏ phiếu “một số người vốn đang cố chấp sẽ biết dừng lại”.
Tiêu điểm
Cuộc bỏ phiếu đại cử tri đoàn được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu cho sự hàn gắn và là thời điểm một số người vốn đang cố chấp biết dừng lại.
Cựu phó tổng thống Mỹ AI GORE 
Liệu ông Trump có làm như ông Al Gore? 
Đã có hy vọng cột mốc đại cử tri đoàn bỏ phiếu sẽ giúp chấm dứt chuỗi ngày căng thẳng và chia rẽ của chính trị Mỹ và cả nước Mỹ. Tuy nhiên, các chỉ dấu gần đây cho thấy hy vọng này khá mong manh.
Bất chấp những thất bại liên tiếp, trả lời phỏng vấn của đài Fox News ngày 12-12, ông Trump vẫn tuyên bố thắng ở các bang chiến địa và khẳng định thách thức pháp lý vẫn chưa kết thúc. Ông Trump cũng nói ông không lo lắng những thách thức pháp lý của mình sẽ gây chia rẽ đất nước bằng lo ngại về những gì sẽ xảy ra với Mỹ trước một “tổng thống bất hợp pháp” như ông Biden.
Theo tờ The New York Times, một nhóm chính trị gia trung thành với ông Trump đang lên kế hoạch nhằm thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn tại Quốc hội vào ngày công bố kết quả chính thức 6-1-2021. Người dẫn đầu nỗ lực này là ông Mo Brooks, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa của bang Alabama. 
Cùng với một nhóm đồng minh khác tại Hạ viện, nghị sĩ Brooks đang lên kế hoạch thách thức kết quả bầu cử ở năm bang Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin. Họ cáo buộc đã xảy ra gian lận bầu cử và bỏ phiếu không hợp lệ ở nhiều mức độ khác nhau tại năm bang chiến địa trên, dù không đưa ra bằng chứng cụ thể. 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý, thậm chí nhiều thành viên đảng Cộng hòa cho rằng nỗ lực thách thức kết quả bầu cử sẽ thất bại. Theo The New York Times, “trận chiến” sắp diễn ra vào ngày 6-1-2021 sẽ gây chia rẽ sâu sắc trong đảng Cộng hòa và đẩy Phó Tổng thống Mike Pence vào tình thế khó khăn. Ông Pence - có nhiệm vụ kiểm phiếu đại cử tri của 50 bang và thủ đô Washington, D.C. và thông báo kết quả - có thể sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phải cân bằng giữa lòng trung thành với Tổng thống Trump và nghĩa vụ theo hiến pháp cũng như cân nhắc về tương lai chính trị của mình.
Theo GS Edward B. Foley, chuyên về luật hiến pháp tại ĐH bang Ohio, tại cuộc họp ngày 6-1, bất kể có bao nhiêu thách thức kết quả được đệ trình và ai ký tên cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông Foley lưu ý rằng cuộc họp có thể để lại nhiều hệ quả. Trong trường hợp có một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ thách thức kết quả, nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden trong những năm tới có thể sẽ chìm trong sự chia rẽ đảng phái. Ngược lại, đây sẽ là thông điệp gửi đến toàn bộ đất nước rằng dù ông Trump có thách thức tới mức nào, đảng Cộng hòa vẫn tin tưởng vào quy trình bầu cử và sẵn sàng công nhận ông Biden là người chiến thắng.•
 Liệu kết quả sẽ bị lật ngược tại kỳ họp Quốc hội ngày 6-1-2021?
Theo The New York Times, hiến pháp và đạo luật kiểm phiếu đại cử tri năm 1887 quy định những thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn cần được đệ trình dưới dạng văn bản với chữ ký của một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện. 
Hiện chưa có thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nào tuyên bố sẽ ủng hộ nỗ lực thách thức của ông Brooks. Ngay cả khi có một thượng nghị sĩ ủng hộ nỗ lực thách thức kết quả bỏ phiếu, các chuyên gia pháp lý cho rằng kế hoạch này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 
Khi một thành viên của mỗi viện trong Quốc hội đưa ra thách thức kết quả, Hạ viện và Thượng viện sẽ tranh luận và xem xét. Chỉ khi Hạ viện và Thượng viện cùng nhất trí, kết quả bỏ phiếu mới có thể bị loại bỏ. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn chưa từng bị Quốc hội hủy bỏ kể từ thế kỷ 19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm