Đại sứ Trung Quốc bác có vai trò trong chính biến Myanmar

Theo tờ The Straits Times, đại sứ Trung Quốc tại Myanmar ngày 16-2 cho biết tình hình chính trị hiện tại "hoàn toàn không phải như những gì Trung Quốc muốn thấy" và bác bỏ rằng những tin đồn trên mạng xã hội về việc Trung Quốc có liên quan cuộc chính biến hôm 1-2 là "hoàn toàn vô nghĩa".

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương được đăng trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc, Đại sứ Chen Hai cho biết Trung Quốc duy trì "quan hệ hữu nghị" với cả quân đội và chính phủ dân sự đã bị tước quyền trong cuộc chính biến hôm 1-2.

Người biểu tình tập trung trước đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon để kêu gọi Bắc Kinh ngừng hỗ trợ chính phủ quân sự Myanmar. ẢNH: NYTIMES

Kể từ khi chính biến xảy ra, trong khi các nước phương Tây lên án mạnh mẽ cuộc chính biến, Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn, chủ yếu tập trung vào việc kêu gọi đảm bảo sự ổn định. 

Trung Quốc đã ủng hộ tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị phía quân đội trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức khác, cũng như bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp.

Những ngày gần đây, một số cuộc biểu tình phản đối, thu hút hàng trăm nghìn người xuống đường, đã diễn ra bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố Yangon. Trong số đó, có những người biểu tình cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ chính quyền quân sự.

Trước những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc máy bay đưa nhân viên kỹ thuật và quân đội Trung Quốc đến Myanmar, Đại sứ Chen đã bác bỏ và nói điều này là "hoàn toàn vô nghĩa". Ông cho biết đó là những chuyến bay chở hàng thường xuyên xuất khẩu các hàng hóa như thủy sản.

Ông Chen cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc “không được thông báo trước về chính biến Myanmar” và hy vọng “mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp ở Myanmar, thay vì trở nên bất ổn hoặc thậm chí rơi vào hỗn loạn”. 

“Nhiều quốc gia trong tiến trình chuyển đổi đang vượt qua những khó khăn và thách thức bằng nỗ lực của chính mình và tìm ra những con đường phát triển phù hợp với hoàn cảnh của mình” – ông Chen cho biết, nói thêm rằng tình hình hiện tại “hoàn toàn không phải như những gì Trung Quốc muốn thấy”.

Cùng ngày, quân đội Myanmar cho biết việc nắm giữ quyền lực và bắt giam bà Suu Kyi cùng các quan chức khác hôm 1-2 không phải là đảo chính, đồng thời đảm bảo rằng sẽ tổ chức một cuộc bầu cử và trao quyền lực cho người chiến thắng.

“Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức một cuộc bầu cử và trao quyền lực cho bên thắng cuộc” - Chuẩn tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên của quân đội Myanmar, cho biết hôm 16-2.

Tuy thời gian tổ chức bầu cử chưa được ấn định, song ông Zaw Min Tun cho biết quân đội sẽ không nắm quyền lâu dù đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm.

Ông cũng cho biết thêm quân đội Myanmar sẽ đưa ra quyết định về bà Suu Kyi và các quan chức đang bị bắt giữ dựa trên hiến pháp.

Động thái trên được đưa ra sau hàng loạt cuộc biểu tình phản đối của người dân và Liên Hợp Quốc hôm 15-2 cảnh báo quân đội Myanmar có thể đối mặt "hậu quả nghiêm trọng" nếu sử dụng biện pháp mạnh để đối phó người biểu tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm