Dân Nhật ngại tiêm vaccine ngừa COVID-19, chính quyền vào cuộc

Hãng tin Reuters mới đây cho biết Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nhật (JMA) - GS Toshio Nakagawa đã ra tuyên bố kêu gọi chính phủ ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc nhằm kiềm chế đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng tại thủ đô Tokyo và nhiều nơi khác.

Thống kê của tổ chức Our World in Data cho thấy nước này trong ngày 3-8 (giờ địa phương) ghi nhận tới hơn 10.000 ca nhiễm mới và là ngày thứ ba liên tiếp số bệnh nhân trong ngày vượt mốc 9.000. Khoảng 30% trong số ca mới tập trung ở thủ đô Tokyo - biến thành phố này trở thành vùng dịch lớn nhất nước.

Có một nghịch lý là dù nước này có thể tiếp cận nguồn cung vaccine một cách dễ dàng nhờ tiềm lực kinh tế mạnh, chương trình tiêm chủng lại đang diễn ra rất chậm chạp. Trước khi Thế vận hội Olympic 2020 diễn ra, chính quyền Nhật đã nỗ lực tăng tốc tiêm chủng nhưng vẫn tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác. Our World in Data cho biết hiện chỉ mới hơn 40% dân số Nhật đủ điều kiện được tiêm ít nhất một mũi, so với tỉ lệ 71% của Canada, 69% của Anh, 61% của Đức và 57% của Mỹ.

Một phụ nữ Nhật trong trang phục truyền thống tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở TP Kobe ngày 21-6. Ảnh: KYODO

Thách thức từ tâm lý người dân

“Nếu Nhật triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 sớm hơn vài tháng thì đã có thể ngăn virus lây lan và cho khán giả vào xem Olympic nhưng giờ thì cả nước rơi vào tình trạng khẩn cấp với tỉ lệ tiêm vaccine thấp giữa lúc biến thể Delta hoạt động mạnh” - Reuters dẫn lời chuyên gia Kenji Shibuya thuộc ĐH Tokyo nhận xét.

Theo tờ The Japan Times, nguyên nhân khiến chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bị trì hoãn nằm ở sự nghi ngại của người dân về khả năng mắc phải biến chứng sau khi tiêm. Nỗi sợ này xuất phát từ hàng loạt bê bối liên quan tới vấn đề an toàn vaccine hàng chục năm qua ở Nhật.

Vào năm 1970, ở Nhật có hai trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau 24 giờ tiêm vaccine ngừa ho gà. Dư luận Nhật phản ứng hoảng loạn và không đưa con đi tiêm ngừa, dẫn tới lượng trẻ em bị ho gà tăng đột biến vào năm đó. Đến cuối những năm 1990, dư luận Nhật tiếp tục lo ngại vaccine 3 trong 1 ngừa sởi - quai bị - rubella (MMR) sản xuất trong nước khiến người tiêm bị viêm màng não vô khuẩn cùng một loạt biến chứng khác. Trước áp lực từ người dân, chính quyền Nhật đến năm 1993 đã cho ngừng tiêm loại vaccine này.

5 địa phương gồm thủ đô Tokyo và bốn tỉnh Osaka, Chiba, Kanagawa, Saitama hiện đã được đưa vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp đến hết ngày 31-8. Trong thời gian áp dụng, các dịch vụ không thiết yếu phải ngừng hoạt động trước 8 giờ tối mỗi ngày, theo The Japan Times

Tới năm 2013, niềm tin của công chúng đối với vaccine bị xói mòn hơn nữa khi truyền thông Nhật đồng loạt đưa tin về việc vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung. Chính quyền Nhật một lần nữa đầu hàng dư luận và rút lại khuyến nghị tiêm vaccine này dù nó đã được chứng minh là ngăn ngừa ung thư cổ tử cung an toàn và hiệu quả ở những nơi khác. Động thái này lập tức đẩy tỉ lệ tiêm phòng HPV của Nhật từ 70% xuống dưới 1%.

Đài CNN đưa tin hồi năm ngoái, một nhóm chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu Niềm tin vào vaccine (Anh) có công bố một báo cáo phân tích về mức độ tin tưởng vaccine của người dân ở 149 quốc gia, kết quả cho thấy Nhật đứng gần cuối bảng. “Tôi cho rằng chính quyền Nhật đang có một cách tiếp cận rất sai lầm là họ không chủ động cung cấp thông tin rõ ràng về vaccine cho người dân mà họ chỉ hành động khi bị áp lực. Nếu chính quyền không chủ động làm truyền thông thì sẽ càng khiến nhiều người dân nghi ngờ có gì đó không ổn với vaccine” - chuyên gia nhân chủng học Heidi Larson, thành viên dự án, chia sẻ.

Ngoài ra, The Japan Times cũng cho hay trước khi COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, một nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế Nhật đã cảnh báo rằng Nhật không được chuẩn bị kỹ càng để ứng phó nếu đại dịch diễn biến xấu. Các chuyên gia này mô tả ngành công nghiệp dược phẩm của Nhật hiện không có tính cạnh tranh, khó có thể phát triển hiệu quả vaccine trong nước cho công dân Nhật trong khi việc mua vaccine từ nước ngoài trong thời kỳ khủng hoảng là rất rủi ro và càng khiến người dân nghi ngại vaccine hơn.

Nhật tăng cường truyền thông củng cố lòng tin

Để trực tiếp giải quyết xua tan tâm lý ngại vaccine của người dân, chính quyền Nhật đã phối hợp với một số chuyên gia để tăng cường nỗ lực truyền thông, minh bạch hóa các thông tin về vaccine càng nhiều càng tốt. Đơn cử, Reuters cho biết hiện ở Nhật xuất hiện một ứng dụng trên điện thoại thông minh tên là Corowa-kun sử dụng hình ảnh hoạt hình trực quan để trả lời các câu hỏi của người dùng về vaccine và kết quả bước đầu rất khả quan.

“Người Nhật thường thích phim hoạt hình nên việc sử dụng hoạt hình trong ứng dụng sẽ khiến họ thoải mái hơn. Lượng người dùng ứng dụng đã tăng tới hơn 80.000. Trước khi sử dụng ứng dụng, tỉ lệ tin cậy vào tiêm chủng của người dùng là 59% nhưng sau khi sử dụng ứng dụng này thì tỉ lệ tăng lên 80%” - chuyên gia Yuji Yumada thuộc ĐH Tsukuba, một thành viên của đội ngũ phát triển Corowa-kun, chia sẻ.

Bên cạnh đó, chính quyền Nhật cũng vừa cho phép các kỹ thuật viên khẩn cấp, nha sĩ và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm khoa học tham gia bổ sung lực lượng cho chiến dịch tiêm vaccine. Động thái được kỳ vọng có thể giúp Nhật đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho tất cả công dân đủ điều kiện trước tháng 11. Giới chức nước này cũng tiến hành phân bổ ưu tiên vaccine cho các địa phương đang trong tình trạng khẩn cấp về COVID-19.

“Nếu vaccine được tiêm sớm hơn, số người chết sẽ thấp hơn và thiệt hại kinh tế sẽ ít hơn. Có khi khán giả Nhật còn có thể được cho vào xem Olympic trực tiếp. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể nhìn vào tương lai phía trước và nỗ lực hết sức có thể. Tôi dù rất muốn tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh hơn nhưng không muốn chính quyền vì mục tiêu này mà hy sinh các vấn đề kiểm định an toàn sức khỏe” - ông Yumada cho hay.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hồi ngày 2-8 đã ra tuyên bố chỉ đạo các bệnh viện công trong nước chỉ tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm COVID-19 diện nặng hoặc có nguy cơ chuyển nặng, còn những ca bệnh nhẹ sẽ được cho cách ly và điều trị tại nhà. Ông Suga cho biết đây là biện pháp nhằm giảm tải cho hệ thống y tế trước số ca nhiễm mới tăng mạnh gần đây, theo Reuters.

Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định không có mối liên hệ nào giữa Thế vận hội Olympic 2020 vừa kết thúc với sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm mới ở Nhật.

Trao đổi với Reuters, Giám đốc BV ĐH Showa - ông Hironori Sagara cũng đã xác nhận là các bệnh viện ở Tokyo đang bắt đầu bị đặt dưới sức ép lớn. “Đã có những bệnh nhân liên tiếp bị từ chối cho nhập viện. Trong lúc đang diễn ra Olympic hồi tháng 7, tình hình nhân sự tại các bệnh viện rất căng thẳng” - ông Sagara nói.5

địa phương gồm thủ đô Tokyo và bốn tỉnh Osaka, Chiba, Kanagawa, Saitama hiện đã được đưa vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp đến hết ngày 31-8. Trong thời gian áp dụng, các dịch vụ không thiết yếu phải ngừng hoạt động trước 8 giờ tối mỗi ngày, theo The Japan Times

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm