Đừng nghĩ độc lực Omicron nhẹ mà chủ quan

Ngày 12-12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra thông báo đánh giá bước đầu về các đặc tính lây lan, kháng vaccine và độc lực biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, hãng tin AFP cho biết.

Đừng nghĩ độc lực nhẹ, hãy nhớ Omicron lan rất nhanh

Theo thông báo của WHO, Omicron hiện đã xuất hiện tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tới thời điểm này phần lớn trường hợp nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng, không giống như khi nhiễm Delta - biến thể vẫn đang là thủ phạm gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân COVID-19.

Nhiều chuyên gia độc lập cũng đưa ra cảnh báo tương tự WHO. Ngày 12-12, Giám đốc Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi (AHRI - Nam Phi) - GS Willem Hanekom cho biết ở Nam Phi hiện có ba nhóm nghiên cứu dịch tễ đang tích cực theo dõi tác động của Omicron. Họ so sánh hai tuần đầu của làn sóng Omicron hiện nay với hai tuần đầu của các làn sóng lây nhiễm trước liên quan đến các biến thể Beta, Delta và nhận thấy “tình trạng bệnh nhẹ hơn ở giai đoạn này”.

Người dân đi bộ trên đường phố thủ đô London (Anh) ngày 5-12.
Ảnh: REUTERS

Song WHO cảnh báo rằng đây chỉ là đánh giá bước đầu dựa theo thông tin thu thập được trong thời gian ngắn vừa qua, vẫn chưa có đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện về độc lực của Omicron.

Trong khi đó, theo thông báo của WHO, các dữ liệu sơ bộ tiếp tục cho thấy Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn Delta. Tỉ lệ lây lan của Omicron tại Nam Phi “nhanh hơn nhiều” so với các biến thể Beta và Delta, với 95% trong số 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày được phát hiện ở Nam Phi là Omicron. Rất có thể ở những nơi mà Omicron bắt đầu lây lan trong cộng đồng thì biến thể này sẽ sớm vượt mặt đà lây lan của biến thể Delta trong thời gian tới.

Đánh giá ban đầu của WHO cũng xác nhận Omicron có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine. Tờ The Guardian dẫn báo cáo của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) công bố ngày 10-12 kết luận, so với chống Delta, khả năng chống Omicron từ hai loại vaccine của AstraZeneca và của Pfizer/BioNTech thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, khi cơ thể được tiêm tăng cường thì hiệu quả bảo vệ tăng lên khoảng 70%-75%.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi công bố ngày 8-12 cũng xác nhận dù Omicron có né tránh được phản ứng miễn dịch sinh ra từ vaccine nhưng khi tiếp xúc với kháng thể của người đã tiêm đủ hai liều hoặc người đã nhiễm các biến thể trước thì Omicron vẫn bị tiêu diệt, theo hãng tin Bloomberg. Nghiên cứu cũng chỉ ra là đối với người đã nhiễm COVID-19 từ năm ngoái thì mức độ tập trung kháng thể cao hơn hẳn các đối tượng khác.

Rất cần cảnh giác

Nhìn chung, hầu hết thông tin có được ở thời điểm hiện tại đều cho thấy Omicron đã đột biến theo hướng lây lan mạnh hơn nhưng độc tính có phần giảm. Điều này về mặt tiến hóa có lợi cho virus bởi nếu vật chủ chết quá sớm thì virus cũng sẽ chết theo. Dù vậy, vẫn không nên vì thế mà trở nên lơ là trong các biện pháp phòng chống trước biến thể này.

Cũng như WHO và nhiều chuyên gia khác đã đề cập, dữ liệu hiện tại vẫn còn rất sơ khởi nên chưa thể đánh giá hết toàn diện về các đặc tính của Omicron. Phải cần ít nhất vài tuần nữa hoặc cho đến khi biến thể này lây nhiễm được một số người nhất định để đảm bảo tính đa dạng trong mẫu điều tra.

“Lây nhiễm nhanh dù không gây tử vong cũng có vấn đề của nó. Thế giới sẽ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm đột phá và tái nhiễm hơn, số người bệnh cần nhập viện để được hỗ trợ y tế cũng sẽ tăng lên - hệ thống y tế nhiều khả năng lại sẽ bị áp lực. Ở nhiều nước nơi số ca nhiễm hằng ngày do Delta vẫn cao, hệ thống y tế sẽ không còn nhiều dư địa để tiếp nhận thêm các bệnh nhân nhiễm Omicron” - TS Emma Hodcroft thuộc ĐH Bern (Thụy Sĩ) cảnh báo.

Bà Hodcroft còn cho biết độ nghiêm trọng của một làn sóng dịch mới do Omicron gây ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau ở khu vực mà nó lây nhiễm, như số ca nhiễm đã khỏi bệnh trong dân số, số người đã tiêm vaccine đầy đủ, chu kỳ mùa trong năm và hàng chục yếu tố li ti khác mà không ai có thể lường trước được.

“Nói như vậy để thấy việc đoán định những thứ như virus của một đại dịch là chuyện rất khó và mọi thứ đều có thể xảy ra nếu như chúng ta không chuẩn bị trước để đương đầu với tình huống xấu nhất” - chuyên gia này chia sẻ.

Hiện phản ứng của chính quyền nhiều nước trước biến thể mới là đẩy nhanh chương trình tiêm liều vaccine tăng cường cho những người đã đủ hai liều và tái kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc như yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng như trước đây.

Đây dĩ nhiên đều là các phản ứng hợp lý, tuy nhiên quan trọng hơn nữa là cộng đồng quốc tế phải nhanh chóng phủ vaccine cho những khu vực rủi ro cao, như các nước châu Phi nơi Omicron đang bùng phát nặng. Càng giảm số người chưa tiêm vaccine, virus càng ít có cơ hội đột biến hơn.•

 

Theo báo cáo sơ bộ mới đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ về người nhiễm Omicron, ho là triệu chứng phổ biến nhất - xuất hiện ở 89% bệnh nhân được theo dõi. Mệt mỏi (65%), nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi (59%) là hai triệu chứng phổ biến tiếp theo.

Tổng thống Nam Phi bất ngờ nhiễm COVID-19

Hãng tin AFP ngày 12-12 dẫn thông báo từ văn phòng tổng thống Nam Phi cho biết Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và đã được đưa đi cách ly, điều trị. Tình trạng bệnh của ông lúc này vẫn ở mức nhẹ do trước đó đã được tiêm đủ liều vaccine.

Ông Ramaphosa nhấn mạnh người dân nên xem việc ông nhiễm bệnh là lời cảnh báo về tầm quan trọng của tiêm ngừa và không được mất cảnh giác với COVID-19. Hiện chưa rõ chủng virus SARS-CoV-2 mà Tổng thống Ramaphosa nhiễm có phải là biến thể Omicron mới được phát hiện ở nước này hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm