EU - Trung Quốc đàm phán, Mỹ đứng ngồi không yên

Tờ South China Morning Post đưa tin cuối tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc (TQ) đã khởi động vòng đàm phán thứ 31 về Hiệp định đầu tư song phương toàn diện (BIT). Tiến trình đối thoại này đã kéo dài gần bảy năm và đây là lần đàm phán cuối cùng trước khi Nghị viện châu Âu bước vào kỳ nghỉ hè đến cuối tháng 8. Hai bên đều kỳ vọng thu được kết quả tích cực cho thỏa thuận đầy tham vọng này.

Không ngoài dự đoán, giới lãnh đạo Washington theo dõi sát diễn biến đối thoại Trung - EU. Bất kỳ sự nhượng bộ nào của hai bên trên bàn đàm phán cũng có khả năng tác động đến các đối sách của Mỹ về TQ nói riêng và chiến dịch chống TQ do Washington khởi xướng trên toàn cầu nói chung.

Mỹ im lặng chờ tín hiệu

Theo chuyên gia Kelsey Broderick về chính trị châu Á thuộc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ), nếu Mỹ thấy TQ sẵn sàng nhượng bộ và nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về cải cách cơ chế, hành chính do EU đặt ra thì nước này sẽ nương theo để tăng sức ép lên Bắc Kinh. Đây cũng có thể là cơ hội tốt để Mỹ tái khởi động đàm phán về một thỏa thuận BIT tương tự với TQ.

“Dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, Washington và Bắc Kinh đã có gần 20 vòng đàm phán về thỏa thuận BIT. Từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền thì ngưng nhưng các mục tiêu cơ bản vẫn còn đó” - theo ông Broderick.

Theo báo cáo năm 2016 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (USCC), BIT sẽ là công cụ hữu hiệu giúp hạn chế các hành vi không phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý và đầu tư quốc tế của TQ. Một số ví dụ điển hình là việc TQ yêu cầu công ty ngoại quốc muốn bước vào thị trường nước này phải chuyển giao công nghệ hay Bắc Kinh quá ưu ái các tập đoàn quốc doanh, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Nhiều học giả nhận định một số mục tiêu mà chính quyền ông Obama từng muốn đạt được thông qua BIT ít nhiều đã xuất hiện trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một ký hồi tháng 1. Tuy nhiên, EU và Mỹ vẫn nên phối hợp để tạo ra áp lực chung, buộc TQ phải nhượng bộ và thay đổi nhiều hơn nữa.

Lãnh đạo EU và Trung Quốc tham gia kỳ thượng đỉnh EU - Trung vào tháng 4-2019. Ảnh: AFP

Cụ thể, GS Julia Friedlander thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) cho rằng nếu EU và Mỹ đều có chung mục tiêu là muốn TQ cải cách thì không có gì hiệu quả hơn là hợp tác và hành động cùng nhau. Theo ông, “những nỗ lực của EU và Mỹ sẽ thúc đẩy các thiết chế thương mại quốc tế khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xem xét lại thị trường TQ và đề ra các chính sách phù hợp”.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Chad Bown tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) lưu ý thêm rằng hầu hết các vấn đề EU đang đàm phán với TQ đều có lợi cho doanh nghiệp Mỹ sau này.

“Không giống như thỏa thuận thương mại thông thường, những điều khoản của các thỏa thuận giống BIT sẽ thay đổi cơ chế đầu tư của cả thị trường nói chung và áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài, không riêng gì doanh nghiệp từ EU. Quan trọng là TQ có chịu cải cách hay không” - ông Bown giải thích.

Ủy ban châu Âu ngày 26-7 ra tuyên bố kêu gọi các nước thành viên EU cần nhanh chóng đa dạng hóa bên cung ứng dịch vụ viễn thông 5G nhằm hạn chế phụ thuộc vào một nhà cung cấp nhất định. Động thái được cho là một đòn đánh mạnh vào vị thế của Huawei ở châu Âu sau khi Anh cấm cửa tập đoàn này, theo hãng tin Reuters

Ông Trump là yếu tố quyết định

Dù vậy, ngoài câu hỏi là TQ có bị sức ép từ châu Âu và Mỹ làm cho thay đổi hay không, một câu hỏi khác mà South China Morning Post cho rằng các chuyên gia trên đã bỏ qua là liệu chính quyền ông Trump có đồng ý song hành cùng EU không, do nhà lãnh đạo này thường có phát ngôn tiêu cực về khối này trên lĩnh vực kinh tế. Thậm chí, nhiều ý kiến còn đánh giá hai bên hiện vẫn đang kẹt trong một cuộc chiến tranh thương mại với quy mô không kém cuộc chiến giữa Mỹ và TQ. Hồi cuối tháng 6, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) từng tuyên bố Nhà Trắng đang cân nhắc áp thuế lên tới 100% với khoản 3,1 tỉ USD hàng hóa của Anh, Tây Ban Nha, Đức và Pháp. Lý do Mỹ cáo buộc ba nước này hỗ trợ bất hợp pháp hãng sản xuất máy bay Airbus nhằm cạnh tranh không lành mạnh với hãng Boeing của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mỹ và USTR đến nay đều bác bỏ bất kỳ thông tin nào cho rằng Washington đang phối hợp với EU đàm phán với Bắc Kinh. Ở chiều ngược lại, nhiều quan chức EU tỏ ra bất bình trước những điều khoản được đánh giá là bất lợi mà Mỹ đã ký với TQ trong thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một.

Mặt khác, TS Philippe Le Corre thuộc ĐH Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng không có gì đảm bảo trong trường hợp EU-Mỹ phối hợp thì sẽ đạt được cải cách như mong muốn ở thị trường TQ.

“Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay, tôi không tin rằng Washington sẽ thu được kết quả gì từ vòng đàm phán giữa EU và TQ. Bắc Kinh lúc này không sẵn sàng để nhượng bộ vì đây là lúc Bắc Kinh muốn tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết” - ông Le Corre nhận định.

Khả năng cao Trung Quốc sẽ để mất EU

Bình luận thêm về vòng đàm phán BIT thứ 31 giữa EU và TQ, cây bút Stuart Lau của tờ South China Morning Post cảnh báo đây có thể xem như là cơ hội cuối cùng EU dành cho TQ để nước này tiến hành cải cách trước khi EU bắt đầu thực thi các chính sách cứng rắn hơn.

Theo cây bút Lau, hiện có sự tương phản sâu sắc trong quan điểm về TQ của giới lãnh đạo EU hiện nay so với khoảng 10-15 năm trước.

“Tại thượng đỉnh EU - TQ lần thứ tám năm 2005 do nguyên Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chủ trì, tuyên bố chung nêu rõ phía EU hoan nghênh những thành tựu TQ đạt được trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ngày nay TQ bị xem là quốc gia có hành vi thương mại không lành mạnh và lợi dụng thị trường mở của EU để trục lợi” - ông Lau lưu ý.

Hồi tháng 3-2019, Ủy ban châu Âu công bố tầm nhìn chiến lược về TQ, lần đầu tiên gọi nước này là “đối thủ mang tính hệ thống”. Ngay cả những quốc gia được hưởng lợi kinh tế từ TQ như Ý hay Hy Lạp cũng tán thành chiến lược này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm