Hồ sơ Pandora: Tổng thống Sri Lanka chỉ đạo 'nóng', Campuchia tố The Guardian

Hãng AFP đưa tin Tổng thống Sri Lanka - ông Gotabaya Rajapaksa ngày 6-10 đã chỉ đạo điều tra về khối tài sản ở nước ngoài của cháu gái mình – cô Nirupama Rajapaksa.

Động thái này diễn ra sau khi Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố Hồ sơ Pandora về những bí mật tài chính liên quan hàng chục nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới, trong đó có đề cập tên cô này và chồng là ông Thirukumar Nadesan được cho đã có hành vi cất giấu hàng triệu USD ở nước ngoài.

Hồ sơ Pandora. Ảnh: ICIJ

Tổng thống Sri Lanka chỉ đạo "nóng"

ICIJ cho biết theo phân tích báo cáo tài chính của ông Nadesan, cô Nirupama Rajapaksa và chồng đã nắm giữ cổ phần ở nước ngoài trị giá khoảng 18 triệu USD vào năm 2017.

Trong email gửi đến Asiaciti Trust - nhà cung cấp dịch vụ tài chính có trụ sở tại Singapore, một cố vấn lâu năm của ông Nadesan đã báo cáo tổng tài sản của ông vào năm 2011 là hơn 160 triệu USD, ICIJ cho biết.

Vợ chồng cô Nirupama Rajapaksa chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Người phát ngôn nội các - ông Dulles Alahapperuma cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hôm 6-10 đã chỉ đạo cơ quan chống tham nhũng phải đệ trình báo cáo về tài sản của cô Nirupama Rajapaksa và chồng là ông Nadesan "trong vòng một tháng".

Cô Nirupama Rajapaksa, 59 tuổi, là nhà lập pháp trong các chính phủ Sri Lanka trước đây khi chú mình là ông Mahinda Rajapaksa làm tổng thống nước này (2005-2015). Ông Mahinda Rajapaksa hiện là thủ tướng Sri Lanka.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Ảnh: AFP

Theo AFP, việc nắm giữ tài sản ở nước ngoài hoặc sử dụng các công ty bình phong không phải là bất hợp pháp ở Sri Lanka, nhưng phải được khai báo với cơ quan thuế địa phương.

Tháng trước, chính phủ Sri Lanka đã ban hành đạo luật ân xá cho những người trốn thuế với hy vọng rằng động thái này sẽ giúp thu hồi lại nguồn tài sản tích trữ ở nước ngoài, vào thời điểm quốc đảo này đang đối mặt tình trạng thiếu ngoại hối nghiêm trọng.

Tuy nhiên, động thái chỉ đạo điều tra của tổng thống Sri Lanka đã vấp phải sự phản đối từ phe đối lập, với lý do cuộc điều tra sẽ bị che đậy vì gia đình cô Rajapaksa vốn có quyền lực ở đảo quốc này trong nhiều thập niên.

Campuchia cáo buộc The Guardian đưa tin "sai lệch"

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tư pháp Campuchia - ông Koeut Rith ngày 6-9 đã viết thư cho người đồng cấp Cộng hòa Cyprus - bà Stephie Dracos, tờ The Phnompenh Post đưa tin.

Trong thư, ông Rith đã đề nghị hợp tác điều tra và đưa ra sự thật liên quan "những cáo buộc phóng đại và sai sự thật" rằng Thủ tướng Hun Sen có hộ chiếu Cyprus.

Ông Rith cũng lưu ý rằng một số phương tiện truyền thông, bao gồm tờ The Guardian có trụ sở tại Anh và tờ The Washington Post có trụ sở ở Mỹ, gần đây đã đăng các bài báo "gây hiểu lầm" về vấn đề trích dẫn “Hồ sơ Pandora”.

Bộ trưởng Tư pháp Campuchia - ông Koeut Rith. Ảnh: THE PHNOMPENH POST

“Chúng tôi xin khẳng định chắc chắn rằng Samdech Aka Moha Sena Padei Techo Hun Sen, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, là anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo phong trào đấu tranh chấm dứt hơn hai thập niên chiến tranh, đem lại hòa bình hoàn toàn, thống nhất lãnh thổ, hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân Campuchia và Vương quốc Campuchia" – ông Rith nói.

“Ông ấy [ông Hun Sen] chỉ có quốc tịch Khmer và đã tuyên bố công khai và thường xuyên với người dân Campuchia về lập trường chính trị kiên định của mình là 'ở lại với người dân Campuchia, dù mưa hay nắng, và sẽ không bao giờ xa rời khỏi người dân Campuchia và Vương quốc Campuchia, bất kể hoàn cảnh khó khăn làm sao''' – quan chức này nhấn mạnh.

Theo ông, các bài báo đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự và sự liêm chính của thủ tướng và người dân Campuchia nói chung.

Theo The Phnompenh Post, diễn biến trên đến sau khi The Guardian hôm 3-10 đăng bài báo với tiêu đề "Công ty luật do tổng thống Cyprus thành lập bị cáo buộc che giấu tài sản của người Nga lưu vong".

Trích dẫn “Hồ sơ Pandora”, bài báo viết: "Ngoài các nhà tài phiệt Nga và các nhân vật quyền lực của Saudi Arabia, nhà lãnh đạo Campuchia, Hun Sen, bị phát hiện là một trong số hàng nghìn người không phải là người châu Âu nhận được hộ chiếu Cyprus".

Nhóm Luật sư của chính phủ Hoàng gia Campuchia đã liên tiếng bác bỏ các thông tin trên, nói rằng bài báo nhằm "đánh lừa công chúng" và "bóp méo sự thật". 

Họ cho biết The Guardian, với tư cách là một tờ báo nổi tiếng ở châu Âu, đã không tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Nhóm luật sư đã yêu cầu The Guardian ngay lập tức công khai thông báo việc gỡ bài viết, đồng thời cảnh báo sẽ đưa ra các hành động pháp lý đối với các phương tiện truyền thông vì một công bố sai sự thật như vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm