Hồ sơ Pandora: Hàng loạt chính khách, doanh nhân bị nêu tên đã lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng loạt nhân vật nổi tiếng đã lên tiếng sau khi bị Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) nêu tên trong “Hồ sơ Pandora” về việc che giấu tài sản cá nhân ở nước ngoài, hãng tin Reuters cho hay.

Nhà vua Jordan Abdullah bị báo cáo đã sử dụng các tài khoản ở nước ngoài để chi hơn 100 triệu USD (hơn 2.277 tỉ đồng) mua các bất động sản sang trọng ở Mỹ và Anh.

Cung điện hoàng gia Jordan khẳng định việc Vua Abdullah sở hữu các tài sản trên là “không bất thường, cũng không sai” và “không có bí mật nào” liên quan. Đích thân Vua Abdullah phân trần rằng các tài sản này được thanh toán hoàn toàn bằng tài khoản cá nhân, không dùng tới ngân khố hay ngân sách quốc gia. 

Nhà vua Jordan Abdullah - một trong những nhân vật có quyền lực nhất bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora". Ảnh: AP

Tờ The Washington Post cho biết bà Svetlana Krivonogikh - một công dân Nga được đồn đoán là người tình bí mật, lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin - cũng nằm trong danh sách của “Hồ sơ Pandora”. Theo đó, bà Krivonogikh đã mua một căn hộ tại Monaco thông qua một công ty được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh vào năm 2013.

Bà Krivonogikh chưa lên tiếng về thông tin này. Trong khi Điện Kremlin nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy “Hồ sơ Pandora” liên quan tới những người thân cận của Tổng thống Putin. Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov hồi tháng 11-2020 - khi được hỏi về mối quan hệ giữa ông Putin và bà Krivonogikh - đã nói chưa từng nghe nhắc tên người phụ nữ này.

“Hồ sơ Pandora” còn nhắc tên đương kim Thủ tướng Cộng hòa Czech, ông Andrej Babis trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này sẽ tổ chức bầu cử lập pháp trong cuối tuần này. Ông Babis bị cho là có liên quan tới các bất động sản trị giá 22 triệu USD (hơn 500 tỉ đồng) ở Pháp.

Trong chương trình tranh luận trên truyền hình hôm 4-10, ông Babis phủ nhận mọi hành vi sai trái. Nhà lãnh đạo này nói rằng tiền mua bất động sản đã được chuyển từ tài khoản của ông, là tiền cá nhân và vẫn bị đánh thuế.

Cựu Thủ tưởng Lebanon, ông Hassan Diab - người đã chính thức rời chính phủ hồi tháng trước do các chỉ trích sau vụ nổ cảng Beirut - cũng phủ nhận các cáo buộc. Ông Diab cho biết ông đã bán hết cổ phần tại công ty bị nêu tên trong “Hồ sơ Pandora”.

Tỉ phú Ấn Độ Anil Ambani, chủ tịch tập đoàn Reliance, và những người đại diện cho ông này bị báo cáo đang sở hữu 18 công ty ở Jersey (vùng lãnh thổ nằm giữa Anh và Pháp), Quần đảo Virgin thuộc Anh và Cộng hòa Síp. Bảy trong số 18 công ty này được cho vay hoặc được đầu tư tổng cộng 1,3 tỉ USD (29.610 tỉ đồng). Trong khi đó, hồi năm 2020, ông Ambani khai trước một tòa án tại Anh rằng tài sản ròng của ông là 0.

Ông Ambani chưa có bình luận về “Hồ sơ Pandora”, song một luật sư giấu tên, tự nhận là người đại diện cho ông Ambani, nói rằng thân chủ của ông hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Ấn Độ và không gian dối trước tòa án của Anh. Còn Bộ Tài chính Ấn Độ thì thông báo sẽ điều tra các trường hợp liên quan “Hồ sơ Pandora” và sẽ có biện pháp phù hợp.

Nhiều thành viên trong nội các Pakistan và một số phụ tá của những quan chức này cũng bị nêu trên trong “Hồ sơ Pandora”. Bộ trưởng Tài chính Pakistan, ông Shaukat Tarin - một trong những người bị nêu tên - tuyên bố rằng chính quyền Islamabad sẽ điều tra tất cả cá nhân có liên quan, kể cả bản thân ông. Còn Thủ tướng Pakistan Imran Khan tuyên bố bất kỳ hành vi sai trái nào cũng sẽ bị xử lý thích đáng. Trong khi đó, lực lượng đối lập yêu cầu các quan chức bị nghi ngờ phải từ chức.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Malaysia (1999-2001), ông Daim Zainuddin cũng bị nhắc tới trong “Hồ sơ Pandora” với khối tài sản do bản thân ông và gia đình sở hữu lên tới 25 triệu bảng Anh (774,7 tỉ đồng). Bình luận về thông tin này, ông Zainuddin nói rằng ông là một doanh nhân “thành công và giàu có” trước khi tham gia chính trường và đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Cựu Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong (2012-2017), ông Lương Chấn Anh bị nghi ngờ đã tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua hai công ty nước ngoài và bán 30% cổ phần tại một công ty bất động sản của Nhật với giá 2,3 triệu Dollar Hong Kong (thời giá hiện này là 6,7 tỉ đồng) vào năm 2012, ngay khi vừa lên nắm quyền.

Ông Lương nhấn mạnh rằng bản thân đã khai báo số cổ phần trực tiếp nắm giữ theo đúng pháp luật Hong Kong và đã từ chối thực hiện quyền đối với các cổ phần ở nước ngoài thuộc sở hữu của các công ty con. Ông Lương còn chỉ trích “ngọn lửa báo chí vô trách nhiệm” và cảnh báo sẽ làm việc với trang tin mà ông cho là đã “xuyên tạc” những chi tiết liên quan “Hồ sơ Pandora”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm