Hội nghị ASEAN tập trung biển Đông

Từ hôm nay (15-7) đến ngày 23-7 tại Bali (Indonesia) sẽ diễn ra ba hội nghị ASEAN: Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44, Hội nghị giữa bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 18.

Cùng tham gia các hội nghị với phái đoàn các nước ASEAN còn có phái đoàn các nước Úc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Canada, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Bangladesh, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Nga, Đông Timor.

Báo Inquirer (Philippines) ngày 14-7 dẫn lời Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan rằng ASEAN sẽ đem vấn đề căng thẳng gần đây quanh tranh chấp biển Đông ra bàn với các nước cùng tham dự loạt hội nghị này.

Ông Surin Pitsuwan nói rằng ASEAN sẽ không can thiệp vào tranh chấp lãnh thổ giữa Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam, lãnh thổ Đài Loan với Trung Quốc, tuy nhiên ASEAN sẽ tạo diễn đàn để các bên tranh luận về vấn đề này một cách cởi mở và thẳng thắn.

Hội nghị ASEAN tập trung biển Đông ảnh 1

Người dân Philippines biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines cuối tháng 6, phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông. Ảnh: REUTERS

Trước đó ông Surin Pitsuwan kêu gọi các bên cố gắng giải quyết tranh chấp vào năm tới, đúng dịp kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Theo ông Surin Pitsuwan, mọi sự trì hoãn sẽ gây tác hại đến quyền lợi kinh tế của khu vực.

Theo hãng tin Kyodo News (Nhật) ngày 13-7, Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần này sẽ là một cơ hội để các nước ASEAN và Trung Quốc bàn thảo thêm về việc thông qua Bộ quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC). Hãng tin Kyodo News đã thu thập được dự thảo tuyên bố chung của hội nghị gồm một số nội dung:

l ASEAN và Trung Quốc cùng kêu gọi các bên liên quan tôn trọng tự do lưu thông hàng hải và hàng không trên biển Đông theo luật pháp quốc tế. ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu bàn thảo về COC, trùng với dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc trong năm nay. Mục tiêu của hai bên là thông qua COC trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao cũng tại Bali vào tháng 11 tới.

l Hoan nghênh Mỹ gia nhập Hội nghị Đông Á trong năm nay, ủng hộ các diễn tiến chính trị ở Myanmar, ủng hộ sớm khôi phục đàm phán hạt nhân sáu bên nhằm phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên.

l Bàn lộ trình thành lập một dạng hộ chiếu chung cho các nước ASEAN và một dạng hộ chiếu chung cho người không phải là công dân các nước ASEAN.

Chuyến tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần này của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được xem là chuyến chuẩn bị cho sự tham dự EAS sắp tới của Tổng thống Mỹ Obama. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-7, Ngoại trưởng Clinton sẽ gặp hai người đồng cấp Nhật, Hàn Quốc bên lề ARF.

ARF lần này cũng sẽ đón sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Pak Ui Chun cùng phái đoàn 10 quan chức. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan trước đó bày tỏ mong muốn sẽ gặp Bộ trưởng Pak Ui Chun bên lề ARF.

Ngày 13-7, báo Today Online (Singapore) đăng bình luận của Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore Simon Tay về tình hình tranh chấp biển Đông. Theo ông Simon Tay, ASEAN có thể giúp ngăn căng thẳng trên biển Đông leo thang thành xung đột bằng cách thuyết phục các nước thành viên có tranh chấp với Trung Quốc kiềm chế, không kích động Trung Quốc. Thay vào đó ASEAN cần phát triển quan hệ toàn diện với Trung Quốc, đặc biệt quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, ASEAN cần phát triển năng lực quân sự của mình dù không có tham vọng khẳng định sức mạnh quân sự của mình trong khu vực chứ không nên chỉ viện đến Mỹ để cân bằng quyền lực trong khu vực.

ĐĂNG KHOA (Theo Inquirer, Jakatar Globe, Breitbart)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm