Theo kênh Al Jazeera hôm 27-8, Iran đã cho phép các thanh sát viên thuộc cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc tiếp cận hai địa điểm bị nghi ngờ là lò hạt nhân bí mật ở nước này. Đây là kết quả sau hàng tháng dài bế tắc vì không đạt được thỏa thuận giữa hai bên.
Hôm 26-8, nhân chuyến thăm của Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tới thủ đô Tehran, người đứng đầu cơ quan hạt nhân của Iran - ông Ali Akbar Salehi đã có cuộc gặp với ông Grossi và thông qua thỏa thuận này.
Người đứng đầu cơ quan hạt nhân của Iran - ông Ali Akbar Salehi. Ảnh: SERGEI PYATAKOV/SPUTNIK
"Iran tự nguyện cung cấp cho IAEA quyền tiếp cận hai địa điểm do IAEA chỉ định" - ông Grossi và ông Salehi cho biết trong một tuyên bố chung.
Theo tuyên bố, ngày IAEA tiến hành thăm dò cũng như các hoạt động của cơ quan này đã nhận được sự chấp thuận từ phía Iran. Đổi lại, cơ quan này cho biết sau khi hoàn tất cuộc điều tra, họ sẽ không đặt thêm bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến vấn đề này.
"Cả hai bên đều thừa nhận tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp của IAEA là yếu tố cần thiết trong việc thực hiện các hoạt động xác minh" - tuyên bố cho biết.
Trong nhiều tháng, IAEA đã tìm cách tiếp cận các nhà máy hạt nhân ở Tehran và Isfahan - nơi cơ quan này nghi ngờ Iran đang cất giữ hoặc sử dụng nguyên liệu hạt nhân mà chưa qua khai báo.
Kể từ tháng 6, IAEA đã tăng cường gây sức ép lên Iran khi cơ quan này thông qua một nghị quyết kêu gọi Iran phối hợp với IAEA nhằm cho phép các giám sát viên đến các địa điểm khả nghi.
Tuy nhiên, trước đó Tehran luôn từ chối cấp quyền truy cập vì cho rằng yêu cầu của IAEA dựa trên các cáo buộc từ Israel là không có cơ sở pháp lý.
Mãi đến ngày 26-8, Tổng thống Hassan Rouhani mới chấp thuận yêu cầu này và nói với ông Grossi: "Iran, giống như trước đây, sẵn sàng hợp tác với IAEA", theo nguồn tin từ truyền thông nhà nước Iran.
Ông gọi đây là một thỏa thuận "có triển vọng" và tin rằng nó sẽ giúp "giải quyết các vấn đề còn tồn tại". Bên cạnh đó, tổng thống cũng kêu gọi ông Grossi xem xét việc Iran có một "kẻ thù không đội trời chung" - người không hợp tác với IAEA và luôn "tìm cách gây rắc rối" cho Tehran.
Chuyến đi của ông Grossi đến Iran diễn ra chỉ vài ngày trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp nhằm bàn về thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt giữa Tehran và các cường quốc hồi năm 2015.
Theo thỏa thuận, Iran đã thu hẹp chương trình làm giàu uranium của mình đồng thời hứa sẽ không theo đuổi vũ khí hạt nhân. Đổi lại, các nước phải dỡ bỏ các các lệnh trừng phạt đối với Iran và cho phép Tehran bán dầu và khí đốt của mình trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, thỏa thuận này đã lâm vào bế tắc kể từ khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Kể từ đó, chính quyền Washington đã tái áp dụng các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế Iran, khiến Tehran đáp trả bằng việc bắt đầu giảm thiểu việc tuân thủ thỏa thuận.
Hôm 20-8, Mỹ đã cố gắng khôi phục một biện pháp trừng phạt có trong thỏa thuận bằng cách tuyên bố rằng Iran trên thực tế đã không tuân thủ cam kết.
Ba nước Pháp, Đức và Anh đã bác bỏ đề xuất của Mỹ, cho rằng Mỹ không có quyền này vì Washington đã rút khỏi thỏa thuận.