Khối SCO do Nga-TQ lãnh đạo tập trận đối phó nguy cơ bị tấn công bằng UAV

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ South China Morning Post đưa tin các phương pháp tiếp cận mới về chiến thuật và huấn luyện trong việc đối phó các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) đã lần đầu tiên được giới thiệu tại cuộc diễn tập quân sự chống khủng bố hàng năm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong bối cảnh tồn tại nhiều lo ngại về các rủi ro an ninh liên quan Afghanistan.

Tờ báo dẫn lời ông Ngô Khiêm (Wu Qian) - người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc - cho biết nội dung diễn tập mới trên nhằm giải quyết xu hướng tấn công khủng bố bằng UAV.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên SCO mới đây đã tiến hành cuộc diễn tập kéo dài hai tuần có tên “Sứ mệnh hòa bình 2021”, vốn đã kết thúc vào ngày 24-9, tại Vùng Orenburg của Nga.

Các bệ phóng tên lửa trong cuộc tập trận quân sự chống khủng bố chung “Sứ mệnh hòa bình 2021” của SCO. Ảnh: EPA-EFE

Trao đổi trong cuộc họp báo hàng tháng hôm 30-9, ông Ngô cho biết: “Sự ra đời của các biện pháp đối phó các cuộc tấn công bằng UAV bổ sung đã cải thiện đáng kể khả năng thực chiến của những lực lượng tham gia chống lại các cuộc tấn công khủng bố”.

Theo một bài báo do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố hồi tuần trước, cuộc diễn tập chống khủng bố của SCO cũng rút ra kinh nghiệm chiến đấu từ một số cuộc xung đột quân sự khu vực trong những năm gần đây, bao gồm cuộc chiến tại Syria hay cuộc xung đột Armenia-Azerbaijan liên quan khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, bằng cách triển khai sử dụng hạng nặng đối với tên lửa, máy bay không người lái và pháo phản lực.

Các chuyên gia an ninh nhận định các chiến thuật mới được đưa ra trong bối cảnh SCO, một nhóm an ninh khu vực do Trung Quốc và Nga dẫn đầu, lo ngại về những rủi ro và thách thức mới phát sinh từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

“Tất cả các thành viên SCO cần phải đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả và toàn diện bởi vì tất cả đều đặt dưới nguy cơ của các cuộc tấn công khủng bố tiềm ẩn sau khi tất cả quân đội nước ngoài rời khỏi Afghanistan” – ông Sun Yu, nhà nghiên cứu về an ninh Á-Âu tại ĐH Bang Andijan ở Uzbekistan, cho hay.

Theo ông Li Wei - chuyên gia về chống khủng bố tại Bắc Kinh, trong bối cảnh chiến tranh bằng UAV đang trên đà nổi lên như một trong những diễn biến an ninh quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ này, công nghệ này đã trở thành một phương tiện để tạo ra bầu không khí sợ hãi nhằm ảnh hưởng đến đối tượng mục tiêu.

“Sự phổ biến của UAV là một con dao hai lưỡi, vì công nghệ này không cần các kỹ thuật viên có tay nghề cao để vận hành” – ông Li nói.

“Sự phát triển như nấm của các UAV nhỏ, có sẵn trên thị trường mang đến cho những kẻ khủng bố một lựa chọn có chi phí thấp để thực hiện các cuộc tấn công theo từng giai đoạn” – chuyên gia này nói thêm.

Ngăn chặn các cuộc tấn công bằng UAV: Vấn đề đau đầu

Trong khi đó, ông Zhou Chenming - nhà nghiên cứu từ viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh – nhận định việc tìm cách ngăn chặn và phát hiện các cuộc tấn công bằng UAV sắp tới đã trở thành một vấn đề đau đầu.

"Các biện pháp đối phó và chiến thuật sẽ liên quan rất nhiều công nghệ phức tạp, bao gồm tích hợp cảm biến quang điện và hệ thống radar, triển khai thiết bị gây nhiễu, sau đó sử dụng súng bắn lưới hoặc ánh sáng laser để tiêu diệt mục tiêu" – ông Zhou nói thêm.

Theo South China Morning Post, vụ khủng bố bằng UAV mới nhất diễn ra vào cuối tháng 7 liên quan vụ tấn công nhằm vào một tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Oman ở Biển Ả Rập.

Các quan chức Israel cáo buộc Tehran đã tiến hành cuộc tấn công này, nhưng phía Iran đã phủ nhận.

Năm ngoái, một máy bay không người lái chứa đầy chất nổ do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã tấn công một căn cứ quân sự ở Libya. Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới liên quan một UAV tự động tấn công con người mà không được chỉ định làm như vậy.

Hơn 4.000 binh sĩ từ chín quốc gia đã tham gia cuộc diễn tập quân sự chống khủng bố chung từ ngày 13-9 đến ngày 24-9, trong đó có 550 quân đến từ Trung Quốc.

Ngoài tám quốc gia thành viên SCO - Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Ấn Độ, Pakistan và Uzbekistan, cuộc tập trận lần đầu tiên có sự tham gia của quốc gia quan sát viên là Belarus.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm