Mâu thuẫn Mỹ-Pháp 'mở cửa' cho Trung Quốc tiếp cận châu Âu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo các nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc, sự rạn nứt chưa từng có giữa Mỹ và Pháp về liên minh ba bên mới với Anh và Úc đặt ra câu hỏi về cam kết của Washington đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương và có thể tạo cơ hội cho Bắc Kinh cải thiện quan hệ với châu Âu.

Theo tờ South China Morning Post ngày 18-9, sau khi Hiệp ước AUKUS (Úc-Anh-Mỹ) được công bố, Pháp - đồng minh lâu đời nhất của Mỹ đã triệu hồi đại sứ của mình tại Washington và Canberra để tham vấn.

Theo Hiệp ước AUKUS, Mỹ sẽ cung cấp cho Úc công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để giúp ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa hợp đồng mua bán tàu ngầm diesel trị giá 40 tỉ USD trước đó của Úc với Pháp sẽ bị hủy bỏ.

Trước động thái này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi liên minh quân sự mới là mối đe dọa đối với hòa bình trong khu vực và cho biết họ sẽ "theo dõi chặt chẽ" tình hình.

Cơ hội cho Trung Quốc cải thiện quan hệ với EU

Các nhà quan sát ở Trung Quốc cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ, mà Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mô tả là "một nhát dao đâm sau lưng", có thể là cơ hội để Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

EU vốn từ lâu luôn muốn được tự chủ chiến lược và tránh việc chọn bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ. Khối này cũng nhấn mạnh việc hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học là "điều cần thiết".

"Ở một mức độ nào đó, hiệp ước mới làm giảm độ tin cậy trong cam kết hợp tác của Mỹ với các đồng minh châu  u và tạo cơ hội cho Trung Quốc phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với châu Âu" - ông Ding Yifan, cựu Phó Giám đốc Viện Phát triển Thế giới tại Trung tâm Nghiên cứu Hội đồng Nhà nước nhận định.

Ông Ding nói thêm rằng việc loại Pháp khỏi một hợp đồng mà nước này từng mang xem là "thỏa thuận của thế kỷ" có thể là một đòn giáng mạnh vào lòng tin của châu Âu đối với Mỹ. Điều này cộng với quyết định rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan càng làm mất đi vị thế của nước này như một đồng minh đáng tin cậy đối với EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người ủng hộ nhiệt tình đối với quyền tự trị chiến lược của châu Âu. Hồi tháng 2, ông nói rằng EU không nên tự động đứng về phía Washington để đối phó Bắc Kinh, mặc dù khối này chia sẻ các giá trị với Mỹ.

"Trong khi Mỹ đã thành công trong việc hợp tác với Úc vào thời điểm này, họ đã đẩy Pháp và các đồng minh châu Âu ra xa hơn. Theo một nghĩa nào đó, Mỹ không quan tâm nhiều đến lợi ích của các đồng minh. Điều này có thể khiến EU ngày càng muốn củng cố quyền tự chủ chiến lược của mình" - ông Ding nói.

Vẫn không dễ cho Bắc Kinh

Tuy nhiên, các nhà quan sát đồng ý rằng sẽ không dễ dàng để Bắc Kinh có thể tranh thủ cơ hội từ mâu thuẫn Pháp - Mỹ.

Giống như Mỹ - vốn gọi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược" trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, EU cũng coi Trung Quốc là "đối thủ mang tính hệ thống" trong một bài báo vào năm 2019.

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và EU đã xuống mức thấp trong những tháng gần đây sau các xung đột về nhân quyền ở Tân Cương, dẫn đến việc Nghị viện châu Âu đình chỉ phê chuẩn một thỏa thuận đầu tư, và gần đây nhất là căng thẳng giữa Trung Quốc và Lithuania về Đài Loan.

Pháp đã tăng cường sự hiện diện của mình ở Biển Đông trong năm qua, thực hiện các cuộc tuần tra ở vùng biển này vào tháng 2 và cùng với quân đội Mỹ và Nhật tham gia tập trận chung vào tháng 5.

Theo ông Shi Yinhong - chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, trong khi Pháp tỏ ra khó chịu, điều này có thể mở ra một số cơ hội cho các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Paris.

Tuy nhiên, ông lưu ý thêm: "Trong mọi trường hợp, ngay cả khi Pháp đã đạt được thỏa thuận, khả năng răn đe chiến lược của Úc đối với Trung Quốc vẫn sẽ được cải thiện đáng kể ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông".

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm