Mỹ: Bộ trưởng tư pháp da đen đầu tiên

Ngày 2-2, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn ông Eric Holder giữ chức bộ trưởng Tư pháp da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ông Eric Holder từng giữ chức thứ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

Bộ trưởng Tư pháp da đen

Việc phê chuẩn ông Eric Holder giữ chức bộ trưởng Tư pháp sẽ dẫn đến việc xem xét lại và thay đổi hầu hết chính sách gây tranh cãi từ thời Tổng thống George Bush, từ kỹ thuật thẩm vấn cho đến xét xử khủng bố.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh đóng cửa nhà tù Guantanamo trong một năm và thành lập ban chuyên trách do hai bộ trưởng Tư pháp và Quốc phòng đứng đầu để xem xét lại chính sách giam giữ nghi can khủng bố.

Một sứ mệnh quan trọng của ông Eric Holder là xem xét lại văn phòng tư vấn pháp lý của Nhà Trắng. Các luật sư của văn phòng này vẫn bênh vực cho việc sử dụng các cách thức thẩm vấn gây nhiều tranh cãi và tự xem như công tố viên của Nhà Trắng. Trong buổi điều trần phê chuẩn, ông Eric Holder đã tuyên bố thẩm vấn nghi can khủng bố theo cách trấn nước là tra tấn.

Ông Eric Holder có thể cũng sẽ xem xét lại các vấn đề về quyền tự do dân sự (giám sát điện thoại, thư điện tử mà không cần lệnh tòa án). Ông cũng sẽ kiểm tra lại phán quyết của nguyên Bộ trưởng Tư pháp Michael Mukasey quy định người nhập cư bất hợp pháp có thể bị trục xuất mà không có quyền được trợ giúp pháp lý từ luật sư công.

Ngoại trưởng nhậm chức

Bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã chính thức tuyên thệ nhậm chức hôm 2-2. Dự kiến ngày 3-2 theo giờ địa phương, bà sẽ tiếp Ngoại trưởng Anh David Miliband và Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier. Chủ đề hội đàm trọng tâm sẽ là vấn đề hạt nhân của Iran.

Hiện nay, kế hoạch công du nước nào của bà vẫn còn trong quá trình bàn bạc. Tuy nhiên, nhật báo Yomiuri Shimbun (Nhật) dẫn nguồn tin từ hai chính phủ Mỹ và Nhật cho biết bà có thể thăm Nhật đầu tiên vào giữa tháng 2, sau đó sẽ thăm Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia.

Nhật báo nêu trên nhận định bà Ngoại trưởng Hillary Clinton chọn thăm Nhật đầu tiên nhằm xóa bỏ mối lo ngại chính quyền mới ở Mỹ tập trung vào mối quan hệ với Trung Quốc và ít quan tâm đến mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.

Nhật báo Nhật cho biết bà Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ ký một thỏa thuận chuyển lính thủy đánh bộ Mỹ ở Okinawa (Nhật) sang đảo Guam như một phần trong kế hoạch bố trí lại quân đội Mỹ tại Nhật.

Nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể sẽ là các chủ đề hội đàm trọng tâm của bà Hillary Clinton với Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Mục đích viếng thăm Indonesia của bà nhằm khôi phục quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo.

Thảo luận rút quân khỏi Iraq

Nguồn tin Nhà Trắng cho biết ngày 3-2, Tổng thống Barack Obama sẽ đề cử thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Judd Gregg (bang New Hampshire) vào ghế bộ trưởng Thương mại.

Trước đó, Thống đốc bang New Hampshire John Lynch đã ra điều kiện ông chỉ tán thành đề cử này nếu một thành viên của đảng Cộng hòa được bổ nhiệm vào ghế thượng nghị sĩ để lại của ông Judd Gregg.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cho biết hôm 2-2, Tổng thống Obama đã gọi điện thoại cho Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki và Tổng thống Iraq Jalal Talabani để thảo luận kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Iraq. Trong các cuộc điện đàm, ông Obama khẳng định sẽ tham khảo ý kiến chính phủ Iraq trong vấn đề rút quân đội Mỹ.

Cũng trong ngày 2-2, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Trung Đông George Mitchell đã gặp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại Paris (Pháp) nhằm khôi phục đàm phán hòa bình ở dải Gaza. Trước đó, ông đã đến Israel, Palestine, Ai Cập và Saudi Arabia.

Tính đến ngày 2-2 theo giờ địa phương, bão tuyết ở Mỹ bắt đầu từ tuần trước đã làm 55 người chết. Nặng nhất là bang Kentucky với 24 người chết. Thống đốc bang Kentucky Steve Beshear đã đề nghị Tổng thống Obama tuyên bố thảm họa lớn ở bang này nhằm huy động thêm nguồn cứu trợ của liên bang. Hiện tại bang Kentucky vẫn còn 300.000 người sống trong cảnh mất điện. Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang đã nhanh chóng chuyển lương thực và nước uống cứu trợ.

LÊ LINH (Theo AFP, Reuters, AP, Hindu, Boston, Washington Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm