Hôm 12-2, trong cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Điều tra viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về vấn đề nhân quyền tại Myanmar thúc giục Hội đồng Bảo an (HĐBA) xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt nước này.
Cùng với đó, Mỹ cũng đã kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ trừng phạt Myanmar như Mỹ đã làm với lực lượng quân đội nước này vào hôm 11-2, kênh Channel News Asia đưa tin.
Báo cáo viên đặc biệt Thomas Andrews cho biết "ngày càng có nhiều báo cáo và bằng chứng hình ảnh" về việc lực lượng quân đội Myanmar đã sử dụng đạn thật để trấn áp người biểu tình kể từ khi nắm chính quyền.
Ông Andrews nói rằng các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar như nghị quyết trừng phạt của HĐBA, lệnh cấm vận vũ khí, cấm đi lại và hành động tư pháp của Toà án Hình sự Quốc tế hoặc các tòa án đặc biệt nên được đưa ra bàn thảo.
Phiên họp của Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên, được nhóm họp theo yêu cầu của Anh và Liên minh châu Âu (EU) để xem xét một nghị quyết kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự Myanmar Aung San Suu Kyi và cho phép các giám sát viên của LHQ đến Myanmar. Nghị quyết này đã được thông qua dù các đặc phái viên của Myanmar, Nga và Trung Quốc không đồng thuận.
Đại sứ Áo Elisabeth Tichy-Fisslberger thay mặt EU phát biểu rằng: “Với nghị quyết này, chúng tôi muốn gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới người dân Myanmar rằng việc bảo vệ các vấn đề nhân quyền của người dân Myanmar quan trọng đối với chúng tôi”.
Cảnh sát Myanmar dùng vòi rồng trấn áp người biểu tình. Ảnh: SKY NEWS
Trong một lá thư gửi tới Hội đồng Nhân quyền vào trước hôm 12-2, khoảng 300 nghị sĩ Anh đã kêu gọi LHQ điều tra về "những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" của quân đội Myanmar kể từ khi bắt đầu chính biến.
Đại sứ Anh Julian Braithwaite đã đọc bức thư này trong phiên họp. Theo lá thư, các nghị sĩ cho rằng “quân đội còn bắn những người biểu tình, xâm nhập văn phòng của đảng cầm quyền, tịch thu tài liệu, hồ sơ và tài sản".
Đại biện thường nhiệm Mark Cassayre của Mỹ kêu gọi các nước thành viên cùng với Mỹ trừng phạt có mục tiêu đối với Myanmar.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga cho biết họ phản đối việc tổ chức phiên họp.
Đại sứ Trung Quốc Chen Xu nói rằng “Những gì xảy ra ở Myanmar là công việc nội bộ của Myanmar”.
Đại sứ Nga Gennady Gatilov nói: "Cần phải chấm dứt những sự cường điệu hoá xung quanh tình hình ở Myanmar."
Hôm 12-2, hàng trăm nghìn người Myanmar đã biểu tình phản đối chính biến bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người của lực lượng quân đội.
Theo Phó Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Nada al-Nashif, hơn 350 quan chức, nhà hoạt động, nhà báo, nhà sư và sinh viên đã bị bắt giữ.
Đại sứ Myanmar Myint Thu cho biết Myanmar sẽ tiếp tục hợp tác với LHQ và duy trì các hiệp ước nhân quyền quốc tế.