Mỹ đánh giá cao vai trò của Thủ tướng Nhật Suga trong vấn đề TQ, Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin Mỹ ngày 3-9 dường như đã xoa dịu lo ngại rằng quyết định từ chức đột ngột của Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương Mỹ-Nhật, đồng thời ca ngợi những nỗ lực chung gần đây trong việc giải quyết các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan.

Theo một phát ngôn viên Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3-9 đã bày tỏ "sự đánh giá cao đối với sự lãnh đạo và quan hệ đối tác của Thủ tướng Suga về những thách thức chung mà hai bên phải đối mặt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới, bao gồm COVID-19, biến đổi khí hậu, Triều Tiên, Trung Quốc, gìn giữ hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Mỹ đánh giá cao vai trò của Thủ tướng Nhật Suga trong vấn đề TQ, Đài Loan. Ảnh: KYODO NEWS

Vị quan chức này cho biết: "Chúng tôi cầu chúc cho Thủ tướng Suga những điều tốt đẹp trong tương lai. Liên minh Mỹ-Nhật đang và sẽ vẫn gắn bó, không chỉ giữa chính phủ hai bên, mà cả người dân hai bên".

Tuy nhiên, bên cạnh tuyên bố lạc quan, sự thay đổi mạnh mẽ về chính trị đối với đồng minh thân cận của Mỹ có thể sẽ gây thất vọng cho chính quyền ông Biden, vốn nhiều tháng qua đã nỗ lực tăng cường hợp tác với Nhật nhằm đối phó sự quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông James Schoff - chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nhật tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace (Washington) – nhận định: “Chính phủ Nhật sẽ phải bắt đầu lại với chính quyền ông Biden, điều này hơi đáng thất vọng”.

Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra rằng tác động có thể sẽ không nghiêm trọng và "có thể kiểm soát được ở giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ của ông Biden".

Ông Schoff thừa nhận rằng ông rất ngạc nhiên trước thông tin ông Suga quyết định không tái tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào cuối tháng này, đồng nghĩa với việc đảng này sẽ chọn một nhà lãnh đạo mới.

Người trở thành lãnh đạo đảng LDP nhìn chung chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng Nhật do ưu thế của đảng này tại Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Schoff cũng cho rằng diễn biến trên "là một kết quả ngày càng khả thi khi mức độ ủng hộ dành cho nội các của ông Suga đã giảm xuống, trong bối cảnh biến thể Delta vẫn lây lan trong những tuần gần đây".

Đồng quan điểm, chuyên gia Patrick Cronin thuộc Viện Hudson (Washington) nhận định việc ông Suga từ chức "có thể là đột ngột, nhưng nó hầu như không nằm ngoài dự đoán".

“Kể từ thời điểm ông ấy kế nhiệm ông Shinzo Abe, đã có nhiều câu hỏi về thời gian nhiệm kỳ của ông ấy” – chuyên gia này cho biết.

Trong khi lưu ý rằng "sự không chắc chắn nhất thời về vai trò lãnh đạo của Nhật sẽ làm phức tạp thêm kế hoạch ngoại giao trong thời gian gần", ông Cronin cũng nhận định "triển vọng trước mắt là dành cho một người kế nhiệm, người chủ yếu mang lại sự liên tục hơn là thay đổi triệt để".

“Tóm lại, bất ổn chính trị trong nước bên trong Nhật không có khả năng làm xáo trộn các chính sách cơ bản và khả năng của Nhật với tư cách là một đồng minh trung thành trong việc tìm cách duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trật tự thế giới tự do, rộng mở” – ông Cronin nói thêm.

Trước đó, ông Suga hôm 3-9 đã gây xôn xao khi bày tỏ ý định từ chức trong bối cảnh dư luận chỉ trích về phản ứng của ông đối với đại dịch COVID-19 và ngày càng có nhiều nghi ngờ giữa các nhà lập pháp đảng LDP cầm quyền về khả năng lãnh đạo của ông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng ông Suga là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Biden mời đến Nhà Trắng để gặp mặt trực tiếp.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật tại Washington hồi tháng 4, ông Biden và ông Suga đã nhấn mạnh "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm