Vì tầm quan trọng chiến lược của Belarus đối với cả Nga và NATO, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua đã nỗ lực nối lại quan hệ với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko để lôi kéo nước này khỏi quỹ đạo của Nga.
Tuy nhiên, diễn biến biểu tình sau bầu cử ở Belarus và việc Tổng thống Lukashenko ứng xử bạo lực với người biểu tình đã khiến Mỹ lúng túng trong việc tìm bước đi phù hợp với Belarus.
Nỗ lực làm ấm quan hệ với Belarus
Có thể nói thời gian qua Mỹ và Tổng thống Trump đã nỗ lực để lập lại quan hệ ngoại giao hữu nghị với Tổng thống Lukashenko.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Pompeo đã thăm Minsk - chuyến thăm mà nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Lukashenko muốn vin vào đó để cho thấy mình có thái độ cứng rắn với Nga. Ông Pompeo là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến Minsk sau nhiều năm. Trong các cuộc gặp ở Minsk, trong đó có gặp Tổng thống Lukashenko, ông Pompeo đều bày tỏ sự lạc quan rằng chuyến đi của ông là “một bước đi chắc chắn đầu tiên tiến tới cải thiện quan hệ”.
Tháng 4 vừa rồi, Nhà Trắng thông báo đã đề cử vị trí đại sứ ở Belarus - bà Julie Firher. Nếu được phê chuẩn, bà Fisher sẽ là đại sứ Mỹ đầu tiên tại Minsk kể từ năm 2008, khi chính phủ Belarus trục xuất đại sứ Mỹ và 30/35 nhà ngoại giao Washington.
Có thể thấy Mỹ thời gian qua đã rất nỗ lực lôi kéo Belarus khỏi ảnh hưởng của Nga. Hồi tháng 5, Mỹ đưa một lô dầu lớn sang Belarus để nước này giảm bớt phụ thuộc năng lượng vào Nga. Tới thời điểm này, Mỹ vẫn duy trì trừng phạt với Belarus nhưng quy mô đã giảm nhiều so với trước.
Biểu tình trên đường phố thủ đô Minsk (Belarus) ngày 25-8 phản đối kết quả bầu cử tổng thống. Ảnh: AP
Lúng túng tiến hay lùi
Theo tạp chí Defense One (Mỹ), tất cả nỗ lực của Mỹ đã bị hủy hoại nghiêm trọng với diễn biến biểu tình sau bầu cử ở Belarus và việc ông Lukashenko ứng xử bạo lực với người biểu tình.
Không lâu sau khi kết quả bầu cử tổng thống Belarus được công bố và biểu tình xuất hiện, Ngoại trưởng Pompeo đã lên tiếng quan ngại rằng cuộc bầu cử này “không tự do và công bằng”. Ông Pompeo đề nghị chính phủ Belarus tôn trọng quyền biểu tình hòa bình của người dân, kiềm chế bạo lực. Ông George Kent, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Âu và Á Âu, nói Mỹ cực kỳ quan ngại về những gì xảy ra ở Belarus.
Ngày 24-8, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan nói Mỹ quan ngại sâu sắc về cuộc bầu cử ngày 9-8 ở Belarus và việc nhà chức trách nước này đàn áp biểu tình sau đó. Cùng ngày, ứng viên tổng thống Mỹ bên đảng Dân chủ - ông Joe Biden ra tuyên bố ủng hộ những người đang kêu gọi minh bạch bầu cử, thả tù nhân chính trị, đồng thời kêu gọi ông Lukashenko tôn trọng quyền biểu tình hòa bình, kiềm chế bạo lực.
Từ việc Mỹ đứng cùng phía các đồng minh châu Âu nghi ngờ kết quả bầu cử tổng thống Belarus, phản đối chính phủ Tổng thống Lukashenko đối xử bạo lực với người biểu tình, nhiều chuyên gia nói với CNN rằng họ không rõ con đường của Mỹ nhằm lập lại quan hệ hữu nghị với Belarus rồi sẽ thế nào.
Về quân sự, theo một báo cáo năm 2018 của Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA - Mỹ), “Belarus có sự phối hợp chặt với lực lượng vũ trang Nga”. Hiện Nga không có căn cứ quân sự ở Belarus nhưng ông Putin đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo khả năng đưa lực lượng sang Belarus nhằm tăng cường phòng thủ khu vực cũng như thách thức NATO. Các diễn biến những ngày qua cho thấy chiến lược của Mỹ (với Belarus - PV) đã sụp đổ và Mỹ cần có cách tiếp cận khác. Chuyên gia cấp cao HEATHER CONLEY |
Đã có hàng trăm người bị thương và hàng ngàn người bị bắt tại Belarus. Theo CNN, thương vong từ cuộc biểu tình này có thể sẽ ảnh hưởng đến chủ trương cải thiện quan hệ với Belarus của Mỹ.
Trước mắt, có thể thấy tiến trình phê chuẩn đại sứ Mỹ ở Belarus bị kẹt lại ở Thượng viện vì nhiều nghị sĩ Mỹ đề nghị ngưng lại sau khi biểu tình nổ ra ở Belarus. Lý do theo Thượng nghị sĩ Chris Murphy, nếu tiếp tục thời điểm này thì sẽ là một sai lầm lớn, vì nó sẽ giống như “tán thành sự trấn áp (người biểu tình) của ông Lukashenko”.
Theo hãng tin Tass, ngày 24-8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun Biegun đã có cuộc gặp với ứng viên tổng thống đối lập Belarus - bà Svetlana Tikhanovskaya ở Lithuania. Tại cuộc gặp này, ông Biegun tái khẳng định cam kết của Mỹ với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Belarus cũng như quyền chủ quyền của người dân nước này trong lựa chọn lãnh đạo và quyết định tương lai của họ. Ông Biegun cũng gặp các lãnh đạo ngoại giao, quốc phòng Lithuania bàn về Belarus và cách đối phó Nga.
Tuy nhiên, đến ngày 25-8, ông Biegun sang Moscow. Trong nhiều vấn đề ông Pompeo bàn với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov có khủng hoảng Belarus, cũng theo Tass.
Các động thái trên đây là biểu hiện mới nhất cho sự lúng túng của Mỹ trong việc tìm kiếm bước đi với Belarus trước những gì đã và đang xảy ra ở Minsk.
Theo chuyên gia cấp cao Heather Conley tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), không rõ liệu chính phủ ông Trump có điều chỉnh lại chính sách với Belarus và sẽ điều chỉnh thế nào và liệu chính sách này có phù hợp với chính sách của Liên minh châu Âu hay không.
Belarus quan trọng thế nào với Nga? Các vấn đề của Belarus rất quan trọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo tạp chí Defense One. Về vị trí địa lý, Belarus nằm về phía tây của Nga và chỉ cách vùng Kaliningrad của Nga 65 km. Không những giáp Nga (phía đông bắc đất nước), Belarus còn giáp Ukraine về phía nam, Ba Lan về phía tây và Lithuania cùng Latvia ở tây bắc. Nga và Belarus ngăn cách bằng một dải biên giới hẹp (104 km) - nửa Ba Lan, nửa Lithuania, được biết đến với cái tên Hành lang Suwalki. Phong tỏa Hành lang Suwalki thì có thể xem như phong tỏa các nước thành viên NATO ở vùng Baltic (Latvia, Lithuania, Estonia) với Ba Lan và các nước NATO còn lại. Chính NATO năm 2017 cũng thừa nhận lỗ hổng phòng vệ này một khi Nga tấn công. Chuyện Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận Người bảo vệ 2020 không phải ngẫu nhiên, mà để tăng khả năng bảo vệ Hành lang Suwalki. |