Mỹ - NATO và Nga sẽ tránh được xung đột, nếu…

Đã hơn hai tháng nhưng căng thẳng giữa Nga với Mỹ và NATO liên quan Ukraine chẳng những chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn nóng hơn, đến mức có nhiều ý kiến lo ngại có thể sẽ xảy ra xung đột vũ trang giữa các bên, thậm chí có thể leo thang thành Thế chiến thứ ba.

Nhằm ngăn ngừa nguy cơ này, một tướng quân đội Mỹ và một chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ đã có chung một bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), phân tích cục diện, mong muốn của các bên và những điều các bên có thể đáp ứng nhau để tránh hậu quả không ai mong muốn.

Binh sĩ Ukraine tập trận với vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới vừa được Anh chuyển qua, tại Trung tâm Gìn giữ hòa bình an ninh quốc tế gần TP Yavoriv thuộc tỉnh Lviv (Ukraine) ngày 28-1. Ảnh: REUTERS

Có qua có lại

Một trong hai tác giả là Trung tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Dell Dailey, đã chỉ huy nhiều đơn vị hoạt động đặc biệt trong thời bình và thời chiến, cựu lãnh đạo văn phòng chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đồng tác giả còn lại là chuyên gia an ninh quốc gia James P. Farwell (Mỹ) chuyên về chiến tranh thông tin, các chiến dịch gây ảnh hưởng, chiến lược và chính sách mạng, làm cố vấn cho Bộ chỉ huy Hoạt động đặc biệt Mỹ, Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ, Thủy quân lục chiến Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ về chính sách và tình báo.

Theo tướng Dailey và chuyên gia Farwell, viễn cảnh cuộc chiến có thể tránh được và cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin đều biết cần phải ra tay để ngăn chặn. Điều cả hai bên cần là một chiến lược lớn xác định lại mối quan hệ giữa phương Tây và Nga, đảm bảo lợi ích an ninh mà mỗi bên đòi hỏi.

Mỹ và NATO cần hiểu dù không muốn Ukraine thân thêm với phương Tây nhưng ông Putin sẽ không muốn có một cuộc chiến thực sự. Lý do ông khó mà duy trì được sự ủng hộ ở Nga một khi đẩy binh sĩ Nga vào cảnh phải chịu thương vong và điều này đặc biệt nguy hại trong bối cảnh Nga đã mất quá nhiều người vì dịch COVID-19.

Quan trọng là Mỹ cần ngừng phản ứng trước các mối đe dọa từ phía Nga và chuyển sang tư thế chủ động giải quyết cuộc khủng hoảng, đề xuất các ý tưởng hành động phù hợp với tất cả các bên. Cuối cùng, điều Mỹ muốn vẫn là hành động từ Nga để đảm bảo lợi ích an ninh của Mỹ, cũng như Nga muốn thấy hành động từ Mỹ để đảm bảo lợi ích của Nga.

Hai tác giả đề nghị trước tiên phương Tây nên xúc tiến bàn bạc thống nhất với Nga các nội dung mỗi bên cần bên kia đáp ứng. Nếu sau đó phát hiện Nga thực thi lỏng lẻo hay phá vỡ thỏa thuận thì phương Tây có thể đổi hướng (cả chính trị và quân sự, chẳng hạn như hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine) để bảo vệ các lợi ích an ninh của mình.

Những chiến lược hợp lý nào có thể phù hợp với tất cả các bên? Hai tác giả đề cập các lĩnh vực cần xem xét để các bên có thể tìm thấy điểm chung và tránh chiến tranh. Một khuôn khổ ổn định giữa Nga và phương Tây có thể bao gồm nhiều ý tưởng, trong đó có những điều mà phương Tây phải đáp ứng Nga, cũng như ngược lại.

Phương Tây và Nga cần đáp ứng nhau những gì?

Đầu tiên, phương Tây nên đảm bảo rằng cả Ukraine và Georgia sẽ không trở thành thành viên của NATO. Phương Tây không bắt buộc phải kết nạp các nước này mới bảo vệ được lợi ích an ninh của mình và cũng không cần nói bóng gió về các nước này quá chặt chẽ để Nga cảm thấy các mối quan hệ này giống như đã trở thành thành viên.

Ukraine có thể chấp nhận một tình trạng tương tự như Áo - làm ăn với tất cả các bên và duy trì nền độc lập. Tình trạng như vậy sẽ không gây hại cho phương Tây và sẽ loại bỏ mối đe dọa mà Nga hay phàn nàn. Ukraine cần phải là một phần của cuộc đàm phán nội dung này.

Rõ ràng ông Putin muốn Mỹ tránh can thiệp vào nội bộ chính trị của Nga. Theo hai tác giả, Mỹ có cơ sở để cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, châu Âu tức giận vì cáo buộc Nga vũ khí hóa truyền thông xã hội và các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp khác để gây tiêu cực chính trị đến NATO và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, cũng theo hai ông, như Nga đã chỉ ra, không quốc gia nào can thiệp vào chính trị của các quốc gia khác nhiều như Mỹ. Hướng đi là phương Tây và Nga có một thỏa thuận chung không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau.

Cuối cùng, ông Putin muốn Nga được tôn trọng như một cường quốc, ngang với phương Tây. Theo hai tác giả, chuyện này không đơn giản nhưng có thể đạt được.

Ở chiều ngược lại, Nga cũng có thể phải đáp ứng một số mong muốn từ phía Mỹ và NATO. Ngoài chuyện cam kết ngừng can thiệp vào các vấn đề chính trị hoặc nội bộ của nhau, Nga phải thừa nhận rằng phương Tây đang hoạt động với một mặt trận thống nhất thông qua Mỹ, NATO, EU và các bên khác. Mỹ phải làm rõ rằng phương Tây sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tôn trọng các nghĩa vụ của NATO, bao gồm việc tăng cường sức mạnh quân sự hiện tại ở châu Âu.

Nga phải cam kết tránh sử dụng đường ống khí đốt Nord Stream 2 làm đòn bẩy chính trị để ảnh hưởng đến chính trị châu Âu. Nga cũng phải kiểm soát và trấn áp tội phạm tấn công mạng nhắm vào phương Tây.

Theo hai tác giả, các vấn đề khi đi vào thực tế rõ ràng sẽ phức tạp hơn và nhiều sắc thái hơn nhưng nhìn chung những ý tưởng này có thể giúp đưa ra một khuôn khổ cho đàm phán.•

Tất cả các bên có trách nhiệm phải tránh để xảy ra một cuộc xung đột vũ trang có thể leo thang thành Thế chiến thứ ba cho chính họ, công dân của họ và thế giới, và thời gian ngày càng gấp.

Trung tướng DELL DAILEY và chuyên gia an ninh quốc gia JAMES P. FARWELL

Cả Nga và phương Tây đừng quên tham vọng của Trung Quốc

Trong bài viết trên National Interest, Trung tướng Mỹ Dell Dailey và chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ James P. Farwell cùng đề cập đến một điều quan trọng nữa và là một vấn đề ngoại giao cần thời gian để giải quyết. Đó là Nga và phương Tây nên cố gắng tìm ra điểm chung thừa nhận mối đe dọa hiện hữu do tham vọng của Trung Quốc nhằm thiết lập quyền lực kinh tế và quân sự toàn cầu vào năm 2049.

Trung Quốc một khi đạt được tham vọng đó sẽ gây ra một mối đe dọa hiện hữu cho cả hai bên. Nga sẽ không tham gia liên minh của phương Tây chống lại Trung Quốc nhưng phương Tây cũng có thể tác động để Nga không liên minh với Trung Quốc chống lại phương Tây. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm