Mỹ, Trung Quốc điện đàm nêu quan điểm đối ngoại cứng rắn

Ngày 6-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm bàn về các cơ sở để quản lý các tranh chấp trong tương lai, theo tờ South China Morning Post.

Trong cuộc gọi, ông Blinken cảnh báo rằng Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã đe dọa sự ổn định của khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: REUTERS

"Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền và các giá trị dân chủ, đồng thời thúc ép Trung Quốc tham gia cộng đồng quốc tế lên án cuộc chính biến ở Myanmar" - Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Cũng theo Washington, ngoại trưởng tái khẳng định Mỹ sẽ làm việc cùng với các đồng minh và đối tác của mình để bảo vệ các giá trị và lợi ích chung và buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những nỗ lực đe dọa sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển Đài Loan.

Trong khi đó, đại diện phía Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ không làm suy yếu các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và sửa chữa "các chính sách sai lầm" của họ.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, ông Dương thúc giục Mỹ làm việc với Bắc Kinh để tạo ra một mối quan hệ không đối đầu.

Đại diện Trung Quốc nói: "Quan hệ Trung - Mỹ hiện đang ở thời điểm then chốt và chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một chính sách ổn định và nhất quán đối với Mỹ.

Ông Antony Blinken (trái) gặp ông Dương Khiết Trì ở Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo ông Dương, hai quốc gia nên tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau và nói thêm rằng vấn đề Đài Loan là "quan trọng và nhạy cảm nhất" đối với Trung Quốc và Washington không nên can thiệp vào các vấn đề đối nội của Bắc Kinh ở Tây Tạng, Tân Cương và Hong Kong.

Hơn nữa, ông Dương cũng kêu gọi Mỹ đóng một "vai trò mang tính xây dựng cho sự ổn định và hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương" và cho rằng cộng đồng quốc tế nên "tạo ra một môi trường bên ngoài lành mạnh để giải quyết vấn đề Myanmar một cách phù hợp", Tân Hoa Xã đưa tin.

Cuộc điện đàm hôm thứ Bảy diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nóng lên. Mới đây, Bắc Kinh đã phản đối việc tàu khu trục USS John S McCain của Mỹ đi vào vùng biển Đông mà Trung Quốc có tranh chấp sau khi quá cảnh ở eo biển Đài Loan.

Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà ông gọi là "côn đồ" trong chiến dịch tranh cử của mình, mặc dù đã có nhiều cuộc trò chuyện với nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác.

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên của mình hôm 4-2, ông Biden mô tả Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất" của Mỹ và thề sẽ "đối đầu với các hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại các hành động gây hấn, ép buộc và đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu".

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm