Hãng AP đưa tin đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 24-5 cảnh báo về nguy cơ nội chiến tại Myanmar, nói rằng người dân đang tự trang bị vũ khí để phản đối chính quyền quân sự, cũng như những người biểu tình đã bắt đầu chuyển từ các hành động phòng thủ sang tấn công, sử dụng vũ khí tự chế và đào tạo từ một số nhóm sắc tộc có vũ trang.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến của LHQ hôm 24-5, bà Chrisrine Schraner Burgener cho biết người dân Myanmar đang bắt đầu các hành động tự vệ vì cảm thấy thất vọng và lo sợ cách đối phó của quân đội khi đang sử dụng “bạo lực trên quy mô lớn".
Bà Chrisrine Schraner Burgener. Ảnh: KEYSTONE / ANTHONY ANEX
Theo bà Burgener, một cuộc nội chiến "có thể xảy ra" và đó là lý do trong ba tuần qua, tại trụ sở công tác ở Thái Lan, bà đã thảo luận với nhiều bên quan trọng về ý tưởng bắt đầu một cuộc đối thoại, bao gồm các nhóm sắc tộc có vũ trang, các đảng phái chính trị, tổ chức dân sự, các ủy ban đình công và quân đội (Tatmadaw), cũng như một nhóm nhỏ nhân chứng từ cộng đồng quốc tế.
“Rõ ràng sẽ không dễ thuyết phục, đặc biệt là cả hai bên, đi đến đối thoại, nhưng tôi sẽ làm hết sức có thể để tránh tình trạng đổ máu và nội chiến trong thời gian dài” - bà Burgener nói.
“Chúng tôi lo ngại về tình hình và rõ ràng chúng tôi muốn người dân [Myanmar] quyết định xem họ muốn thấy đất nước trở lại bình thường như thế nào" – đặc phái viên của LHQ nói thêm.
Bà Burgener gọi tình hình ở Myanmar là “rất tồi tệ”, chỉ ra rằng hơn 800 người đã thiệt mạng, hơn 5.300 người bị bắt và hơn 1.800 lệnh bắt giữ do quân đội ban hành.
Vị đặc phái viên LHQ cũng trích dẫn các báo cáo về số người chết, bị thương. Tuy nhiên, báo cáo về thiệt hại về nhà cửa và tài sản dân sự tại thị trấn Mindat, phía tây bang Chin, nơi quân đội tuyên bố thiết quân luật, vẫn chưa được xác nhận.
Bà Burgener cũng đưa ra những báo cáo mới về tình trạng bạo lực gia tăng ở bang Kayah, miền đông Myanmar và miền nam bang Shan.
Trước đó, lãnh đạo các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi tháng 4 đã tổ chức phiên họp đặc biệt về tình hình Myanmar, theo đó thống nhất năm điểm về Myanmar gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa “tất cả các bên liên quan”, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.
Bên lề phiên họp đặc biệt trên, bà Burgener đã có cuộc gặp kéo dài một tiếng với tướng Min Aung Hlaing - tổng tư lệnh quân đội Myanmar.
Bà Schraner Burgener cho biết tướng Hlaing cho biết ông sẽ xem xét năm điểm đồng thuận khi tình hình Myanmar ổn định.
Hôm 23-5, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Trung Quốc, ông Hlaing cho biết “ông không thấy năm điểm đồng thuận này có thể được thực hiện”.
AP dẫn lời bà Burgener cho biết: “Rõ ràng là việc ASEAN phải phản ứng như thế nào là tùy thuộc vào ASEAN. Rõ ràng, chúng ta nên biết rằng thời gian đang trôi qua và chúng ta không còn nhiều thời gian để xem các hành động trên thực địa, bởi vì thời gian sẽ chỉ nằm trong tay của quân đội".
Theo bà Burgener, quân đội Myanmar hôm 23-5 tuyên bố đã thay đổi các quy định về tuổi nghỉ hưu của tổng tư lệnh, đồng nghĩa với việc ông Hlaing “có thể tại vị suốt đời”.
Bà Burgener nhấn mạnh rằng LHQ đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng bạo lực, bày tỏ “rõ ràng là rất buồn khi thấy mọi người phải sử dụng vũ khí”.