Bà Aung San Suu Kyi lần đầu hầu tòa sau chính biến

Hãng tin Reuters dẫn lời luật sư riêng của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cho biết bà Suu Kyi ngày 24-5 đã lần đầu tiên hầu tòa kể từ cuộc chính biến hồi tháng 2.

Luật sư Thae Maung Maung cho biết bà Suu Kyi hiện duy trì tình trạng sức khỏe tốt và đã có cuộc gặp trực tiếp với đội ngũ pháp lý trong khoảng 30 phút trước phiên hầu tòa.

Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Ảnh: REUTERS

Bà Suu Kyi, 75 tuổi và là một trong số hơn 4.000 người bị giam giữ kể từ cuộc chính biến nổ ra, hiện phải đối mặt các cáo buộc từ nhập khẩu bộ đàm trái phép, vi phạm các biện pháp hạn chế COVID-19 theo Luật Quản lý Thiên tai Myanmar vì tổ chức sự kiện vận động tranh cử hồi tháng 11-2020 cho đến vi phạm luật bí mật nhà nước.

Theo ông Thae Maung Maung, bà Suu Kyi đã gửi lời chúc sức khỏe đến mọi người trong quá trình gặp các luật sư, đồng thời cũng đề cập việc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà có thể sớm bị giải tán.

Trao đổi với Reuters, ông Thae Maung Maung cho biết: “Bà Suu Kyi nói rằng đảng [NLD] được thành lập vì người dân và đảng sẽ ở đó miễn là người dân còn tồn tại”.

Trước đó, ông Thei Soe – người đứng đầu Ủy ban Bầu cử Thống nhất (UEC) do chính quyền quân sự tại Myanmar chỉ định – hôm 21-5 cho biết UEC sẽ giải tán đảng NLD của bà Suu Kyi với cáo buộc gian lận bầu cử.

Ông Soe cho biết "hành vi gian lận bầu cử của đảng NLD là bất hợp pháp, nên chúng tôi sẽ phải xóa bỏ giấy phép đăng ký của đảng này”.

"Những người làm chuyện đó sẽ bị coi là kẻ phản bội. Chúng tôi sẽ hành động" - ông Soe đề cập cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông nước ngoài kể từ sau cuộc chính biến, tướng Min Aung Hlaing - tổng tư lệnh quân đội Myanmar - hôm 22-5 cho biết bà Suu Kyi hiện vẫn trong tình trạng sức khoẻ tốt và sẽ sớm tái xuất hiện để hầu toà.

Quân đội Myanmar hôm 1-2 đã bắt giữ bà Suu Kyi cùng các lãnh đạo đảng NLD cầm quyền với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020, sau đó lên nắm quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm trên cả nước.

Tình hình chính biến tại Myanmar ngày càng căng thẳng khi làn sóng biểu tình ngày càng lan rộng trong nhân dân phản đối chính quyền quân sự, khiến lực lượng an ninh phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh để đối phó.

Theo Hiệp hội Tù nhân Chính trị, đến nay, Myanmar đã ghi nhận hơn 800 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và gần 5.000 người bị bắt giữ.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 20-5, ông Min Aung Hlaing cho biết con số thương vong thực tế là khoảng 300 người và 47 cảnh sát cũng đã thiệt mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm