NATO cam kết sẽ không quên những người Afghanistan chưa thể sơ tán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP hôm 31-8, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - ông Jens Stoltenberg nói rằng các đồng minh NATO đối mặt các câu hỏi hóc búa về sự thất bại tại Afghanistan, song sẽ không quên những người Afghanistan chưa thể sơ tán cũng như cuộc chiến chống khủng bố tại đây.

NATO sẽ không quên các đồng minh Afghanistan

Phát biểu sau khi chuyến bay quân sự cuối cùng của Mỹ rời khỏi thủ đô Kabul, ông Stoltenberg cảnh báo lực lượng Taliban không được ngăn người Afghanistan đang cố tháo chạy khỏi đất nước.

Lực lượng Taliban cầm cờ tại Kabul trong ngày cuối cùng quân đội Mỹ hiện diện. Ảnh: Khwaja Tawfiq Sediqi/AP

Sau 20 năm chiến đấu, phiến quân Hồi giáo một lần nữa tiếp quản phần lớn lãnh thổ Afghanistan và ăn mừng chiến thắng trước việc chính phủ Kabul được phương Tây hậu thuẫn sụp đổ.

Tuy vậy, ông Stoltenberg khẳng định tất cả không phải là sự thất bại cho các đồng minh vì sự can thiệp của họ ít nhất đã ngăn các nhóm khủng bố quốc tế phát động các cuộc tấn công từ Afghanistan nhằm vào các mục tiêu phương Tây.

Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh giới lãnh đạo mới của Kabul cần làm việc với cộng đồng quốc tế để mở lại sân bay, cho phép người Afghanistan làm việc với NATO được đi lại an toàn và ngăn chặn các nhóm cực đoan.

“Điều cần thiết là đảm bảo sân bay mở cửa, vừa để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan vừa để đảm bảo rằng chúng tôi có thể tiếp tục đưa mọi người ra ngoài, những người có mong muốn nhưng không thể tham gia cuộc sơ tán của quân đội Mỹ” – ông Stoltenberg nói.

“Chúng tôi sẽ không quên họ” – ông nhấn mạnh.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng sân bay Kabul có tầm quan trọng mang tính sống còn đối với Afghanistan vì không có sân bay này thì không có viện trợ y tế hay viện trợ nhân đạo nào có thể đến được.

Taliban đang trong quá trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar để đảm nhận vai trò điều hành sân bay Kabul, nơi những tuần gần đây chứng kiến cuộc di cư ồ ạt của những người tị nạn tuyệt vọng và cuộc sơ tán của quân đội Mỹ và đồng minh.

Câu hỏi khó

Các quan chức cấp cao châu Âu đề nghị rằng các chuyên gia dân sự Anh hoặc Liên minh châu Âu (EU) có thể giúp đảm bảo sân bay Kabul hoạt động, song không rõ liệu Taliban có sẵn sàng chấp nhận họ hay không.

Chuyến bay quân sự cuối cùng của Mỹ khởi hành từ sân bay Kabul vào cuối ngày 30-8 sau một cuộc không vận gấp rút giải cứu hơn 123.000 quân nhân NATO và người Afghanistan đã làm việc cùng họ trong cuộc xung đột.

Phát ngôn viên Taliban - ông Zabihullah Mujahid nói trước đơn vị quân sự Badri 313 tại sân bay Kabul (Afghanistan) hôm 31-8. Ảnh: Taliban/REUTERS

Ông Stoltenberg cam kết NATO sẽ duy trì sức ép ngoại giao lên Taliban để cho phép những người Afghanistan còn lại và gia đình của họ, những người đã hỗ trợ các nỗ lực của phương Tây và giờ đang nguy hiểm, rời khỏi đất nước.

Ông Stoltenberg ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO vì đã đề nghị đảm nhận vai trò điều hành sân bay Kabul khi Taliban cố gắng mở lại sân bay. Ông Stoltenberg còn cám ơn khoảng 800 nhân viên dân sự NATO đã giúp đỡ họ trong việc quản lý hoạt động sơ tán bằng máy bay.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh NATO, với những quốc gia khác để giúp mọi người rời đi” – ông Stoltenberg cam kết.

“Taliban đã tuyên bố rõ ràng rằng mọi người sẽ được phép rời đi, chúng tôi sẽ đánh giá Taliban không chỉ dựa trên những gì họ nói mà còn những gì họ làm. Chúng tối sẽ sử dụng đòn bẩy chính trị, ngoại giao, kinh tế của chúng tôi để đảm bảo mọi người có thể rời đi. Điều này quan trọng vì các đồng minh NATO đã ở đó trong nhiều năm” – ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg nói rằng khối liên minh phương Tây gồm 30 thành viên này sẽ phải xem xét cẩn thận những sai lầm trong sứ mệnh của họ để xây dựng một chính phủ và quân đội Afghanistan có khả năng ngăn bước tiến của Taliban.

“Đây là một trong những câu hỏi khó mà chúng tôi phải đặt ra, khi bây giờ chúng tôi sẽ có một quy trình để đánh giá, phân tích và rút ra bài học kinh nghiệm” – ông nói với AFP.

“Vì chúng tôi cần phải hiểu rõ hơn, cả những sai lầm nhưng cũng để phân tích những thành tựu mà chúng tôi đã đạt được tại Afghanistan, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố” – ông Stoltenberg nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm