Không vội vàng công nhận chính phủ Taliban, Trung Quốc toan tính gì?

Sau sự kiện Mỹ rút quân khỏi Afghanistan dẫn đến việc Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, Trung Quốc cam kết sẽ không đưa quân đội đến Afghanistan mà sẽ đóng vai trò hòa giải và giúp tái thiết ở khu vực.

Theo tờ South China Morning Post, điều này cho thấy Trung Quốc có cách tiếp cận thận trọng hơn nhiều so các nước phương Tây.

Cụ thể, dù là một trong những nước đầu tiên thiết lập liên lạc với Taliban nhưng Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: XW

"Tiếp cận mang tính xây dựng"

Các nguồn tin ngoại giao và các nhà quan sát chính sách đối ngoại cho biết Bắc Kinh không vội công nhận chế độ do Taliban lãnh đạo, thay vào đó nước này chọn cách "can thiệp mang tính xây dựng" - ý tưởng được Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đưa ra vào năm 2017.

Khái niệm này xác định một vai trò tích cực hơn của Bắc Kinh tại các điểm nóng toàn cầu trong khi vẫn duy trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Là một phần của quá trình này, Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan Wang Yu đã gặp Abdul Salam Hanafi, phó trưởng văn phòng chính trị của Taliban. Cuộc gặp diễn ra ở Kabul vào ngày 24-8.

Ngày 26-8, đặc phái viên của Bắc Kinh về các vấn đề Afghanistan - ông Yue Xiaoyong đã mời Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar - ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đến Doha để thảo luận về Afghanistan.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã liên lạc với Taliban kể từ trước khi lực lượng này nắm chính quyền. Vào tháng 7, ông Vương cũng đã gặp một phái đoàn của Taliban ở Thiên Tân. Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của một chính phủ bao trùm ở Afghanistan và thúc giục Taliban cắt đứt quan hệ với tất cả các nhóm khủng bố.

Tái sử dụng chiến lược đối với cuộc chính biến ở Myanmar

Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết Trung Quốc muốn sử dụng lại cách nước này đã từng làm khi xử lý khủng hoảng ở Myanmar.

"Trung Quốc sẽ không đi đầu trong việc công nhận một chính phủ do Taliban lãnh đạo. Điều này tương tự như cách Trung Quốc làm việc với chính phủ quân sự ở Myanmar" - nguồn tin nói.

"Mặc dù có liên lạc tốt với quân đội Myanmar và cả hai bên đều hiểu rõ về nhau, nhưng Bắc Kinh đã không đi đầu trong việc công nhận lực lượng này là chính quyền chính thức của đất nước" - người này cho biết thêm. 

Chờ phản ứng của quốc tế

Một nguồn tin quen thuộc với việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho biết lý do Trung Quốc không vội công nhận một chính phủ Taliban là để có thêm thời gian quan sát cẩn thận các diễn biến.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ xem xét quan điểm của cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra bất kỳ hình thức xác nhận nào.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc duy trì một chế độ trừng phạt chống lại nhóm này và Ngân hàng Thế giới đã ngừng tài trợ cho Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul.

"Ý kiến của Hội đồng Bảo an sẽ là một chỉ số quan trọng để Trung Quốc theo dõi tình hình" - theo các nguồn tin thân cận với Bắc Kinh.

Đối với các nhà quan sát chính sách đối ngoại của Trung Quốc, vị trí chiến lược và tác động của Afghanistan đối với an ninh biên giới buộc Bắc Kinh cần phải hoạch định chính sách của mình một cách cẩn thận. Nhiều người vẫn hoài nghi về các cam kết của Taliban, cũng các chính sách cai trị tàn bạo của nhóm này vào những năm 1990.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm